Người đương thời

“Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”

Dù đôi chân bị bại liệt không thể đi lại được như người bình thường, cột sống bị vẹo lên đến 52 độ, nhưng Nguyễn Đài Trang đã luôn nỗ lực để vượt lên số phận, quyết tâm học và là chủ một nhà hàng kinh doanh nổi tiếng tại TP. Hà Tĩnh, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 30 lao động.

 “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra” - Ảnh 1

Nguyễn Đài Trang chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội đại biểu toàn quốc Trung ương Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi lần thứ 5 tại Hà Nội.

Ước mơ được đến trường

Nguyễn Đài Trang sinh năm 1981, ở Nghệ An trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em. Khi chào đời Trang cũng lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng mới được 3 tháng tuổi, một trận sốt bại liệt đã vĩnh viễn cướp đi sự lành lặn của đôi chân. Nhà nghèo lại đông anh chị em, nhưng vì thương con nên bố mẹ Trang cố gắng vay mượn, hy vọng chữa lành bệnh cho con. Nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, bố mẹ Trang đành bất lực nhìn con trở thành người khiếm khuyết. Suốt thời nhỏ, Trang ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, tuổi thơ của Trang gắn liền với hình ảnh áo blu trắng, những chiếc kim tiêm đau nhói thịt da cùng nhiều viên thuốc đủ sắc màu.

Năm lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa hằng ngày được cắp sách đến trường, Trang cứ dõi mắt nhìn theo và thấy rất tủi thân rồi nằng nặc xin bố mẹ cho đi học. Đến 8 tuổi, thương con, bố mẹ đã đồng ý cho Trang đến trường. “Khi ấy, gia đình rất nghèo, một chiếc xe đạp cũ cũng không có để đi nên anh chị phải thay phiên nhau cõng tôi đến trường. Nhiều hôm hôm tan học rồi mà chưa có ai đến đón, tôi phải tự bò từ trong lớp ra đường để xin đi nhờ xe về nhà, đến nỗi hai bàn tay, hai đầu gối, xước đến rướm máu”, Trang kể.

Cho đến bây giờ Trang vẫn không thể quên được những ngày đầu đến trường bị bạn bè cười nhạo, chọc ghẹo ghê lắm. Thời gian qua đi, với sự miệt mài, ham học, Trang tiếp thu bài rất nhanh, nên từ việc kỳ thị các bạn chuyển dần sang yêu mến, giúp đỡ. Mọi sự nỗ lực của Trang cũng đã được đền đáp, trong suốt những năm học phổ thông, Trang luôn là học sinh giỏi của trường, thành phố và của tỉnh.

 “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra” - Ảnh 2

Nguyễn Đài Trang tại Chương trình giao lưu “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ XIV.

Kể từ khi đôi chân đã vĩnh viễn bị liệt, Trang nghĩ sẽ chẳng còn điều gì không hay xảy ra với mình nữa, nhưng trớ trêu thay, bệnh lại chồng lên bệnh. Đó là đến cuối năm lớp 12, bác sỹ chẩn đoán Trang bị vẹo cột sống lên đến 52 độ. Khiến việc ngồi học tập và sinh hoạt của Trang càng thêm khó khăn, trở ngại hơn, lực học cũng vì thế mà ngày một sa sút. Trang có chút nản lòng, nhưng sự học trong Trang luôn thôi thúc, ước mơ được học từ nhỏ của Trang không dừng lại, đã khiến Trang có thêm động lực để tiếp tục con đường học tập. Năm 2002, Trang thi đậu vào khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 

“Cứ như một giấc mơ, tôi không nghĩ có ngày mình lại được bước chân vào ngôi trường trung cấp. Vừa mừng, vừa lo lắng vì đây là bước ngoặt lớn của cuộc đời với đầy những khó khăn, trắc trở. Rời khỏi vòng tay yêu thương của gia đình, bắt đầu cuộc sống của sinh viên, nhiều niềm vui nhưng cũng không ít gian nan. Những năm học xa nhà, khiến tôi càng thêm thấm thía được sự thiệt thòi của bản thân. Trong khi bạn bè chỉ cần nỗ lực một, hai thì tôi phải nỗ lực tới chín, mười lần. Tuy nhiên, tôi cũng không buồn nhiều vì điều đó, trong mắt bạn bè, thầy cô tôi luôn là đứa vui vẻ, hòa đồng”, Trang bồi hồi nhớ lại.

 “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra” - Ảnh 3Nguyễn Đài Trang trả lời phỏng vấn tại đêm diễn ra Chương trình giao lưu “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ XIV.

Món quà thượng đế ban tặng

Những năm tháng là sinh viên, có một người bạn ở cùng ký túc xá, bằng tuổi Trang, nhưng học trước Trang hai khóa. Bản tính anh hiền lành, điềm đạm, ít nói, đã luôn lặng lẽ quan sát, chia sẻ, giúp đỡ Trang những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đó là anh Phan Nhật Đông, ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, hiện là chồng, là cha của các con Trang bây giờ.

Kể lại chuyện tình yêu giữa hai người, Trang vẫn không giấu được sự xúc động. Hơn 4 năm quen biết và yêu nhau, Trang và Đông gặp phải sự cản trở quyết liệt của hai bên gia đình. Nhưng bằng tình yêu đích thực, vượt mọi trở ngại, bỏ qua những lời dèm pha, hai người vẫn quyết định đi đến hôn nhân. Ngày tổ chức đám cưới, bên họ nhà trai không có ai tham dự, Đông phải nhờ đến Công đoàn Trường THCS Kỳ Khang (Nghệ An), nơi anh công tác làm đại diện họ nhà trai.

 “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra” - Ảnh 4Nguyễn Đài Trang cùng hai con gái.

Trang tâm sự: “Sau đám cưới, bước vào cuộc sống gia đình với muôn vàn khó khăn, gia đình bên ngoại thì nghèo, bên nội thì không chấp thuận. Với hai bàn tay trắng, tất cả chỉ biết dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chồng để trang trải cuộc sống, vừa chăm sóc người vợ tật nguyền và một con gái nhỏ. Thương chồng, tôi luôn trăn trở, mưu sinh bằng nhiều cách để phụ giúp chồng chăm sóc tổ ấm nhỏ. Cũng thời điểm này, vợ chồng tôi sinh tiếp cháu gái thứ hai, cuộc sống lại càng thêm vất vả”.

Hơn 10 năm qua, vợ chồng Trang bươn chải khắp nơi, lăn lộn mưu sinh với đủ thứ nghề. Trang từng làm văn thư ở THCS Kỳ Khang – Kỳ Anh, mở hiệu sách ở Cửa Lò (Nghệ An), làm quản trị website cho doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Viên (Hà Tĩnh), mở quán cà phê, bán nước chè, làm nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel Hà Tĩnh và mở quán ăn.

 “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra” - Ảnh 5Tổ ấm của Nguyễn Đài Trang.

“Nếu số phận đã không ưu ái với chúng ta và chúng ta cũng không có phép màu để thay đổi nó, thay vì than thân trách phận chi bằng ta cứ mỉm cười, cứ vui, cứ sống hết mình với những gì đời đã ban cho. Bởi, ở đời này, không có cánh cửa nào là cuối cùng. Cánh cửa này đóng lại ắt hẳn sẽ có cánh cửa khác mở ra. Quan trọng là mình có đủ sự nhẫn nại, niềm tin để tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa cuộc đời hay không…”, Nguyễn Đài Trang chia sẻ.

Sau bao nhiêu thăng trầm, thử thách của cuộc sống, hiện tại, chồng Trang công tác ở Viettel Hà Tĩnh, còn Trang là chủ nhà hàng Nhà Tôi ở số  67, Đường Lê Duẩn (TP Hà Tĩnh), với tổng diện tích hơn 1000 m2. Tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động, trong đó có những người có hoàn cảnh khó khăn trong địa phương. Với mức thu nhập ổn định từ  5 – 15 triệu đồng/người/tháng. Cùng với 2 cô con gái khỏe mạnh, thông minh. Đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học lớp 1 –  “Đó là món quà tuyệt vời nhất mà Thượng đế đã ban cho vợ chồng tôi”, Trang nở nụ cười hạnh phúc.

CÙ HÒA/ Báo Dân Sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP