Dự án đầu tư

Dự án kè sông Ngàn Sâu: Dân kêu thiệt thòi, tiến độ bị ‘đe dọa’

Mặc dù chỉ còn 2 hộ dân chưa đồng tình ký vào bản cam kết giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hàng chục hộ dân khác dù đã ký vào bản cam kết GPMB nhưng vẫn...

hatinh

Các hộ dân tình nguyện hiến hàng trăm, hàng nghìn m2 đất cho dự án nhưng việc chặt phá vườn bưởi khiến họ thấy xót xa

Mặc dù chỉ còn 2 hộ dân chưa đồng tình ký vào bản cam kết giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hàng chục hộ dân khác dù đã ký vào bản cam kết GPMB nhưng vẫn năm lần bảy lượt đề nghị với xã, huyện, tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần thiệt hại tài sản trên đất cho bà con ổn định cuộc sống.

Dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hương Trạch, huyện Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 942, ngày 20/3/2015 với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ 667 triệu đồng.

Chủ đầu tư là BQL các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Khê; đơn vị thi công là Cty TNHH thương mại và xây dựng Hoàng Ngọc (thị trấn Hương Khê). Dự án này có nhiệm vụ thực hiện 3 hạng mục chính gồm: Tuyến kè hơn 2.163m; các công trình trên tuyến và hoàn trả mặt bằng đường thi công.

Mục đích đầu tư dự án nhằm chống sạt lở bờ sông, bảo vệ dân cư, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng trong vùng, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, góp phần tạo cảnh quan môi trường ổn định và phát triển KT-XH trên địa bàn.

Du an ke song Ngan Sau: Dan keu thiet thoi, tien do bi 'de doa' - Anh 2

Người dân Hương Trạch mong muốn nhà nước hỗ trợ một phần thiệt hại tài sản trên đất cho bà con

“Việc thực hiện dự án kè sông Ngàn Sâu là cực kỳ cần thiết, người dân Hương Trạch rất đồng tình ủng hộ nhưng chúng tôi đang băn khoăn tại sao dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, cùng thực hiện kè sông Ngàn Sâu đoạn qua Hương Trạch cả mà phía kè phía bắc thì có đền bù, còn kè phía nam lại không? Người dân tha thiết muốn làm kè nhưng khi đề xuất hỗ trợ cấp trên bảo nếu dân không đồng tình GPMB thì dự án đi làm nơi khác nên dù không muốn bà con cũng phải hiến cả”, ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng thôn Phú Lễ cho hay.

Gia đình ông Thiện là một trong 19 hộ thuộc thôn Phú Lễ nằm trong diện GPMB của dự án. Ông bảo rằng, ông phản ánh với báo chí không chỉ vì đòi quyền lợi cho gia đình mình mà còn đại diện cho hàng chục hộ dân nói lên nguyện vọng bao lâu nay bà con đã đề xuất trong các cuộc họp với xã, huyện nhưng chỉ nhận được câu trả lời “dự án không có tiền đền bù”.

Cách gia đình ông Thiện không xa, hộ ông Hoàng Trọng Kim vì chưa đồng tình với cách vận động GPMB của chính quyền địa phương nên đến nay ông chưa ký vào bản cam kết GPMB.

“Tôi đã tham khảo rất nhiều dự án do nhà nước đầu tư, không có dự án nào không có tiền đền bù hết. Trừ những dự án xã hội hóa như xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi không yêu cầu đền bù nhưng ít nhất Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ một phần tài sản trên đất cho chúng tôi chứ. Làm như bây giờ thiệt thòi cho dân quá”, ông Kim nói.

Du an ke song Ngan Sau: Dan keu thiet thoi, tien do bi 'de doa' - Anh 3

Ông Kim chưa đồng ý hiến đất vì cho rằng có sự khuất tất trong việc GPMB

Theo biên bản thống kê của UBND xã Hương Trạch, dự án sẽ lấy 259m2 đất; 18 cây bưởi Phúc Trạch (loại 10 năm); 7 cây tro và 28 cây dó trầm (loại 3 năm) của gia đình ông Kim. Ông Kim cho hay, ông đồng tình hiến đất và tài sản trên đất không có giá trị lớn nhưng đối với cây bưởi và dó trầm thì phải có hỗ trợ.

“Năm sáu năm nay bình quân mỗi năm 18 cây bưởi trên mang lại thu nhập 70 triệu đồng cho gia đình tôi. Bây giờ phá hết thì chúng tôi lấy gì mà ăn. Biết là hiến đất, hiến cây phục vụ dự án nhưng lấy vô tội vạ như bây giờ dân thiệt hại nhiều quá”, ông Kim chia sẻ thêm.

Chung quan điểm, ông Hán Duy Tùng, bức xúc: “Đồng ý là chúng tôi phải ủng hộ, đóng góp để làm kè bảo vệ đất đai sau này cho con em nhưng Nhà nước cũng phải quan tâm đời sống người dân chứ. Nói thật chúng tôi ký vào bản cam kết GPMB nhưng thực tình không muốn chút nào, cứ ký theo kiểu ép buộc”.

Ông Tùng phân tích, việc thực hiện dự án kè sông Ngàn Sâu là thiếu công bằng. Cụ thể, kè phía bắc thi công năm 2011 – 2012 cũng vận động người dân hiến đất, tài sản trên đất cho dự án nhưng do có một đơn kiện của hộ ông Quế, không đồng ý hiến nên sau đó diện tích đất, tài sản trên đất từ cây ngô, cây tre, ớt, lúa, chuồng bò… đều được tính toán đền bù thỏa đáng. Trong khi đó, người dân Hương Trạch chấp nhận chịu thiệt, đồng ý hiến hàng trăm, hàng nghìn m2 đất và tài sản trên đất rồi nhưng khi đề xuất hỗ trợ vẫn không được chấp nhận.

Hộ ông Tùng là một trong những gia đình hiến đất, tài sản trên đất cho dự án nhiều nhất ở thôn Phú Lễ với 1.183m2 đất ở, đất vườn; 28 cây bưởi (loại 5 năm); 70 cây dó trầm (loại 5 năm); 1 chuồng bò; 1 nhà vệ sinh và 2 cây gỗ tạp. Ông Tùng cho hay, trong số 28 cây bưởi bị chặt thì có 6 cây cho thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 10 triệu đồng.

Du an ke song Ngan Sau: Dan keu thiet thoi, tien do bi 'de doa' - Anh 4

Việc GPMB bên kia kè bắc được đền bù thỏa đáng

Ông Lê Đức Khang, Trưởng BQL các dự án đầu tư XDCB Hương Khê nói: “Do kinh phí nhà nước có hạn nên dự án không có kinh phí đền bù. Xã cam kết sẽ đảm bảo mặt bằng thi công thì mới thực hiện đầu tư. Bây giờ còn hộ nào chưa GPMB được thì tiếp tục vận động, còn đề nghị nhà nước hỗ trợ người dân thì chúng tôi không bao giờ đề nghị”.

Ngoài các hộ dân trên, hộ anh Nguyễn Sỹ Hoàn, Phạm Văn Ân, Phạm Văn Thân, Hoàng Xuân Đoài… đều cùng chung ý kiến, việc thực hiện GPMB dự án là thiếu công bằng.

Thôn trưởng Nguyễn Văn Thiện nhấn mạnh: “Có những cây bưởi mỗi năm cho thu nhập gần 10 triệu đồng, bây giờ bảo người dân chặt mà không có một đồng hỗ trợ nào làm sao họ không tiếc. Bao đời nay 100% hộ dân ở Phú Lễ nói riêng, Hương Trạch nói chung sống dựa vào cây bưởi và dó trầm. Nay dự án yêu cầu hiến đất, tài sản dân cũng đồng tình thôi nhưng cái gì cũng cần sự hợp lý, hợp tình”.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Xuân Lý, Chủ tịch MTTQ xã Hương Trạch cho hay, xã đã nhận được đề xuất hỗ trợ của người dân trong các cuộc họp nhưng do dự án này không có kinh phí đền bù nên xã chỉ xuống vận động bà con hiến đất, tài sản trên đất.

Ông Lý cũng xác nhận, năm 2011 – 2012 thi công tuyến kè chống sạt lở phía bắc sông Ngàn Sâu ban đầu không có kinh phí đền bù nhưng sau khi có đơn của một hộ dân và xã đề xuất lên thì huyện cấp kinh phí đề bù.

Được biết, toàn xã Hương Trạch có 49 hộ dân ven sông thuộc các thôn Bắc Lĩnh, Trung Lĩnh, Kim Sơn, Phú Lễ và Ngọc Bội chịu ảnh hưởng của dự án.

Việc vận động người dân chung tay góp công, góp của vào các dự án công cộng là cần thiết, cần khuyến khích. Tuy nhiên, nếu lấy đất “không hợp lòng dân” như phản ánh của người dân Hương Trạch thì ban GPMB dự án cần phải xem xét lại.

Hơn nữa, theo tìm hiểu của PV, căn cứ tại khoản b, điều 62, Luật Đất đai năm 2013, dự án kè chống sạt lở sông Ngàn Sâu là dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất thì thực hiện thu hồi đất theo 2 hướng, thu hồi đất áp giá đền bù theo quy định của Nhà nước và người dân có đơn xin trả lại đất thì Nhà nước thu hồi mới không phải đền bù. Do đó, việc người dân đề nghị hỗ trợ âu cũng là điều dễ hiểu.

 THANH NGA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP