Người đương thời

Gặp người xây “chợ Đồng Xuân hiện đại” giữa lòng Hà Tĩnh

Dám nghĩ và dám dấn thân là những ấn tượng đầu tiên khi nhóm PV báo Người tiêu dùng gặp anh giữa trời Hà Tĩnh. Rời bỏ thủ đô khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp để đến xây dựng tại một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người nghĩ rằng anh điên.

Là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung, anh Phạm Anh Tuấn cho rằng, lượng người được tiếp xúc với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ mới đạt khoảng 10 triệu người và 80 triệu dân Việt Nam sẽ còn thân thuộc với chợ truyền thống còn rất lâu nữa và ý định xây dựng một chợ truyền thống nhưng phải làm theo phong cách hiện đại thôi thúc anh.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công Thương Miền Trung là một doanh nghiệp chuyên đầu tư, khai thác, quản lý chợ, Trung tâm Thương mại, khách sạn,Chợ đầu mối, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh như nông nghiệp, thương mại…

_MG_8478

Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo về bảo vệ NTD Hà Tĩnh

Giữ chức thường trực trong Hội bảo vệ Người tiêu dùng Hà Tĩnh nên anh rất hiểu những khó khăn của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích của chính doanh nghiệp. Anh luôn định hướng doanh nghiệp của mình làm thế nào để người tiêu dùng có thể được mua những sản phẩm xứng đáng với giá trị sử dụng.

Người đi xây chợ: “Cái gì cũng có”

Nếu như Hà Nội có chợ Đồng Xuân, Nghệ An có chợ Vinh thì với anh Tuấn, Hà Tĩnh cũng phải có một cái chợ như thế. Lăn lộn hàng chục năm tại Quảng Ninh và Hà Nội với biệt danh Tuấn đen Hà Nội, người đàn ông từng trải này luôn luôn thúc mình phải tiến lên, phải làm hơn nữa.

_MG_8518

Anh mong muốn chợ Hội là trung tâm văn hoá của miền Trung

Hơn 10 năm tham gia xây dựng ở nhiều công trình trọng điểm khắp trong Nam, ngoài Bắc với nhiều ý tưởng táo bạo. Khi xây dựng  Trung tâm thương mại Chợ Hội (Cẩm Xuyên), Tổng giám đốc Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Khi biết chúng tôi có dự định đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại với quy mô lớn ở huyện Cẩm Xuyên, nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của dự án này”. Nhưng đã từng có những việc làm đột phá và táo bạo cũng những tính toán về phương án tài chính, anh khẳng định dự án của mình sẽ thành công và chỉ “hơi mạo hiểm”. Nhận thấy tiềm năng phát triển nơi đây. Tuy là một tỉnh còn nghèo, nhưng với những chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, tiềm năng phát triển về công nghiệp, thương mại và du lịch… Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có mức tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút được rất nhiều dự án trọng điểm ở trong và ngoài nước.

Nói là làm, giữa khủng hoảng tài chính 2009-2010, chợ Hội bắt đầu được xây dựng. Chợ – Trung tâm thương mại dịch vụ Cẩm xuyên là mô hình chợ bán buôn, bán lẻ, chợ đầu mối được thiết kế xây dựng và khai thác theo mô hình hiện đại mang phong cách truyền thống của địa phương với quy mô lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Chợ bao gồm Khu nhà chợ chính quy mô 2 tầng được xây dựng bằng khung bê tông cốt thép chịu lực và khu chợ công nghiệp với tổng diện tích sàn hơn 27.000 m2. Đi kèm với đó là khu kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, khu đông lạnh, nhà gara, khu chợ gia súc, gia cầm, chợ phiên, khu lò mổ công nghiệp, nhà làm việc, nhà ở cho công nhân…Một điều đặc biệt ở Chợ Hội là mô hình quản lý. Toàn bộ mặt hàng đều được niêm yết giá cả rõ ràng, các gian hàng trong hội chợ đều có đăng ký kinh doanh đầy đủ và các mặt hàng của các tiểu thương đều có xuất xứ rõ ràng. Công tác an toàn phòng cháy chữa cháy cũng được đảm bảo tối đa. Hệ thống camera giám sát an ninh chặt chẽ 24/24h được anh sử dụng cho toàn bộ khuôn viên chợ Hội. Có thể nói anh xây dựng quy mô chợ Hội như một “siêu thị chợ Đồng Xuân” bởi nó kết hợp được cả sức mạnh của một chợ truyền thống cũng như cách quản lý của một siêu thị hiện đại.

Tổng giám đốc “nông dân thực thụ”

Không chỉ với cái tài xây chợ mà trong con người vị Tổng giám đốc này còn trăn trở với nông nghiệp. “Lọc cát lấy vàng”, hàng chục loại giống vừa thử nghiệm, vừa sản xuất đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và khẳng định khả năng thích ứng tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như: củ cải trắng, cải bẹ, cà rốt, cà chua… Và, trên vùng cát trắng mênh mông này, anh Phạm Anh Tuấn đã cho ra đời hàng chục sản phẩm rau củ quả chất lượng cao.

_MG_8566
Ý tưởng táo bạo khi quyết định đầu tư hàng tỷ đồng trồng rau trên cát
_MG_8552
Công nghệ tưới nước tự động được áp dụng

Sử dụng công nghệ từ Isael, mô hình trồng cây trên cát của anh có những ưu thế tuyệt đối. Cam kết chỉ sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp mô hình tưới nước tự động, các sản phẩm của anh tuy chưa có sản lượng lớn nhưng với những lời khen từ phía người tiêu dùng anh khẳng định mình đang đi đúng hướng. “Dưa lê ở đây ăn ngon và ngọt không kém gì dưa Mỹ nhập khẩu” – là lời khẳng định chắc nịch của anh cũng như những đánh giá của những người mà anh mời ăn thử. Mô hình trồng rau, củ, quả kết hợp với nuôi cá, chăn thả gia súc, nuôi gia cầm dần trở nên hoàn hảo. Tất cả vật nuôi trong trang trại không sử dụng chất tăng trọng và anh có ý định sử dụng chính những sản phẩm công ty mình tạo ra để làm một nhà hàng gần bãi biển Thiên Cầm – Hà Tĩnh. Để mỗi lần du khách tới tham quan, tắm biển thưởng thức những sản phẩm ngon nhất của miền đất này.

Trăn trở với quyền lợi người tiêu dùng

Nhắc đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng anh chua xót: “Hàng giả, hàng nhái nhiều quá mà người tiêu dùng phần lớn chưa biết cách phân biệt để tự bảo vệ chính mình”.

Chia sẻ với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam anh Tuấn mong muốn tuyên truyền sâu và rộng tới toàn bộ người tiêu dùng vùng nông thôn về cách nhận biết hàng giả, hàng nhái. Anh đưa ra một ví dụ đơn giản: Một chai nước Lavie 0,5l có giá bán 5.000đ trong khi một nhãn hiệu tương tự làm nhái có giá bán 4.500 đ. Người tiêu dùng phần lớn sẽ mua chai nước rẻ hơn nhưng họ chưa hiểu rằng những chai nước ấy thậm chí múc từ ao lên để đóng chai bán, chưa hề trải qua bất kỳ quá trình lọc nào và tai hại khó lường khi sử dụng nó. Khi mà hàng giả còn tràn lan trên thị trường thì công tác bảo vệ người tiêu dùng còn tốn rất nhiều công sức của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như Hội bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Anh khẳng định doanh nghiệp mình sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng.

Anh chua xót khi nói về mô hình rau sạch mà anh đang gây dựng: “Người ta bỏ ra 2.000 đ cho một gói thuốc tăng trưởng của Trung Quốc là có thể bán rau, riêng mô hình trồng rau sạch của chúng tôi phải 1,2 tháng mới cho thu hoạch và giá cả cao hơn là một điều chắc chắn”. Chỉ cần người tiêu dùng hiểu được thì hàng giả, hàng nhái sẽ không còn đất sống, những chất độc hại không thể nào vào được bữa ăn của người tiêu dùng.

Trung Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP