Tin Hà Tĩnh

Vụ cạo trọc rừng phòng hộ: Doanh nghiệp nhận sai, trồng lại rừng keo

Liên quan đến vụ việc cạo trọc, đưa máy móc san ủi rừng phòng hộ tại khoảnh 1A, tiểu khu 299A ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), doanh nghiệp tiến hành san ủi khẳng định trước đây tính san ủi để trồng cây ăn quả, nhưng nay biết là rừng phòng hộ không được phép nên đang và sẽ tiếp tục trồng lại rừng keo.

Khu đất mà Công ty Xăng dầu Giang Nam san ủi ở rừng phòng hộ này được khẳng định đang và sẽ tiếp tục trồng lại rừng keo. Ảnh: Trần Tuấn.


Ngày 20.4, đại diện Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (trụ sở chính ở xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) đã cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động san ủi tại khoảnh 1A, tiểu khu 299A ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà mà Báo Lao Động vừa có bài viết phản ánh.

Ông Dương Đức Thành - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Giang Nam chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, đầu năm 2022, Công ty Xăng dầu Giang Nam định mua khu đất hơn 27 ha ở khoảnh 1A, tiểu khu 299A ở xã Nam Điền của ông Nguyễn Văn Ngọc (ở thành phố Hồ Chí Minh) được cấp GCNQSDĐ có mục đích sử dụng đất là rừng sản xuất để làm tài sản công ty, sau đó sẽ trồng một số cây ăn quả như cam, bưởi.

Thế nhưng, quá trình đưa máy vào san ủi, mở đường thì cơ quan chức năng đến kiểm tra và khẳng định khu đất đó đã được quy hoạch là rừng phòng hộ từ năm 2015. Đồng thời, thông tin theo quy định là rừng phòng hộ thì không thể chuyển nhượng cho tổ chức, cho doanh nghiệp mà chỉ chuyển nhượng được cho cá nhân nên sau đó đã làm thủ tục để cá nhân ông Nguyễn Trọng Ngọc là Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Giang Nam nhận chuyển nhượng.

Ông Thành khẳng định, không có việc san ủi để làm dự án vui chơi giải trí hay tập golf như một số thông tin mà chỉ tính san ủi để trồng cây ăn quả.

“Ban đầu chúng tôi cứ tưởng đó là đất rừng sản xuất nên làm được nhưng khi được cơ quan chức năng kiểm tra, giải trình thì chúng tôi dừng không làm nữa. Giờ ý định là trồng lại xung quanh toàn bộ là keo. Nhưng với 27 héc ta thì đâu phải trồng ngay được đâu. Hiện nay, chúng tôi đã trồng được 5 đến 6 hec ta trên rồi. Cơ quan chức năng đã nói rồi, mình không thể làm trái được, sẽ chấp hành nghiêm túc.” - ông Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, bản thân có băn khoăn là trong GCNQSDĐ cấp cho chủ rừng là đất rừng sản xuất, đến năm 2015 thì điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thành rừng phòng hộ. Thế nhưng, chưa có bước thông báo, chuyển đổi sang rừng phòng hộ, người dân cũng chưa được hỗ trợ gì, ngay trong bìa đất cũng còn ghi là rừng sản xuất nên dễ hiểu rằng đó vẫn đang là rừng sản xuất.

Ngôi nhà trái phép mà Công ty xây dở đã bị đình chỉ. Ảnh: Trần Tuấn.


Giải thích về việc tại sao xây nhà trái phép, lắp đặt trạm biến áp và kéo đường điện ra khu đất nói trên, ông Thành cho rằng trước đây chủ cũ cũng đã xây ngôi nhà nhỏ nhưng đã xuống cấp nên vừa rồi xây lại là tính để công nhân chăm sóc cây có nhà nghỉ ngơi và kéo điện ra là để bơm nước tưới cho cây ăn quả.

Ông Phan Bá Đức - Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Giang Nam chi nhánh Hà Tĩnh khẳng định, đã và sẽ tiếp tục trồng lại keo trên khu đất thuộc khoảnh 1A, tiểu khu 299A ở xã Nam Điền. Ông Đức cũng thừa nhận, không chỉ với rừng phòng hộ mà với rừng sản xuất, muốn trồng cây ăn quả thì cũng phải xin chủ trương, xin chuyển đổi.

Về vấn đề năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định số 2380 phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh thì khoảnh 1A, tiểu khu 299A ở xã Nam Điền từ rừng sản xuất chuyển sang rừng phòng hộ, nhưng chưa có bước tiến hành chuyển đổi thì chưa là rừng phòng hộ, ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh khẳng định với quyết định quy hoạch 3 loại rừng năm 2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì nó có hiệu lực pháp lý luôn mà không cần phải thêm thủ tục chuyển đổi nữa.

Tác giả: Trần Tuấn

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP