Theo ông Hà, con đường này trước đây là đường đất. Ông đã bỏ ra 80 triệu đồng để mua vật liệu. Sau đó, “anh em” đang thi công Tỉnh lộ 671 sẵn có máy móc nên đã làm đoạn đường này. Tỉnh lộ 671 được thi công năm 2010 khi ông Hà đang là Chủ tịch UBND TP Kon Tum.
Con đường nhựa dẫn vào khu biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà
Ông Nguyễn Ngọc Báu, nguyên Giám đốc hiện trường Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Gia Lai – Kon Tum – người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng giao thông, cho biết nếu đã có nền đường, để thảm lớp mặt đường cần phải xem xét nhiều yếu tố như chất lượng thô hay mịn, độ dày lớp mặt mới tính được giá. Tuy nhiên, với con đường dài 500 m, rộng hơn 3 m, lớp nhựa dày ít nhất 7 cm, chất lượng nhựa, thấp nhất vào thời điểm năm 2010 cũng phải mất 400 triệu đồng.
“Con đường rộng hơn 3 m, dài 500 m mà chỉ làm có 80 triệu đồng thì không hiểu là làm kiểu gì!” – ông Báu băn khoăn rồi cho biết trong xây dựng công trình giao thông, giá mua nhựa đường với số lượng nhỏ lẻ như vậy sẽ phải cao hơn. Ngoài ra, còn phải thêm chi phí vận hành máy móc rất tốn kém.
Chủ đầu tư Tỉnh lộ 671 năm 2010 là Ban Quản lý dự án ADB5 (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum). Ông Nguyễn Trọng Thọ, Phó trưởng Phòng Quản lý kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông (thời điểm đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án ADB5), cho hay tại Kon Tum không có chỗ bán bê tông nhựa, phải mua từ nơi khác chuyển tới, giá trị như thế nào thì tùy vào thời điểm.
Tuy nhiên, ông phủ nhận việc lấy vật tư đầu tư cho Tỉnh lộ 671 để làm con đường dẫn vào khu biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà. Theo ông Thọ, do chỉ quản lý phần thi công Tỉnh lộ 671 nên không biết đơn vị thi công có hợp đồng thi công đường vào nhà cho ông Hà hay không. Ngay cả khi ông Hà thuê đơn vị thi công thì cũng không thể lấy vật liệu của dự án làm Tỉnh lộ 671 để làm đường vào nhà cho ông Hà. “Khi bên mình thảm nhựa ngang qua đoạn dẫn vào nhà ông Hà, đoạn đường đó (đường dẫn vào nhà ông Hà – PV) đã làm đâu. Còn ông ấy làm khi nào thì mình không biết” – ông Thọ nói.
Một cán bộ xã Đắk Cấm khẳng định hiện nay, trong xã còn nhiều tuyến đường đã xuống cấp, đường đất như đường thôn 1, 2, 3, 7, 9… rất khó đi nhưng chưa được đầu tư nâng cấp. “Nếu ông Hà làm được con đường như thế mà chỉ tốn 80 triệu đồng thì người dân ở xã này không phải đi trên con đường xuống cấp nữa rồi. Người dân sẽ hùn tiền lại làm đường nhựa như ông ấy đi cho sướng” – cán bộ này nói.
Như Báo Người Lao Động phản ánh, năm 2003, ông Phạm Thanh Hà bắt đầu xây khu biệt phủ trên diện tích khoảng 2.000 m2 trong tổng diện tích hơn 25 ha ở xã Đắk Cấm. Mặc dù ông Hà không thừa nhận thời điểm mình xây dựng là trái phép trên đất nông nghiệp nhưng qua hồ sơ cho thấy ông Hà chỉ mới được chuyển mục đích một phần diện tích sang đất ở từ năm 2010 khi ông làm Chủ tịch UBND TP Kon Tum. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông đưa ra, trong đó có 2.000 m2 đất ở nông thôn cũng chỉ mới được cấp năm 2011.
: Hoàng Thanh/Ngườilaođộng