Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử văn hóa Làng Chùa ở xã Vĩnh Lộc

Làng Chùa xã Vĩnh Lộc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007 tại quyết định số 1774/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Bắc thuộc: Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, Lê Lợi và Nguyễn Trãi kéo quân về vùng Đỗ Gia (Hương Sơn) làm đất đứng chân, nhân dân xóm Chùa đã gửi nhiều trai tráng của làng lên gia nhập nghĩa quân Nguyễn Tuấn Thiện góp phần đánh thắng quân Minh. Đến cuộc thần tốc ra bắc dẹp quân Thanh của Nguyễn Huệ, chọn vùng đất Vĩnh Lộc để đi qua, nhân dân xóm Chùa đã huy động hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, cùng với hàng trăm người dân ra bắc cầu làm đường để cho binh mã, quân tượng Quang Trung kịp ra Thăng Long diệt giặc Thanh trước tết âm lịch.

hatinh24h

Chùa Đông Sơn –  Xóm chùa ( nơi in ấn và cất tài liệu tuyên truyền)

Trong cuộc đấu tranh đòi ruộng đất, chống lại sự áp bức của chế độ phong kiến, hào lý trong làng, người dân cày xóm Chùa đã bao phen đứng dậy hợp lực với nhau chống lại bọn địa chủ để giữ lấy ruộng cày. Tiêu biểu như những cuộc đấu tranh vác giáo mác, gậy gộc của toàn dân xóm Chùa rượt đuổi tên địa chủ Trần Xu khi xuống thu công điền, công thổ của nông dân. Tổ chức đánh đuổi bọn hương lý đi thu thuế chợ, thuế đường.

Khi cụ Phan Đình Phùng dấy cờ khởi nghĩa chống Pháp, lấy núi Vũ Quang làm căn cứ địa kháng chiến, xóm Chùa trở thành cửa ngõ tiền tiêu. Hiện nay trên vùng đất của xóm Chùa còn giữ lại nhiều dấu tích kho quân lương, nơi rèn đúc vũ khí, đồn biên trấn giữ của nghĩa quân. Trong mười năm kháng chiến, nhân dân đã tiếp tế hàng trăm tấn lương thực, gửi hàng chục trai tráng của làng lên cùng với Phan Đình Phùng chống Pháp. Ở Vĩnh Lộc có ông  Đề Trạch là tướng giỏi của cụ Phan đã hai lần kéo quân vào hạ thành Hà Tĩnh giải vây các tù binh, đến nay tên tuổi vẫn được nhân dân ca ngợi.

Đến phong trào yêu nước chống Pháp, nhiều nhà nho ở xóm Chùa như ông Nguyễn Minh, Đặng Viện vừa làm thầy giáo, làm thợ xây ở Khánh Lộc, Vượng Lộc, Thượng Lộc, kết hợp đi tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước cho thanh niên, tìm cách liên lạc với bên ngoài để thành lập tổ chức yêu nước. Tổ chức Tân Việt cách mạng ở xóm Chùa tuy ra đời muộn, nhưng đã phối hợp với thanh niên tiến bộ trong xã, thành lập nhóm “những người cách mạng“, tổ chức ra bộ phận “Hương quán” buôn bán thuốc bắc và hàng tạp hóa ở Chợ Nhe (Phố cố Chung Đỉnh) để làm nơi giao lưu với các nhà yêu nước bên ngoài. Từ tổ chức “Hương quán” đã tuyển chọn các thanh niên có nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nước để gửi sang Thái Lan (vùng trại cày Đặng Phúc Hứa) tham gia học tập. Khi các tổ chức yêu nước xóm Chùa bắt gặp lý tưởng cộng sản, họ đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động cách mạng và gia nhập tổ chức đảng.

Tháng 10 năm 1930, thực hiện chủ trương của huyện ủy Can Lộc, các đồng chí Nguyễn Hàng (bí danh là Kim Lân), quê ở Thụ Lộc và đồng chí Trần Cừ (bí danh là Tứ Xuyên), quê ở Kim Lộc về xóm Chùa để bắt liên lạc với một số thanh niên cách mạng như: Đặng Kham, Đặng Viện, Nguyễn Hinh, Phan Tân, để thành lập chi bộ đảng. Thời gian này phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh đang phát triển mạnh vào Hà Tĩnh. Mặc dù chi bộ đảng xóm Chùa chưa ra đời, nhưng hưởng ứng phong trào do Huyện ủy lâm thời Can Lộc phát động, ngày 11-12-1930 cùng với hàng ngàn người dân trong huyện, nhân dân xóm Chùa đã tập trung ở Chợ Nhe để kéo xuống huyện đường Can Lộc biểu tình, thị uy kỷ niệm ngày Quảng Châu công xã. Trong đoàn người sục sôi khí thế ấy, xóm Chùa đã có hàng trăm quần chúng nhân dân tham gia.

Sau cuộc biểu tình lịch sử, tối ngày 15-12-1930 tại nhà ông Đương Rạng, đã tiến hành hội nghị thành lập chi bộ Cộng sản xóm Chùa. Tại hội nghị này, sáu quần chúng tiêu biểu: Đặng Kham, Đặng Viện, Phan Sử, Phan Thanh, Phạm Tồn và La Thị Đôi được kết nạp vào đảng. Chi bộ đảng xóm Chùa mang tên Tam Xuyên do đồng chí Đặng Kham làm bí thư ra đời.

Chi bộ Tam Xuyên được thành lập là đòi hỏi cấp thiết của phong trào cách mạng. Vừa ra đời chi bộ đã bắt tay ngay vào lãnh đạo phong trào của quần chúng nhân dân hòa vào phong trào chung của xã, của huyện. Nhiều cuộc mít tin, biểu tình, thị uy, liên tiếp nổ ra. Trên đà đấu tranh, bọn hào lý run sợ, quần chúng nhân dân chớp thời cơ, tiến hành vùng dậy, trấn áp bọn phản động và nhanh chóng thành lập chính quyền Xô Viết công nông xóm Chùa vào cuối tháng 12 năm 1930.

Chính quyền Xô Viết công nông xóm Chùa ra đời, do quần chúng nhân dân làm chủ, đã tiến hành cải cách thôn xóm, mở rộng đường làng, đắp đập lấy nước, thành lập các tổ chức đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, đồng tử quân. Đặc biệt thành lập đội tự vệ đỏ gồm những thanh niên có sức khỏe, nhiệt tình với cách mạng, để bảo vệ xóm làng, bảo vệ đảng. Ngay trước sân chùa hàng ngày quân tự vệ luyện tập, đêm về các lớp học chữ Quốc ngữ được mở ra, cả xóm Chùa sống trong khí thế dân chủ.

Về sau Xóm Chùa được Tỉnh ủy chọn đặt trụ sở in ấn tài liệu và nơi hội họp. Để bảo vệ cơ quan đảng đóng trên địa bàn, nhân dân Xóm Chùa đã tiến hành rào làng chiến đấu, sắm sữa thêm gậy gộc, rèn thêm giáo mác. Nhờ được sự bảo vệ của nhân dân, nhiều lần kẻ thù đến bao vây, cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy vẫn tồn tại và hoạt động trên địa bàn Xóm Chùa từ tháng 2 năm 1931 đến tháng 1 năm 1932. Trong thời gian này cơ quan ấn loát đã cung cấp hàng vạn tài liệu, truyền đơn cho phong trào cách mạng. Năm 1932 thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng phong trào Xô Viết  Nghệ Tĩnh để tiêu diệt cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, chúng đã huy động quân lính các đồn về chặt phá, đốt trụi cả Xóm Chùa, nhưng với tấm lòng kiên trinh, trung thành bảo vệ đảng, quần chúng nhân dân Xóm Chùa đã bảo vệ cơ quan ấn loát an toàn. Về sau Xóm chùa được mệnh danh là:”Làng đỏ” trong Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ đó Xóm Chùa được mang tên xóm “Chiến thắng“.

Tiếp nối truyền thống cách mạng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đến cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này, nhân dân Xóm Chùa đã hy sinh, hiến dâng cho Đảng, dân tộc nhiều người con ưu tú trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống đó được thắp sáng cho đến ngày nay.

Ngọc Bé

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP