Liên quan đến thực trạng xây dựng không phép trên địa bàn, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thừa nhận, ở thành phố này, tình trạng các dự án lớn tiến hành thi công, xây dựng khi chưa được cấp phép đã xảy ra từ lâu, chứ không phải giờ mới xuất hiện.
Theo ông Thơ, hiện tại, Đà Nẵng có một số dự án quan trọng, phục vụ cho sự kiện APEC 2017 sắp tới, vừa tiến hành song song xin phép Thủ tướng Chính phủ, vừa mở móng xây dựng, vừa xin thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, nhiều công trình khác, không nằm trong diện này, chủ đầu tư vẫn dùng phương thức tương tự.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lý giải về tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” trong xây dựng.
Ông Thơ cho rằng, đây là tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”. Sở dĩ có điều này vì các chủ đầu tư chủ quan, nôn nóng. Họ cho rằng, đất của mình, đã có bản thiết kế, đã nộp hồ sơ lên sở Xây dựng rồi, theo thủ tục hành chính, đúng giờ, đúng ngày, trước sau gì cũng được cấp. Do đó, họ mở móng xây dựng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hồ sơ xin phép nào nộp lên sở Xây dựng cũng được cấp đúng ngày, đúng giờ. Bởi, lúc làm việc, cơ quan chức năng phải kiểm tra rất nhiều thứ. Chẳng hạn, bản thiết kế chưa phù hợp thì sẽ bị trả lại để bổ sung, sửa chữa…
Ông Thơ viện dẫn, điều này cũng giống như người dân xây nhà tư nhân, phải làm hồ sơ gửi lên sở Xây dựng. Người dân tin rằng, thiết kế đã thuê kiến trúc sư vẽ, đất là của mình thì sẽ có giấy phép trong vòng 15 ngày. Do đó, chủ nhà cho đặt móng, xây dựng trước. Tuy nhiên, trong trường hợp hồ sơ này không được duyệt thì phải dỡ bỏ cái móng ấy.
Những sai phạm như thế này “không phải cố tình làm điều gì bậy bạ mà tâm lý chủ quan, nôn nóng”, vị chủ tịch nói. Các chủ đầu tư không lường trước được những bất trắc về thủ tục như quyền sở hữu, phê duyệt, thêm bớt tầng cao… khiến việc cấp giấy phép xây dựng không diễn ra đúng như dự kiến.
Vị chủ tịch cũng thừa nhận, sở dĩ có tình trạng các công trình lớn thi công chưa có giấy phép, một phần lớn trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý địa phương. Các cơ quan này quản lý một cách lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các sai phạm. “Các công trình lớn, các anh ở quận (cán bộ làm việc tại UBND quận) thường ngại vào kiểm tra vì nghĩ rằng, dự án cũ rồi, cấp trên đã cấp phép”, ông nói. Tuy nhiên, suy nghĩ này là không đúng. Cơ quan chức năng ở quận phải thường xuyên kiểm tra các công trình xem có phép hay không, khi thi công có đúng với giấy phép hay không… “Chính quyền phải chủ động phát hiện, chứ không phải cái gì cũng dân phát hiện”, ông nhấn mạnh.
Công trình xây dựng trái phép tại khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà.
Khi đi kiểm tra, cán bộ lịch sự, nhẹ nhàng thì chắc chắn không có nhà thầu nào ngăn cản. Chỉ khi cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ thì mới phát hiện các công trình thi công đúng hay sai, có giấy phép hay không. “Không có nơi nào mình không vào kiểm tra được hết”, ông chia sẻ. Thậm chí, ngay những công trình liên quan đến quân đội, rất khó để kiểm tra. Tuy nhiên, đối với những công trình, chỉ cần gửi văn bản lên bộ Quốc phòng để xin kiểm tra thì có thể kiểm tra.
Theo quan điểm của ông Huỳnh Đức Thơ, TP.Đà Nẵng luôn tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải làm đúng quy định, đúng pháp lý chứ không phải cứ có tiền thì thích làm gì thì làm. Riêng về các công trình xây dựng, nếu có sai phạm thì phải buộc dừng và đình chỉ ngay lập tức. Sai phạm thì phải xử lý dứt điểm.
Vị Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nói thêm, đối với các công trình phát hiện sai phạm, có thể tạo điều kiện cho các chủ đầu tư bổ sung hồ sơ. Khi có đầy đủ hồ sơ đã được chính quyền chấp thuận, phải kiểm tra lại, xem các phần đã xây dựng có đúng với hồ sơ được cấp hay không; nếu phần nào sai phạm thì phải dỡ bỏ.
Huy Cường – Nhâm Thân/Theo Người đưa tin