Nhân ái

13 năm tìm con, người phụ hồ hiếm muộn gục ngã trong cảnh khánh kiệt

Khao khát tiếng cười của con thơ, vợ chồng anh Bình dồn hết tài sản, tâm huyết vào điều trị hiếm muộn. Hành trình gian nan chưa đi tới đích thì anh bất ngờ bị căn bệnh "viêm não tự miễn" quật ngã.

Vết thương lòng của cặp vợ chồng nghèo

Người phụ nữ trẻ, ngồi lặng lẽ bên hành lang khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện quận Thủ Đức, (TPHCM) thi thoảng chị lại đưa tay lên gạt vội những giọt lệ nhòa khóe mắt. Hơn 2 tháng qua, chồng chị đột ngột rơi vào cơn nguy kịch đã chuyển liên tiếp qua nhiều bệnh viện nhưng hy vọng sống của anh ngày càng trở nên mong manh, trong khi đó gia đình đã cảnh khánh kiệt.

Chị Hợi nghẹn ngào chia sẻ những khó khăn của hai vợ chồng

Chị là Nguyễn Thị Hợi (36 tuổi) vợ bệnh nhân Nguyễn Võ Bình (37 tuổi). Khi được hỏi về gia cảnh, chị nghẹn ngào tâm sự: “Vợ chồng tôi cùng quê ở Nghệ An, cuộc sống khó khăn nên phải nghỉ học sớm. Nghề nông vất vả nhưng chẳng đủ sống, đến tuổi trưởng thành chúng tôi lần lượt vào miền Nam tìm việc làm với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở cùng làng nên biết nhau từ nhỏ, vào Đồng Nai đi làm công nhân, giữa đất khách quê người, chúng tôi nương tựa, giúp đỡ nhau rồi mang lòng yêu thương”.

Sau lễ cưới đơn sơ năm 2007, chị Hợi cùng chồng càng nỗ lực lao động, họ mơ về một mái ấm hạnh phúc tràn ngập tiếng cười của con thơ. Tuy nhiên, 3 năm sau ngày cưới vợ chồng họ vẫn chưa thực hiện được thiên chức làm cha mẹ.

Nỗi lo lắng về nguy cơ hiếm muộn đã trở thành hiện thực, sau khi kiểm tra bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, lỗi tại ở anh Bình quá yếu nên không thể thụ thai tự nhiên được.

Suốt 13 năm qua, vợ chồng chị Hợi dồn mọi của cải tâm huyết vào điều trị vô sinh nuôi mơ ước có con

Anh Bình mắc căn bệnh viêm não tự miễn, diễn tiến ngày càng nặng

Theo lời kể của chị Hợi: “Bác sĩ tư vấn cho chúng tôi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm rồi chuyển phôi. Cả hai vợ chồng thấp thỏm vui mừng vì vẫn còn cơ hội để được làm cha, làm mẹ như bao người khác.

Lần thứ nhất thực hiện thất bại, lần thứ hai cũng không mang lại kết quả, bác sĩ khuyên chúng tôi cần phải có nhiều thời gian hơn trong việc điều trị và chuẩn bị sức khỏe tốt nhất mới mong có kết quả khả quan hơn. Công ty không cho nghỉ làm thời gian dài, hai vợ chồng buộc phải xin thôi việc. Chồng chuyển sang làm phụ hồ còn tôi nhận đồ may gia công”.

Cơ hội sống của bệnh nhân đang trở nên mong manh trong cảnh khánh kiệt của hai vợ chồng

Mỗi lần thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm tốn khoảng 100 triệu đồng. Tính đến năm 2019, vợ chồng anh Bình đã thực hiện kỹ thuật trên 5 lần nhưng tất cả đều không mang lại kết quả.

“Bế tắc, chúng tôi đã tìm đến cả các phương pháp điều trị Đông y, ai mách ở đâu có thầy chữa được vô sinh hiếm muộn, vợ chồng đều tìm đến. Đến nay, mọi khoản tiền dành dụm được đã cạn kiệt nhưng mơ ước có con ngày càng xa vời. Mỗi khi gặp người quen, họ quan tâm hỏi thăm, có con chưa, có nhà chưa… chúng tôi chỉ biết cúi đầu”.

Người chồng khốn khổ bị bệnh quật ngã

Đối mặt với những khó khăn nghiệt ngã của cuộc sống và nỗi buồn của chính mình vợ chồng họ càng cảm thông, chia sẻ, thương yêu nhau hơn.

“Nhiều lúc anh muốn tôi tìm hạnh phúc riêng để đường con cái được toại nguyện nhưng tôi đã chọn anh làm chồng thì cuộc sống có ra sao cũng luôn sẵn sàng đón nhận. Thấy anh làm việc đến kiệt sức để dành dụm từng đồng tiếp tục nuôi hy vọng điều trị hiếm muộn rồi lại buồn rầu khi thụ tinh ống nghiệm thất bại tôi càng thương chồng”.

Cuộc chiến giành giật sự sống của anh Bình đang đối mặt với quá nhiều thử thách

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, công việc của hai vợ chồng càng bấp bênh hơn, khó khăn chưa tìm được lối thoát thì tai ương lại ập xuống.

Nói về tình trạng bệnh của chồng, chị Hợi cho biết: “Những ngày đầu tháng 7, anh than mệt, chóng mặt nhưng vẫn cố gắng đi làm vì sợ nghỉ sẽ mất việc. Ngày 9/7, khi đến công trường xây dựng ở Đồng Nai làm việc thì đột nhiên ngất xỉu, được những người làm cùng đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi kiểm tra không phát hiện bất thường, bệnh viện cho anh thuốc bổ não về nhà uống”.

Chị kể trong nước mắt: “Những ngày sau anh than mệt nhưng vẫn gắng gượng đi làm. Tối 17/7 khi đang nằm xem tivi, anh lên cơn co giật, gồng cứng toàn thân, tôi sợ quá nhờ người sống cùng khu trọ đưa chồng vào Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu.

Một tuần sau, anh co giật liên tục, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng rối loạn thần kinh. Sau rất nhiều kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết, anh bị căn bệnh viêm não tự miễn rất nguy hiểm”.

Chị Hợi đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì không lo nổi chi phí điều trị cho chồng

Gần 1 tháng điều trị tại Chợ Rẫy, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện quận Thủ Đức. Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho biết: “Sau chuyển viện, tình trạng rối loạn tri giác của bệnh nhân ngày càng nặng thêm, phải hỗ trợ thở máy, điều trị tích cực. Đây là bệnh ít gặp, chúng tôi đang phối hợp chuyên môn với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong điều trị”.

Cũng theo BS Trọng Dũng: “Bệnh nhân đã được thay huyết tương 5 lần để lọc các yếu tố gây tổn thương não, tuy nhiên bệnh tiến triển rất chậm. Sau hội chẩn chuyên môn giữa 3 bệnh viện, chúng tôi quyết định sẽ cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc đặc hiệu (Immunoglobulin) với hy vọng đẩy lùi được viêm não tự miễn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc rất đắt tiền liệu trình điều trị 5 ngày tốn khoảng 130 triệu đồng”.

Trên giường bệnh, anh Bình nằm lơ mơ, thoi thóp theo từng nhịp của chiếc máy thở, cơ thể cháy nắng, rắn chắc của người phụ hồ đã trở nên teo tóp. Nghe tiếng vợ gọi, đôi mắt vô hồn của anh hé mở, chân tay quờ quạng rồi lên cơn co giật dữ dội. Anh há hốc miệng, mấp máy hai bờ môi khô khốc, u ớ như muốn nói nhưng cơn co giật khiến toàn thân anh co cứng, 2 hàng nước mắt chảy dài.

Để anh Bình có cơ hội vượt qua bạo bệnh, các bác sĩ rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng

Sau 2 tháng chồng nằm viện, ngoài khoản tiền hơn 30 triệu đồng tiết kiệm được, chị Hợi đã phải vay mượn gần 200 triệu đồng để chạy chữa. Số tiền trên chưa biết khi nào mới trả được, người vợ nghèo lại choáng váng khi nghe bệnh viện thông báo cần chuẩn bị khoản tiền rất lớn để mua thuốc cho chồng.

Chị Hợi nghẹn ngào: “Những người có thể vay mượn tôi đều nhờ cả rồi... Giờ tôi chẳng biết phải xoay xở đâu để có tiền cứu chồng, chắc tôi phải xin bác sĩ cho đưa anh về”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Hợi (vợ bệnh nhân Nguyễn Võ Bình)

Số tài khoản: 0411001067243; Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nam Bình Dương

Điện thoại: 0377011278

Địa chỉ: Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP