Người đương thời

Tâm sự của một doanh nhân nhân ngày báo chí CMVN 21/6

Báo Gia Đình Việt Nam xin giới thiệu đến bạn đọc!

Trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2015), báo Gia đình Việt Nam nhận được lá thư ngỏ của anh Phạm Ngọc Đóa, một doanh nhân ở Hà Nội. Trong lá thư này vị Doanh nhân đã kể rất nhiều về nghề báo.

Là một doanh nhân, tôi luôn tự hỏi: Nếu không có báo chí, truyền thông thì mình có thể làm được gì? Rồi tự trả lời: Chẳng làm được gì cả! Và, xã hội này cũng vậy: Không thể nào hình dung ra được một xã hội hiện đại mà không có nhà báo, không có những người làm truyền thông…

Nói ra điều này để tôi thay cho lời cảm ơn những người làm báo chân chính, trong nhiều năm qua, trên từng bước đường, luôn là những người bạn đồng hành gắn bó, nhiệt tình, vô tư với tôi cũng như doanh nghiệp mình.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, kính chúc những người làm báo cách mạng một lời chúc mừng chân thành với nhiều thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, góp phần ngày càng nhiều hơn cho sự tiến bộ của xã hội và niềm tự hào của nghề làm báo!

Nhân đây, tôi cũng xin có vài điều, gọi là lời ngỏ gửi đến những người làm báo chân chính, những người làm báo không chân chính, những người mạo danh người làm báo, các chính khách và các cơ quan quản lý báo chí…

Doanh nhân Phạm Ngọc Đóa

Doanh nhân Phạm Ngọc Đóa

Tôi rẽ sang cuộc đời để bước chân vào con đường Doanh nghiệp đã 13 năm. Mảnh đất lập nghiệp đầu tiên không ở đâu khác đó là Hà Tĩnh, nơi tôi sinh ra. Rồi cơ duyên đã đưa tôi tiến xa hơn là chuyển đổi Doanh nghiệp mình về Thủ đô. Dù xa quê nhưng lòng luôn hướng về mảnh đất miền Trung với thiên nhiên khắc nghiệt. Tôi luôn tự nhắc mình, nếu có thể làm được gì cho quê hương thì sẽ không bao giờ quản ngại.

Chuyện tôi nói đây hôm nay cũng vậy. Dù biết không phải tất cả mọi người đều đồng tình, nhưng tôi không thể không nói. Mỗi lần về quê ngồi với bạn bè hay lúc ở Hà Nội, tôi thường xuyên nhận được các thông tin liên quan đến đội ngũ được coi là “làm báo” không chuyên. Họ được gọi với tên “cộng tác viên”, “người cung cấp tin” của các báo. Không phải chỉ riêng ở quê tôi mà ở đâu đó khắp nơi, đội ngũ này rất đông đảo. Có người ngoa ngôn đã ví von: Cứ 10 mét vuông đất thì có một “nhà báo” kiểu này. Họ có thể là người được học hành tử tế, thậm chí là học báo chí ra, số này không nhiều. Nhưng phần lớn họ không có nghề nghiệp hoặc làm việc khác nhưng lấy “báo chí” ra làm nghề tay trái.

Phương tiện tác nghiệp của họ cũng rất đơn giản. Có người đã đùa, lấy họ làm mẫu để định nghĩa nhà báo: Là người thất nghiệp, trên cổ có đeo một vật giống máy ảnh; trong túi có tờ giấy ép plastic, có dấu của một văn phòng đại diện…

Cũng phải nói rằng, một số, dù không nhiều trong các “nhà báo không chuyên” này đã có được những thông tin chính xác để cung cấp cho các báo, góp phần phanh phui nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, đa số họ là những người không có nghiệp vụ, kèm theo đó là với động cơ thiếu trong sáng, cho nên hoạt động của đội ngũ này đã làm cản trở, gây phiền nhiễu, thậm chí có những hành vi phạm pháp trên địa bàn, làm hạ uy tín của người dân đối với các nhà báo chân chính.

Tôi còn nhớ, có lần về quê, đi cùng bạn, ngồi trà đá, thấy một nhóm năm sáu anh chị còn rất trẻ, nói năng, chém gió như thần. Nào là đánh vụ này, vụ kia. Tao thế này, mày thế nọ, rồi nhảy vào kiếm quảng cáo… Thế rồi, anh bạn tôi điểm mặt trong đám đó, hóa ra đều là “nhà báo” tự xưng đang cộng tác với báo này báo nọ. Một anh bạn khác cũng kể chuyện, cách đây mấy năm, ở xã nọ, khi có được thông tin sai phạm, hai “nhà báo” kiểu này đã tìm cách tống tiền cán bộ xã. Vụ việc bại lộ, các “nhà báo” đã phải bỏ của chạy lấy người.

Có một vụ việc, vừa mới đây thôi, ở một huyện miền núi của Hà Tĩnh, một “cộng tác viên” tức tối vì bị lãnh đạo huyện đuổi ra khỏi phòng do nói năng thô lỗ, không xuất trình được thẻ nhà báo hoặc giấy tờ hợp pháp để làm việc. Thế rồi, hắn đã tung chuyện gia đình, cá nhân, nhắn tin nói xấu trên mạng xã hội, gây mất uy tín lãnh đạo…

Đó là chưa kể đến tình trạng “xin đểu” là khá phổ biến. Mới cách đây vài tuần, bạn tôi cũng làm doanh nghiệp điện ra than vãn đang bị quấy rầy bởi một “phóng viên” kiểu này và nhờ tôi tìm cách xử lý…Và còn rất nhiều những hệ lụy khác đẻ ra từ đội ngũ “cộng tác viên”, “người đưa tin” này.

Thiết nghĩ, dù rằng báo chí đang bước vào giai đoạn gặp không ít khó khăn, nhưng các cơ quan quản lý báo chí cần phải có tiếng nói chung. Từng cá nhân và tổ chức cần phải biết vị trí, chức năng, quyền hạn của mình; Phải thực hiện tốt những quy định của pháp luật về hoạt động báo chí và nhà báo. Có như vậy mới hạn chế và loại bỏ hẳn những “con sâu” trong làng báo, giữ mãi sự trong sáng, niềm kiêu hãnh của nhà báo, của nghề báo – một nghề sang trọng, không thể thiếu trong xã hội văn minh…

Trân trọng!

Phạm Ngọc Đóa – Đồng Chủ tịch HĐQT

Công ty phát triển thương hiệu 24h

Cty KH&CN Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP