Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đừng biến Quảng Bình, đừng biến Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành đảo đầu lâu
Bộ phim “Kong: Skull Island” một trong những siêu phẩm của Hollywood đang được công chiếu toàn cầu. Điều đặc biệt bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của bộ phim lại được quay tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình của Việt Nam. Hiện các địa phương đang tích cực tận dụng cơ hội để quảng bá, phát triển du lịch, trong đó đi đầu là tỉnh Quảng Bình.
Ông Hồ An Phong – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình – nhận định: “Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu) sẽ tạo hiệu ứng kích cầu cho ngành du lịch Quảng Bình và các tỉnh, khi những cảnh quay tuyệt đẹp ở Việt Nam được trình chiếu trong bộ phim bom tấn”. Để thu hút khách du lịch sau khi Quảng Bình trở thành phim trường của “Kong: Đảo đầu lâu”, ngành du lịch tỉnh này đang triển khai nhiều kế hoạch như quảng bá, xây dựng điểm đến “ăn theo” hoặc liên quan bộ phim.
Non nước Quảng Bình. Nguồn ảnh: Oxalis.com.vn
Đầu tiên là việc đàm phán thành công với hãng phim để dựng 3 mô hình tượng tay quái vật Kong tại 3 địa điểm vốn là phim trường gồm thung lũng Chà Nòi, hồ Yên Phú (xã Trung Hóa) và hang Chuột (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) để dựng các tour du lịch liên quan, đưa du khách đến tham quan phim trường.
Tỉnh cũng mở đường bay Đồng Hới – Chiang Mai, một điểm đến hấp dẫn ở Thái Lan để hút khách quốc tế đến Quảng Bình.
Đặc biệt, Quảng Bình có hệ thống hang động nằm trong vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đẹp và tráng lệ bậc nhất thế giới, được mệnh danh là “Vương quốc hang động”. Trong đó, hang động Sơn Đoòng kỳ vĩ nhất thế giới, hang Én lớn thứ ba thế giới… và hàng loạt hệ thống hang động lớn như hang Va, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối… Nên lãnh đạo địa phương đã xây dựng các tour du lịch mạo hiểm, để du khách có cơ hội khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Bình.
Những hình ảnh quảng bá tour Trải nghiệm ngôi nhà của Kong của Quảng Bình.
Tiếp đó, ăn theo sức nóng của bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu”, Quảng Bình cũng phối hợp với Bộ TTTT, Bộ VHTTDL, UBND TP.Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” (diễn ra từ 24-27.3, với nhiều chương trình đặc sắc, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), để giới thiệu đến người dân Hà Nội và người dân trong nước, cũng như khách quốc tế những giá trị đặc sắc trong văn hóa, con người và thiên nhiên của Quảng Bình, từ đó kích cầu du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình trong thời gian tới.
Ngày 16.3, tại buổi họp báo công bố chương trình (Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã nêu quan điểm của mình về việc Quảng Bình sử dụng hình ảnh của phim “Kong: Đảo đầu lâu” để quảng bá du lịch. Theo Bộ trưởng, Quảng Bình là đất địa linh nhân kiệt, trong khó khăn Quảng Bình vượt khó đi lên. Vì vậy khi tuyên truyền, quảng bá giới thiệu, cần giới thiệu toàn diện hình ảnh của Quảng Bình từ truyền thống lịch sử, hiện tại và tương lai, chứ không chỉ dừng ở việc “mượn” hiệu ứng của phim “Kong: Đảo đầu lâu” để quảng bá.
“Tôi thấy việc quảng bá ở Quảng Bình vừa rồi sử dụng nhiều hình ảnh trong bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu”. Đừng biến Quảng Bình, đừng biến Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành đảo đầu lâu. Đừng biến hình ảnh Kong trở thành biểu tượng của Quảng Bình. Biểu tượng của Quảng Bình phải là biểu tượng của Quảng Bình anh dũng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động và sản xuất. Biểu tượng của Quảng Bình là biểu tượng của địa linh nhân kiệt, là quê hương của Đại tướng, quê hương của Mẹ Suốt. Chính vì thế, theo quan điểm của tôi, Quảng Bình đừng có quảng bá quá nhiều hình ảnh của phim Kong”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
ĐẶNG CHUNG/Theo Lao động