Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: HTX Tiền Phong với mô hình chăn nuôi tổng hợp

Khó khăn ngày đầu thành lập

Áp dụng kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, xây dựng trang trại có quy mô liên hoàn để tận dụng lượng lớn chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, HTX Tiền Phong (Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp này.

Hưởng ứng chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Xuân Hồng là một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Nghi Xuân. Với những lợi thế có sẵn tại địa bàn, ban lãnh đạo đã nảy sinh ý tưởng thành lập HTX với mục đích giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho người lao động và cung cấp nguồn lương thực cho bà con trong xã cũng như các vùng lân cận. Từ ý tưởng đó, ngày 24/2/2016 HTX chăn nuôi tổng hợp Tiền Phong được thành lập. Khi mới thành lập, HTX có 9 thành viên tham gia góp vốn, trực tiếp sản xuất, lấy địa bàn xóm 8 làm nơi xây dựng cơ sở vật chất cho mọi hoạt động và bà Nguyễn Thị Liên được bầu làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bắt tay vào hoạt động, HTX quyết định chọn các con giống chủ đạo trong mô hình chăn nuôi tổng hợp như: Lợn, gà, vịt, ngan, cá nước ngọt.

hatinh24h

Đàn lợn luôn được vệ sinh sạch sẽ

Những ngày đầu thành lập, HTX đã trải qua rất nhiều khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan. Xuân Hồng vốn là một xã có địa dư không mấy thuận tiện vào mùa mưa lũ, đất đai bạc màu, khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của vật nuôi, vị trí xây dựng mô hình còn phụ thuộc vào thời tiết, trang trại được xây dựng trên vùng trũng nên mỗi năm vào tháng 8, tháng 9 rất dễ bị ngập úng. Hơn nữa, công tác quản lí của HTX chưa có kinh nghiệm, các thành viên của HTX lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giao dịch với khách hàng nên cũng ảnh hưởng về lợi nhuận.

Chia sẻ với PV, bà Liên cho hay: “Biết được điều kiện địa hình ở đây không tốt nên khi xây dựng cũng đã đắp nền cao so với mặt đường quốc lộ nhưng nếu lụt ngập nặng như năm 2010 thì cũng sẽ ngập úng hết”.

Hơn nữa, trong tình hình hiện nay việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo về nhu cầu thực phẩm sạch vẫn còn chưa đáp ứng được. Nhiều vấn đề lo ngại trong quản lý cũng như sử dụng thuốc kháng sinh còn lỏng lẻo, việc sử dụng chất cấm vẫn đang còn xảy ra phổ biến trong thức ăn chăn nuôi làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe con người. Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra của sản phẩm trên thị trường.

Ngoài những khó khăn thì Xuân Hồng lại là xã có lợi thế về giao thông đi lại, nằm ngay trên trục đường chính đoạn QL1A nhờ thế việc giao thương rất thuận lợi, lại kết hợp được nguồn nước từ sông Lam chảy vào Hói Giằng tiện lợi cho việc cải tạo ao đầm, thông thoát nước.

Mặt khác, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân trên toàn xã và các xã lân cận cùng với lòng nhiệt huyết yêu nghề của các thành viên trong hợp tác xã, đoàn kết xây dựng mô hình ngày càng bền vững và hoạt động hiệu quả hơn.

Sức mạnh của sự đồng lòng

Đầu năm 2016, HTX bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại với quy mô 100 con lợn, 1000 con vịt, 200 con ngan, 15kg cá giống. Chủ lực vẫn là chăn nuôi lợn. Nhận thấy lợi thế có đất đai rộng rãi, vật nuôi lớn nhanh cho hiệu quả cao, HTX đã quyết tâm mở rộng mô hình, đa dạng hóa các loại vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài, xây dựng một trang trại quy mô, liên hoàn.

Để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, bền chặt và lâu dài hơn, ban chủ nhiệm HTX tiến hành kí hợp đồng cung cấp giống và thức ăn với các đơn vị sản xuất. Bước đầu, HTX lựa chọn trại giống Trung Lộc làm đơn vị cung ứng giống cho mình và Công ty cổ phần thức ăn gia súc Thiên Lộc là đơn vị cung ứng lâu dài nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Mô hình trang trại chăn nuôi được xây dựng trên khu đất trống với diện tích trên 1ha. Hệ thống chuồng nuôi lợn, vịt, ngan, nhà kho đều được xây dựng cách xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân trong vùng; Hệ thống máng ăn – uống tự động, hệ thống tắm tưới; máy bơm, lọc nước sạch đảm bảo vệ sinh và môi trường sống cho vật nuôi. Kĩ thuật xây dựng chuồng trại được đặc biệt chú ý.

Đối với hệ thống chuồng nuôi lợn được xây dựng trên khu đất cao, xung quanh khu vực nuôi heo có hệ thống mương rãnh thoát nước dội rửa chuồng và tắm cho heo mỗi ngày. Ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải bằng hệ thống biogas đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm sạch thông thoáng cho chuồng trại.

Đàn vịt trên 1000 con của HTX Tiền Phong

Áp dụng mô hình chăn nuôi kết hợp lợn –vịt – gà – ngan – cá gần một năm nay, bà Nguyễn Thị Liên chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: “mặc dù số lượng con giống chưa lên số lượng lớn nhưng lần đầu tiên áp dụng cách chăn nuôi kết hợp này đã đưa lại thu nhập đáng kể, giải quyết được công ăn việc làm trực tiếp cho các lao động”.

“Sắp tới, HTX sẽ có thêm mô hình chăn nuôi vịt trời nhằm hướng tới mục tiêu đa dạng hóa các loại hình vật nuôi kết hợp và tùy từng thời điểm cụ thể, HTX sẽ có những đối sách cụ thể về hoạt động kinh tế cho phù hợp với tình hình thực tế” – Bà Liên chia sẻ thêm.

Dù mới thành lập chưa đầy năm nhưng mô hình cũng đã cho thu nhập khá cao. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất được 2 đàn lợn (mỗi đàn 100 con) cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng; mỗi đêm 1000 con vịt đẻ khoảng hơn 900 quả, bình quân 23-25 ngàn đồng/chục; và cứ 3 tháng xuất 200 con ngan bình quân mỗi đàn cho thu nhập hơn 50 triệu đồng; cá cho thu nhập hơn 90 triệu đồng /vụ. Nhờ đó, mỗi lao động có thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng và tăng thu ngân sách cho nhà nước trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phi Phượng – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mô hình này sẽ rất phát triển nhờ vào địa thế cũng như những sáng tạo, kinh nghiệm trong chăn nuôi của HTX. Khi ý tưởng mới được đề xuất, xã đã tạo mọi điều kiện có thể để thành lập và đi vào hoạt động. Hiện xã đã có kế hoạch hỗ trợ 50 triệu đồng và sau này xã sẽ còn có những chính sách tốt cho quá trình chăn nuôi của HTX”.

Vấn đề sản xuất khó khăn nhưng tìm đầu ra cho các sản phẩm cũng không hề đơn giản. Để giải quyết khó khăn này, HTX đã phối hợp với các thương lái và tiểu thương, các nhà hàng trong xã, vùng phụ cận để tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo xã về giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với mô hình chăn nuôi tổng hợp liên hoàn đã tạo công ăn việc làm thường xuyên trực tiếp cho 9 lao động và mang lại thu nhập ổn định. Khi được hỏi về mô hình chăn nuôi tổng hợp bà Liên chia sẻ: Để trang trại duy trì được thì phải nuôi nhiều giống vật nuôi, như vậy sẽ không lo giá cả thị trường bấp bênh. Trong chăn nuôi cần chú ý vấn đề vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, có như vậy chăn nuôi mới mang lại hiệu quả cao. Đồng thời trong chăn nuôi cần phải sát sao quan sát vật nuôi, nếu có bất cứ biểu hiện gì về bệnh tật cần phải được cách ly sớm và chữa trị kịp thời.

Đi liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gắn liền với mô hình trang trại là một giải pháp rất thiết thực và hiệu quả.

Bùi Ánh – Phan Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP