Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà cho các bé ăn trưa
Từng rơi vào tuyệt vọng vì mắc căn bệnh thế kỷ từ chồng, cô Đỗ Thị Thu Hà (37 tuổi, giáo viên Trường mầm non Sơn Kim 1, xã Sơn Kim 1, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã vượt qua bất hạnh, tiếp tục sống, cống hiến cho sự nghiệp trồng người và khơi dậy niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ.
Đồng hồ điểm 12 giờ trưa. Trường mầm non Sơn Kim 1 yên ắng, không còn tiếng ê a của trẻ nhỏ. Các cô giáo lặng lẽ đứng bên cửa phòng học, hướng mắt dõi theo các học trò đang say sưa ngủ. Và cũng nhờ thế, cô Hà mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi tại phòng hiệu bộ, cách lớp cô chủ nhiệm chưa tới 10 m.
Trước khi gặp cô Hà, chúng tôi mường tượng cô gầy gò, yếu đuối vì biết cô đã mang trong mình căn bệnh HIV 11 năm qua. Nhưng ngay khi gặp cô, suy nghĩ ấy đã vụt tan biến. Trước mắt chúng tôi là một phụ nữ trẻ đẹp, cao ráo, giọng nói nhỏ nhẹ, trên môi luôn nở nụ cười.
Rót bát nước chè xanh đãi khách, mở đầu câu chuyện, cô Hà cho chúng tôi biết, cô là con thứ 6 trong gia đình có 9 anh chị em ở huyện miền núi Hương Sơn. Dù bố mẹ cô quanh năm suốt tháng chỉ bám vào mấy sào ruộng khoán nhưng luôn cố gắng lo cho con cái ăn học đầy đủ. Được anh chị định hướng, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Hà thi vào khoa Sư phạm mầm non của Trường cao đẳng sư phạm Nghệ An. Năm 2001, ra trường, cô được nhận vào công tác tại Trường mầm non Sơn Kim 1. Niềm vui được nhân đôi khi ngay sau đó, cô Hà về nhà chồng trong một đám cưới với niềm hạnh phúc lớn lao sau 4 năm yêu và được yêu.
Chồng cô là tài xế chạy xe đường dài, tuyến Nghệ An – Hà Nội, thường xuyên xa nhà. Hai vợ chồng son luôn yêu thương nhau hết mực trong sự vun vén của hai bên gia đình. Một năm sau ngày cưới, tổ ấm của vợ chồng cô Hà càng thêm gắn kết khi cô con gái đầu lòng chào đời. Trong ngôi nhà cấp 4 ở xóm Kim Cương 1 (xã Sơn Kim 1) luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ.
Bi kịch của cô giáo trẻ
Nhưng rồi, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Bất hạnh ập xuống gia đình cô giáo trẻ khi đứa con gái mới chỉ lên ba. “Cuối năm 2006, anh ấy gặp tai nạn giao thông, phải nhập viện điều trị. Các bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm chồng tôi dương tính với HIV. Nghe tin dữ, đất trời như sụp đổ dưới chân tôi. Cả gia đình không chỉ lo cho anh mà còn lo lắng tột độ trước nguy cơ tôi và con gái bị lây nhiễm căn bệnh quái ác này”, giọng cô Hà chùng xuống.
Biết mình nhiễm phải căn bệnh hiểm nghèo, chồng cô Hà ngày càng xanh xao, gầy gò và 6 tháng sau thì ra đi mãi mãi. Mất chồng, cô Hà nhìn mọi thứ xung quanh trở nên xám xịt. Cô càng đớn đau, tủi hổ và tuyệt vọng khi biết mình cũng nhiễm HIV từ chồng. Bởi cô biết, nhiễm phải căn bệnh chết người này coi như con đường phía trước của cuộc đời đã ngắn lại. Đặc biệt, với những người làm công việc nuôi dạy trẻ như cô, khó lòng mà được học sinh và phụ huynh chấp nhận. Vậy nên, công việc đầu tiên cô Hà làm sau khi nhận “án tử” là viết đơn xin nghỉ việc.
Trao đổi với Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Loan, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Kim 1 cho biết, nhận được đơn xin nghỉ việc của cô Hà, Ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp đã hiểu, sẻ chia và động viên cô cố gắng vượt qua nỗi buồn đau, quan trọng hơn là vượt qua mặc cảm, sự dị nghị để tiếp tục đứng trên bục giảng. “Chúng tôi nói với cô ấy rằng, giờ Hà mà nghỉ việc thì lấy gì nuôi con. Nhà trường tạo điều kiện cho cô nghỉ 1 tháng để bình tâm nghĩ suy, xem xét lại quyết định của mình. Cô ấy là một giáo viên có nghiệp vụ giỏi, nhiệt tình. Nếu cô ấy nghỉ dạy thì tiếc lắm”, cô Loan nói.
Sống lạc quan và có trách nhiệm hơn
Đã nhiều đêm cô nghĩ đến cái chết, nhưng rồi ông trời cũng không tuyệt đường của ai bao giờ. Con gái cô Hà may mắn không bị lây căn bệnh thế kỷ từ cha mẹ. Và chính đứa con bé bỏng ấy đã tiếp thêm động lực để cô tiếp tục sống, vượt qua sự nghiệt ngã của số phận.
Được các bác sĩ tư vấn, biết rõ căn bệnh “đáng nguyền rủa” mà mình đang mắc phải chỉ lây qua đường máu, từ mẹ sang con và quan hệ tình dục; nếu biết cách phòng tránh vẫn giữ được sự an toàn cho những người xung quanh nên cô Hà mới yên tâm quay trở lại với công việc. Ngày quay trở lại trường, cô Hà bị các phụ huynh phản đối kịch liệt vì lo sợ con em mình sẽ bị lây nhiễm HIV. Nhiều người đòi xin chuyển trường cho con em. Cô Hà thức trắng từng đêm, trằn trọc nghĩ suy nhiều lắm. Cô cũng lo cho học trò. Nhưng cô cũng khát khao được tiếp tục đứng trên bục giảng. Và rồi cô tìm đọc các tài liệu hướng dẫn cách phòng tránh căn bệnh này lây lan để giữ cho các học trò được an toàn. “Vào các ngày cuối tuần, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với các cán bộ chính sách của xã, của huyện tổ chức gặp gỡ người dân, tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về HIV. Dần dà, các phụ huynh đã hiểu và tin tưởng tôi”, cô Hà nói trong hạnh phúc và cho biết hiện cô đang dạy lớp bé 5 tuổi, với 32 học sinh, lớp có nhiều học sinh nhất trong trường.
Con gái cô Hà năm nay 14 tuổi, đã là học sinh lớp 9. Cháu luôn là học sinh có tên trong “top” đầu của khóa. Cháu cũng được cô kể cho nghe về bệnh tình bố mẹ mắc phải. Ý thức được sự thiệt thòi ấy, nhiều năm qua, cháu luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập, giành được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện các môn toán, văn và sử.
Cô Hà chăm lo cho các bé từng giấc ngủ
Năm 2007, trong thời gian điều trị tại một bệnh viện ở TP.Hà Tĩnh, cô Hà tham gia Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng. Tại đây, cô được gặp gỡ, tâm sự, sẻ chia với nhiều người cùng cảnh ngộ. Các thành viên trong câu lạc bộ luôn động viên nhau vượt qua khó khăn và tham gia các hoạt động thiện nguyện. “Họ đã tiếp thêm sức mạnh để tôi tin yêu cuộc sống hơn, cố gắng sống khỏe, sống có ích hơn. Tôi nảy ra ý tưởng sẽ thành lập một câu lạc bộ để quy tụ những người bị nhiễm HIV ở nơi mình đang sinh sống”, cô Hà nói.
Năm 2008, cô giáo Hà thành lập Câu lạc bộ Sông Lam Xanh. Thời gian đầu có 25 thành viên là những người nhiễm HIV ở xã Sơn Kim 1. Câu lạc bộ luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Hiện có 60 thành viên tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ của cô Hà. “Mỗi tháng câu lạc bộ sinh hoạt một lần. Chúng tôi chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống, từ chuyện làm sao để sống khỏe mỗi ngày và tìm cách tuyên truyền để người dân không sa vào các tệ nạn xã hội. Từ ngày tham gia câu lạc bộ, nhiều chị em nhiễm HIV đã sống lạc quan hơn và có trách nhiệm hơn”, cô Hà nói.
Phạm Đức / theo Thanh Niên