Nông thôn mới

Xây dựng NTM ở Hà Tĩnh – một chặng đường nhìn lại

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có rất nhiều cách làm sáng tạo và chủ động, nhờ vậy địa phương này đã trở thành điển hình của cả nước với kết quả là phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Theo “Báo cáo kết quả 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh Hà Tĩnh thì sau hơn năm năm, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Cụ thể, tất cả các xã hoàn thành 100% hoàn thành quy hoạch NTM. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, giai đoạn 2011 – 2014 đạt 7,04%/năm, riêng năm 2015 đạt 7,96%, cao hơn gấp 3 lần bình quân chung cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2015  chỉ còn 5,82%.

hatinh24h
Mô hình trồng cam chất lượng cao ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang.

Từ năm 2011 đến nay, Hà Tĩnh xây dựng mới được 10.129  mô hình. Các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh, tổng số doanh nghiệp, HTX, THT trên địa bàn nông thôn đến nay là 12.079 doanh nghiệp, 1.118 Hợp tác xã, 2.750 Tổ hợp tác. Về cơ sở hạ tầng, có thêm 4.418 km đường giao thông nông thôn mặt đường được đổ bê tông hoặc được rải nhựa, 1.552,7km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá, xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn 162 nhà văn hóa và 109 khu thể thao xã; 1.253 nhà văn hóa và 1.044 khu thể thao thôn. Hiện nay, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, số trạm y tế có bác sỹ đạt 72,2%… Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu được xây dựng tạo diện mạo mới, khởi sắc ở nhiều địa phương , đến nay, đã có 1.000 thôn triển khai xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, trên 2.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó có 460 Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo 10 tiêu chí và 860 vườn mẫu cơ bản đạt chuẩn theo 5 tiêu chí.

Đến nay, Hà Tĩnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 22,6% số xã) và không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.

Nhưng trên hết, kết quả xây dựng NTM Hà Tĩnh không chỉ là biểu hiện từ những con số thống kê. Mà thành tựu lớn nhất chính là sự thay đổi một cách toàn diện của bộ mặt “tam nông”. Nếu như trước đây, nhắc đến Hà Tĩnh, mọi người sẽ nghĩ đến một vùng đất cằn cỗi, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nghèo nàn, khắc nghiệt; thì nay, sau tác động của chương trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có sự “chuyển mình”. Nói một cách ví von, vùng đất này đang thay “áo mới”, ngày một giàu có và tươi đẹp hơn. Công cuộc xây dựng NTM Hà Tĩnh được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp Bộ ngành đánh giá rất cao, đặc biệt là ở cách làm sáng tạo, chủ động và hiệu quả.

Khu dân cư NTM kiểu mẫu xã Hương Trà, huyện Hương Khê.

Có thể khẳng định rằng, để có được những kết quả to lớn trong xây dựng chương trình NTM như trên, trước hết là nhờ vào sự quyết liệt, tâm huyết của lãnh đạo chính quyền cũng như sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị địa phương. Từ khi bắt đầu triển khai chương trình, gần như chưa có một thứ bảy, chủ nhật nào được nghỉ ngơi đối với Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến xã. Thứ bảy, chủ nhật của lãnh đạo Hà Tĩnh trong thời gian qua là ở các cánh đồng, các trang trại, là ở từng thôn, xóm…chính sự tâm huyết, quyết liệt của lãnh đạo đã làm cho cả hệ thống chính trị hoạt động hết công suất – sâu sát, quyết liệt và liên tục, làm cho phong trào luôn ở trong tình trạng phát triển cao nhất.

Một vai trò đóng vai trò then chốt trong sự thành công của Hà Tĩnh đó chính là vai trò tham mưu, đầu tàu của ngành nông nghiệp, mà cụ thể ở đây là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: trên chủ trương chung của cả nước, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo và lãnh đạo tỉnh những quyết định về cách làm riêng, mang tính sáng tạo, phù hợp với các điều kiện  đặc thù sẵn có của địa phương.

Công tác tham mưu của ngành nông nghiệp trước hết được thực hiện ở công tác tuyên truyền với mục đích giúp người dân và toàn xã hội nhận thức đúng và đầy đủ  về chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt là giúp người dân nhận thức được một cách sâu sắc rằng xây dựng NTM là xây dựng cho chính cuộc sống của mình. Từ đó người dân sẽ tự giác trong việc đóng góp sức người, sức của – những yếu tố đóng vai trò thành bại của chương trình.

Trên con đường mới

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã tham mưu hệ thống chính sách chương trình xây dựng NTM. Quan điểm xuyên suốt của chương trình NTM Hà Tĩnh là lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm thước đo. Ngành nông nghiệp đã tham mưu xây dựng một hệ thống chính sách phù hợp và sáng tạo.Trong đó, trọng tâm là vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nếu như trước đây, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh chủ yếu độc canh cây lúa, và mang tính tự cung, tự cấplà chính thì nay sản xuất nông nghiệp phải được dựa trên các mô hình mới, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu vật nuôi và cây trồng, các trang trại, hợp tác xã, tổ sản xuất được khuyến khích phát triển để hình thành các chuỗi sản xuất. Song song với đó là việc áp dụng tối đa khoa học kỹ thuật và công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm mang tính hàng hóa cao. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Và thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư rất thành công như Công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… chính những việc làm này đã làm cho mô hình xã hội hóa sản xuất nông nghiệp trong chương trình xây dựng NTM Hà Tĩnh đạt kết quả cao.

Và một điều quan trọng trong công tác tham mưu của ngành nông nghiệp đối với chương trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đó là chính quyền không đứng trên quan điểm đầu tư mà luôn đứng trên quan điểm hỗ trợ. Người dân là chủ thể, tự chủ trong mọi chương trình hoạt động của mình, chính điều đó đã làm cho người dân ý thức được vai trò, vị trí làm chủ của mình trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Tất cả các chương trình , người dân đều là chủ thể, tự tổ chức thực hiện và tự giám sát…từ đó, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM được đảm bảo hiệu quả tối đa. Điều này cũng đã được phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đánh giá cao bằng phát biểu: “Hà Tĩnh biết dùng tiền. Bỏ tiền ra cho Hà Tĩnh rất đáng đồng tiền bát gạo”.

Khu dân cư kiểu mẫu xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ.

Với quan điểm, phát triển nhanh, mạnh, đồng đều là quan trọng, nhưng quyết định vẫn là sự phát triển bền vững. Ngoài các tiêu chí chung của cả nước, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã mạnh dạn tham mưu xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 – đó là tiêu chí xây dựng các Khu dân cư kiểu mẫu và hàng rào xanh cùng hệ thống tiêu thoát… Những tiêu chí này hướng đến các giá trị cốt lõi NTM tại từng gia đình, từng tổ liên gia, thực sự làm “khởi sắc” bộ mặt nông thôn – có giá trị phát triển bền vững. Đây chính là vấn đề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có sự đánh giá cao đối với công cuộc xây dựng phát triển nông thôn Hà Tĩnh . Lấy Hà Tĩnh làm điển hình cho Chương trình xây dựng mục tiêu quốc gia NTM của cả nước.

Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra rằng, một chủ trương, một chính sách không thể đúng cho mọi hoàn cảnh. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm đó, Hà Tĩnh đã chủ động, sáng tạo đề ra các cách làm riêng,  phù hợp với các điều kiện cụ thể của địa phương. Nhờ vậy mà chương trình xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hi vọng rằng, những kết quả đó sẽ là tiền đề, nền tảng cho một quá trình phát triển bền vững, vượt bậc ở một vùng “địa linh, nhân kiệt”.

Mai Nguyễn  –  Quốc Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP