Giáo dục

Dạy bơi trong nhà trường: Có nên thành môn học chính thức?

Việt Nam giữ kỉ lục về trẻ đuối nước và trung bình mỗi năm có hàng trăm vụ đau lòng xảy ra. Tuy nhiên, môn bơi chưa thực sự được coi trọng. Dự kiến trong năm tới, môn này có thể trở thành môn học chính thức trong nhà trường?

Liệu có đủ bể bơi trong nhà trường cho học sinh học?

Những vụ chết đuối thương tâm

Những vụ đuối nước chỉ cách nhau 1 tháng, thậm chí vài ngày đã nhanh chóng cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh làm cả xã hội chấn động và lo lắng.

Gần đây nhất, Khoảng 17g ngày 24/5, em Trần Anh Gia H. (học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, trú phường Cẩm Phô, TP Hội An, Quảng Nam) cùng 2 người bạn trong xóm ra khu vực đầu nhánh sông Hoài để tắm.

Trong lúc mải mê vẫy vùng trước sóng nước và bơi cách xa bờ, H. không may đuối sức, chới với giữa dòng rồi chìm hẳn.

Thấy vậy 2 bạn đi cùng hốt hoảng bơi vào bờ và gọi người dân đến cứu, tuy nhiên em H. đã ngạt nước tử vong khi được đưa lên bờ.

Chiều ngày 15/5, có 4 học sinh tiểu học tại TP.Cần Thơ và huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) bị đuối do đi tắm sông và tắm ao cạnh nhà.

Trước đó hai tuần, chiều ngày 2/5 tại sông Cầu chảy qua địa phận xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Cả 3 nạn nhân đều học tại Trường THPT Điềm Thụy.

Một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra vào trưa 26/3, nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi (Đại Lộc, Quảng Nam) rủ nhau ra Đà Nẵng tắm biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Sau khi tắm 10 phút, nhiều trẻ em bị cuốn ra xa. Hậu quả 3 học sinh được xác định là bị đuối nước tử vong.
Chiều ngày 29/3 cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm tại Gia Lai, khiến 4 nữ sinh lớp 6 chết đuối. Theo Công an huyện Ia Grai, vụ việc xảy ra sau khi nhóm 5 em học sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) rủ nhau đi tắm sông.

Cũng trong năm 2016, cũng có nhiều vụ đuối nước chấn động dư luận.

Vào khoảng 15h30 chiều 8/5, tại bãi biển Hải Lý (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), 3 nam sinh đang tắm thì bị sóng cuốn mất tích.

Những người chứng kiến vụ việc cho biết khi đang tắm thì bất ngờ có sóng lớn, 2 em kịp lao lên bờ, 3 em còn lại đã bị sóng cuốn trôi ra xa.

Trước đó vài ngày ( mồng 4/5), 4 nữ sinh (3 em 13 tuổi và 1 em 14 tuổi) trường THCS Nguyễn Huệ được nghỉ học nên đã kéo nhau đến khu vực bãi biển gành Bãi Dài, đoạn thuộc xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) tắm. Trong lúc vui chơi, 4 nữ sinh đã không may gặp phải dòng nước xoáy, cuốn ra xa và chìm dần.

Theo con số thống kê từ Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội), mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do gặp phải các tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010- 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Bơi sẽ là môn học chính?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Ông Nguyễn Đức Hữu (Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT) cho biết, việc đưa môn bơi vào các trường học là cần thiết. Không chỉ ở bậc tiểu học mà đây còn là môn học chính ở các bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và cả Cao đẳng, Đại học.

Cũng theo ông Hữu, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng ngay trong năm tới thì môn bơi là một môn, nằm trong môn học giáo dục thể chất.

Vụ trưởng Ngũ Duy Anh, Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ đầu năm đến nay, Vụ đã ban hành 5 công văn/chỉ thị gửi đến các cơ sở giáo dục về việc trang bị cho trẻ những kiến thức để đề phòng tránh đuối nước và giảm thiểu các tai nạn thương tâm. Trong đó, việc đưa môn bơi và giảng dạy cho học sinh cũng là một điều cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng băn khoăn nếu có sự thay đổi này. Một giáo viên dạy một trường Tiểu học ở ngoại thành Hà Nội băn khoăn, nếu đưa môn bơi vào môn học chính khóa thì phải đánh giá đạt hay không đạt.

“Nếu học sinh sợ nước, yếu thể chất không học được, lúc đó thì đánh giá thế nào. Theo tôi, chỉ nên đưa vào ngoại khóa thì sẽ tốt hơn”- vị giáo viên này chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, ở Hà Nội, nhiều trường từ hệ Giáo dục Tiểu học đến Đại học, Cao đẳng cũng không có bể bơi để giảng dạy, nhất là các trường trong nội thành diện tích quá chật hẹp. Vì thế, nếu áp dụng môn bơi vào giảng dạy chính sẽ phải tùy thuộc điều kiện từng trường.

Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết, Cục đang xây dựng đế án về bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, đề án cũng gặp khó khi điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, có khi cả tỉnh mới có một bể bơi thì chả nhẽ cho trẻ tập bơi trên cạn?

Theo số liệu của WHO 2016, mỗi năm Việt Nam có hơn 11.000 trẻ tử vong do đuối nước, xếp vị trí thứ 2 trên thế giới. Đây là điều đáng báo động khi năm 2017, liên tiếp những vụ việc trẻ tử vong do đuối nước xảy đến trên khắp cả nước.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP