Trong nước

Con đường từ tướng công an đến vòng lao lý của ông Nguyễn Đức Chung

Sau 23 năm công tác trong ngành công an và gần trọn nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vướng vòng lao lý khi bị khởi tố về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, để điều tra về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Trước đó 17 ngày, ông Chung bị đình chỉ công tác 90 ngày để xác minh, điều tra vai trò liên quan đến 3 vụ án gồm: Nhật Cường Mobile, Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước khi bị bắt, ông Chung từng là cán bộ ghi nhiều dấu ấn qua các vị trí công tác.

Tướng công an trẻ nhất

Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, quê ở tỉnh Hải Dương.

Xuất phát điểm là cán bộ Đội trọng án, Phòng Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, ông Chung dần nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội.

Từ năm 1990 đến 2013, ông Chung lần lượt giữ các vị trí: Đội phó, Đội trưởng Đội trọng án; Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra; Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra; Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Cảnh sát hình sự; Phó giám đốc rồi Giám đốc Công an Hà Nội.

Ông Chung được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi 37 tuổi (năm 2004) và được phong hàm thiếu tướng năm 2013, khi mới 46 tuổi. Lúc ấy, ông Chung là thiếu tướng trẻ nhất ngành công an.

Năm 2013, ông Nguyễn Đức Chung được phong hàm thiếu tướng. Ông là tướng công an trẻ nhất thời điểm đó. Ảnh: Anh Tuấn.


Giữ cương vị Giám đốc Công an TP Hà Nội từ năm 2012 đến 2016, ông Chung ghi dấu ấn trong nhiều vụ án được dư luận quan tâm.

Điển hình như vụ giả danh bác sĩ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương xảy ra hồi cuối năm 2011. Khi đó, ông Chung trên cương vị Phó giám đốc Công an Hà Nội đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phá án.

Ông chỉ đạo các lực lượng tỏa đi truy lùng, vây bắt nhanh và giải cứu an toàn con tin 8 ngày tuổi. Về đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cháu bé bị bắt cóc được tổ công tác đi giải cứu trao tận tay cho ông Chung và lãnh đạo cơ sở y tế. Đông đảo người dân vỗ tay reo hò.

Tháng 11/2013, cảnh sát nhận được tin báo một người đàn ông xông vào Bệnh viện Nhi Trung ương dùng dao đe doạ vợ, cướp con đang trị bệnh ở đây rồi bỏ chạy, khống chế một người dân làm con tin.

Ông Chung khi đó cùng chỉ huy một số đơn vị nghiệp vụ kiên trì thương thuyết, áp sát quanh khu vực nghi phạm ẩn náu. Sau gần 30 phút động viên, thuyết phục, phát hiện đối tượng sơ hở, ông Chung chỉ đạo trinh sát khép chặt vòng vây, bất ngờ ập vào khống chế tên này, giải cứu cháu bé an toàn.

Ông Nguyễn Đức Chung cùng cán bộ Công an Hà Nội dẫn giải ghi phạm khống chế con tin ở Thanh Xuân. Ảnh: Công an nhân dân.


Cuối năm 2014, một người đột nhập căn hộ trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) rồi khống chế một phụ nữ và hai cháu nhỏ.

Nhận được tin báo, tướng Chung lập tức tới hiện trường. Ông đã thuyết phục được nghi phạm thả con tin và đầu hàng.

Chủ tịch có nhiều phát ngôn thẳng thắn

Tháng 11/ 2015, ông Chung được bầu làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó một tháng, ông tiếp tục được bầu giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Gần một nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hà Nội, ông Chung từng có nhiều phát ngôn thẳng thắn gây xôn xao dư luận.

Hồi tháng 3/2017, tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Ban Chỉ đạo 197, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói trong hơn 180 quán bia vỉa hè, có trên 150 quán bia có công an đứng sau.

Ông cũng thẳng thắn cho rằng các điểm trông giữ xe tại các phường, quận đều có bóng dáng người nhà của bí thư, chủ tịch quận.

Ông Nguyễn Đức Chung từng thẳng thắn nói về tình trạng bảo kê quán bia, bãi giữ xe. Ảnh: Hải Nam.


Cũng trong năm 2017, vai trò Chủ tịch thành phố của ông Chung được thử thách qua biến cố ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Khi đó, một số người dân ở Đồng Tâm bắt giữ 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và một số đơn vị công an.

Trong lúc căng thẳng đỉnh điểm, ông Chung đã cùng đại diện các cơ quan, ban ngành về UBND xã Đồng Tâm đối thoại, lắng nghe tiếng nói của người dân. Hơn 20 vấn đề bức xúc của bà con được Chủ tịch Hà Nội ghi nhận. Ông lên tiếng cam kết sẽ giải quyết công tâm, khách quan.

Trước khi 38 cán bộ, chiến sĩ công an được thả, Chủ tịch Hà Nội đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm tại nhà văn hóa thôn Hoành.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong lần về đối thoại với bà con thôn Hoành. Ảnh: Công Khanh.

Sau đó, vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm bị công an Hà Nội khởi tố để điều tra về 2 tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tháng 8/2019, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về sự việc này, ông Chung khẳng định ông Lê Đình Kình ở thôn Hoành đã lợi dụng việc khiếu kiện nhằm trục lợi, gây sức ép với chính quyền với mục tiêu để được bồi thường.

Đến 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam và ở Hà Nội, ông Chung được giao làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố.

Ông đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, dứt khoát trong việc truy vết, khoanh vùng, cách ly nhằm hạn chế lây nhiễm trên địa bàn. Ông cũng mạnh mẽ đưa ra yêu cầu xử phạt người dân ra đường khi không có việc cần thiết, không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và đến nơi công cộng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và lãnh đạo thành phố, dịch Covid-19 tại Hà Nội sớm đã được kiểm soát.

Vướng vòng lao lý vì liên quan đại án

Hôm 11/8, ông Chung bị đình chỉ công tác 90 ngày để xác minh, điều tra vai trò liên quan đến 3 vụ án gồm: Nhật Cường Mobile, Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Nhiệm vụ lãnh đạo thành phố và chỉ đạo chống dịch Covid-19 được bàn giao cho 2 Phó chủ tịch Hà Nội là ông Nguyễn Văn Sửu và Ngô Văn Quý.

Trước khi ông Chung bị đình chỉ, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với các ông: Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng (cán bộ của C03, Bộ Công an). Trong đó, ông Ngọc và ông Trung là thư ký, lái xe của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Các bị can này bị khởi tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đến vụ án Nhật Cường.

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 28/8. Ảnh: Hoàng Hà.

Vụ án Nhật Cường là một trong 5 đại án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tập trung điều tra và xử lý nghiêm.

Tháng 5/2019, Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy cùng 8 bị can khác về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Huy không có mặt tại nơi cư trú nên công an truy nã.

Qua điều tra, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can, trong đó đã bắt giam 20 người, truy nã 8 bị can. Trong số những người bị bắt có ông Nguyễn Văn Tứ (Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) và bà Phạm Thị Thu Hường (Chánh văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội).

Trả lời Zing tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, cơ quan chức năng sẽ cố gắng kết thúc điều tra đại án trong quý III/2020.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP