Tin Hà Tĩnh

Thực trạng nhà ở xã hội sau mưa lũ lịch sử ở Hà Tĩnh

Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở TP Hà Tĩnh đang trở thành chủ đề của người dân, khi câu chuyện giá rẻ, tiện ích hữu dụng cũng như những bất cập xung quanh được đem ra mổ xẻ, sau khi Hà Tĩnh vừa trải qua 2 đợt mưa lũ lịch sử, với đỉnh lũ “trăm năm có một”.

TP Hà Tĩnh vừa trải qua 2 đợt mưa lũ lịch sử, với đỉnh lũ “trăm năm có một”, khi gần như toàn thành phố chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu 2-3m trong ngày 19/10 đến 22/10 và đợt mưa bão, ngập lụt sau đó 10 ngày.

Đây là lúc, người dân đưa nhà ở xã hội “lên bàn cân”, khi đánh giá những ích lợi giá rẻ, cũng như tính hữu dụng của nhà ở xã hội cao tầng, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những đánh giá về những bất tiện, cũng như thực trạng của nhà ở xã hội sau khi trải qua 2 đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.

Thực trạng chung

Ngày mà toàn TP Hà Tĩnh ngập chìm trong đỉnh lũ lịch sử, khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở phường Thạch Linh, với 3 tòa nhà cao 11 tầng bị nước lũ ngập qua cốt nền tầng 1 chừng 20cm.

Khuôn viên nhà ở xã hội ở phường Thạch Linh ngập nước trong đỉnh lũ lịch sử ngày 19/10.


Đấy là thực trạng của đợt lũ lịch sử từ ngày 19 đến 22/10. Riêng đợt mưa lũ thứ 2, ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 từ ngày 29 đến 31/10, mưa lớn không gây ngập lụt nặng, nước lũ không ngập vào sảnh tầng 1 tòa nhà. Tuy nhiên, mưa gió mạnh đã khiến một số căn hộ ở đây xuất hiện hiện tượng thấm dột, nước tràn vào nhà, gây bất tiện nhất thời cho chủ căn hộ.

Đường nứt ở khe co giãn tòa nhà A.


Điển hình là căn hộ của gia đình bà Phan Thị T. ở tầng 6 tòa nhà C, nước mưa đã thấm từ cánh cửa ở phía ban công tràn vào sàn căn hộ.

“Hôm đó mưa to kèm theo gió lớn, nước mưa thấm qua khe cửa ở ban công rồi chảy vào sàn nhà. Gia đình tôi phải dùng khăn chặn dưới cánh cửa mới hạn chế được nước vào, không ảnh hưởng tới tài sản trong nhà” - bà T cho biết.

Mưa bão lớn, gió tạt nước vào nhà qua khe hở giữa chân cửa phía ban công hướng Bắc nhà ông Đặng Quang C.


Tương tự, là căn hộ của ông Đặng Quang C. ở tầng 8 tòa nhà B, nước thấm từ cửa phía ban công vào sàn nhà sau trận mưa gió lớn. Theo chia sẻ của ông Chính thì dù đã chủ động đóng các cánh cửa từ trước, nhưng khó tránh khỏi tình trạng nước thấm vào nhà bởi căn hộ nằm ở tầng 8 và thời điểm mưa còn có gió mạnh khiến nước thoát không kịp.

Đi tìm nguyên nhân

Khu nhà ở xã hội ở phường Thạch Linh có 3 tòa nhà 11 tầng, với 488 căn hộ đã hoàn thiện, trong đó 400 căn hộ đã có chủ ở các tòa nhà A, B, C. 88 căn còn lại, được dự tính cho thuê theo quy định.

Khu nhà ở xã hội có 3 tòa nhà với 488 căn hộ tiêu chuẩn cho người thu nhập thấp ở TP Hà Tĩnh.


Trong đợt lũ lịch sử ngày 19/10, nước lũ ngập vào sảnh tòa nhà cao gần 20cm, đồng nghĩa với việc ngập so với nhà để xe 60cm. Các tòa nhà ở đây không có tầng hầm.

Ông Phạm Văn Tịnh – Phó Ban quản trị tòa nhà chung cư nhà ở xã hội cho biết, việc xây dựng cốt nền các tòa nhà này là theo quy hoạch, do Sở xây dựng quy định (cốt 6.85), phù hợp với quy hoạch mặt bằng xung quanh, muốn làm cốt nền cao hơn cũng không được.

Cốt nền khu nhà ở xã hội theo quy hoạch được phê duyệt, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2010.


“Cốt nền này, đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2010 ở TP Hà Tĩnh. Nhưng đợt lũ vừa rồi, vượt mọi sự tính toán, cả thành phố Hà Tĩnh thất thủ, chứ không riêng gì khu vực này. Một khi xả lũ hồ Kẻ gỗ thì không ai tính được, thay đổi tình trạng tự nhiên thì con người không tính được” – Ông Phạm Văn Tịnh cho biết.

Việc các căn hộ ở tầng 1 nước ngập vào nhà, là bất khả kháng. Vậy một số căn hộ ở tầng cao vỡ kính, nước tạt vào nhà, thì sao?

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Văn Tịnh cho biết, không có chuyện vỡ kính ở các căn hộ, mà chỉ vỡ một vài cửa kính ở hành lang. Điều này do một số cư dân dùng chưa quen, mở ra không đóng chặt, hoặc không dùng chốt hãm phía dưới, lúc gió bão mạnh, đẩy cửa đóng ập vào với 1 lực lớn, gây rạn kính, vỡ kính.

Ông Phạm Văn Tịnh - Phó Ban quản trị trả lời PV báo Bảo vệ pháp luật.


“Đợt gió bão vừa rồi, sức gió mạnh gấp 10 lần chịu lực tiêu chuẩn của kính. Nếu không đóng chặt, để cửa kính đóng mở tự do thì kính rạn, kính vỡ là điều tất yếu” – Ông Tịnh lý giải.

Về hình ảnh nứt, thấm dột giữa các tòa nhà, ông Tịnh cho biết, đây là khe co giãn, là yêu cầu thiết kế bắt buộc.

“Ở giữa 2 tòa nhà, 2 khối nhà, về nguyên tắc phải có khe co giãn. Bình thường thì không sao, nhưng mưa bão lớn thì nước chảy vào gờ, thấm tường” – Ông Tịnh cho biết.

Khe co giãn giữa tòa nhà, các khối nhà là thiết kế bắt buộc.


Đối với các căn hộ bị ngấm, nước tạt vào nhà, ông Tịnh cho biết là những căn hộ ở hướng ban công phía Đông và phía Bắc.

“Đây là hướng bão vùng Tây Thái Bình Dương sẽ quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Hướng này mưa bão đánh vào trực tiếp. Mưa kết hợp cả gió nữa thì hướng nhà mặt này sẽ bị tạt vào. Ở đây, nước mưa bị gió bão tạt mạnh vào nhà qua phụ kiện keo và roăng cao su” – Ông Tịnh lý giải.

Kính ở hành lang rạn vỡ do không được đóng, chốt chặt, gió bão thổi mạnh khiên cữ bị bung, va đập.


Theo phân tích của ông Tịnh, hệ thống roăng giữa kính và nhôm ở hướng này bị chịu tác động lớn bởi nhiệt độ, nên bị “lão hóa” đế roăng.

“Dẫu cấu tạo, thiết kế 2 lớp roăng, nhưng chịu tác động bởi nhiệt trên bề mặt cao, nên bị lão hóa, co giãn. Thêm nữa, nước còn tạt vào ở những nơi không có roăng như chân cửa, gió bão thổi mạnh đến mức lùa ào ạt nước mưa qua khe hở bị bung, tạt nước vào nhà” – Ông Tịnh cho biết.

Giải pháp nào để khắc phục?

Theo tìm hiểu của phóng viên, đợt bão số 9 vừa qua, tại khu nhà ở xã hội có 39 căn hộ bị ảnh hưởng bởi thấm nước, nước tạt vào nhà qua khe cửa kính (16 căn thấm nước, 23 căn nước tạt qua cửa kính). Con số này chia đều cho 3 tòa nhà, ở các căn hộ hướng Đông và Bắc.

Không chỉ vậy, trong đợt ngập lụt ngày 19/10, cả khu nhà bị ngắt điện gần 24h, gây bất tiện cho sinh hoạt của cư dân ở đây.

Khu nhà có hệ thống phát điện dự phòng, được làm tấm ngăn lũ đề phòng sự cố.


Trước thực trạng này, ông Phạm Văn Tịnh cho biết, khu nhà ở xã hội có hệ thống 3 máy phát điện dự phòng nằm ở 3 tòa nhà; có 2 hệ thống dự trữ nước cả tầng trệt và hệ thống dự trữ trên mái, đáp ứng cấp nước đủ 24h đến 48h cho các căn hộ.

“Lần đầu ngập lụt, điện lưới mất chừng 24h, sau đó đã khôi phục. Lần thứ 2 chúng tôi đã cho làm các tấm ngăn nước, không cho nước lũ tràn vào trạm biến áp, tụ điện, máy phát điện…. đảm bảo an toàn. Giờ thì đã xây cao bảo vệ xung quanh, cao hơn đỉnh lũ vừa rồi 20cm” – Ông Tịnh nói.

Công nhân đang xây tường bao vào các hệ thống điện, nước cao hơn đỉnh lũ 20cm.


Đối với thực trạng nước mưa tạt vào căn hộ, theo ông Tịnh ngoài việc thay các roăng đã “lão hóa”, tại những nơi không thể bỏ roăng như chân cửa… Thì chủ căn hộ cần chủ động, phối hợp với BQL có giải pháp thích hợp như tấm chắn, ri đô, để dẫu có mưa lớn, gió thổi mạnh thì nước cũng không thể tạt qua khe hở vào nhà.

“Riêng khe co giãn, thì chỉ có thể gắn keo đảm bảo thẩm mỹ, để nước không thấm dột qua gờ, chứ không thể khắc phục bằng biện pháp kỹ thuật, vì khe co giãn là thiết kế bắt buộc, bởi đặc điểm nền địa chất không đồng đều, các tòa nhà, khối nhà có chiều dài trên 40m phải có khe co giãn” – Ông Tịnh cho biết.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Tác giả: Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo BVPL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP