Người đương thời

Ông Mặt trận nơi rốn lũ Phương Điền (Hương Khê)

Ông không phải là người có bề nổi về làm kinh tế, không phải người có biệt tài hùng biện và cũng không phải là người học hành đỗ đạt cao nhưng ông là trung tâm của sự đoàn kết, điều này mới cần thiết ở xã Phương Điền (Hương Khê, Hà Tĩnh). Đó là Chủ tịch Mặt trận xã Trần Xuân Cầm.

hatinh24h hatinh24h 01

Ông Cầm tự mày mò đọc bản vẽ, học hỏi những người có kinh nghiệm để giám sát tốt các công trình ở địa phương 

Trong cái khó ló cái khôn

Phương Điền là một xã đặc biệt khó khăn, là “rốn lũ” của miền sơn cước Hương Khê. Vì “mưa úng đất, nắng nẻ trời” nên người dân nơi đây lam lũ, khốn khó khôn cùng, và từ cái nghèo ấy đã dẫn đến việc ly hương, mất đoàn kết. Vậy nhưng những năm gần đây Phương Điền dường như đã vượt qua được nỗi ám ảnh của sự bức bách về nghèo khó, toàn xã đoàn kết một lòng cùng nhau gây dựng cuộc sống mới. Trên cương vị Chủ tịch MTTQ xã, ông Trần Xuân Cầm ít nhiều góp phần làm thay đổi cuộc sống của mỗi người dân ở xã Phương Điền.

Ông sinh năm 1962, sau khi xuất ngũ ông trở về quê hương lập thân lập nghiệp. Trải qua 13 năm lăn lộn với dân, kinh qua các chức vụ xóm trưởng, chủ nhiệm hợp tác xã kiêm trưởng ban chăn nuôi thú y, chủ tịch Hội nông dân xã…tất cả đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm để làm tốt vai trò của Chủ tịch Mặt trận xã 5 năm qua.

Với ông, trận lũ lịch sử năm 2010 đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên, là bước thử thách đầu tiên khi mới “chân ướt chân ráo” sang làm Chủ tịch Mặt trận xã Phương Điền và như ông nói “trong cái khó ló cái khôn”.

Thời điểm đó, Phương Điền ngập trong lũ dữ, cả xã bị chia cắt hoàn toàn, để cứu người dân qua cơn hoạn nạn, đưa hàng cứu trợ của đồng bào cả nước đến với người dân đúng thời điểm, đúng đối tượng là điều rất khó. Phải cần một người nhanh nhẹn, sắp xếp công việc khoa học mới có thể quán xuyến được.

MTTQ Phương Điền đã tiếp nhận và phân phối 150 tấn gạo, 1,56 tỷ đồng tiền mặt, hàng ngàn gói mỳ tôm, rất nhiều quần áo, đồ gia dụng khác đến với dân. “Có khi cả ngày tôi chẳng được hột cơm nào vào bụng vì không kịp ăn nhưng khi đó nghĩ đến dân đang đói, rét, khổ sở mình phải cố nhanh tay, nhanh chân đưa lương thực, thực phẩm đến cho dân. Mà đến bây giờ nghĩ lại thấy không ngờ mình có thể xoay xở mọi việc được nhanh như thế”, ông Cầm chia sẻ.

Cũng vì mải mê chạy theo công việc lo cho dân mà ông Cầm quên cả đồ đạc, tài sản, để một mình vợ ông tự “bơi” nên nhà ông cũng bị lũ cuốn mất hết cả tấn ngô, 5-6 tạ lúa.

Từ trận lũ năm đó, bây giờ năm nào trước mùa mưa bão đến ông Cầm đều xây dựng đề án phòng tránh lũ lụt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Phương Điền chủ động đối phó với thiên tai. Theo ông, “mình phải chủ động hoàn toàn, phải di dời dân, tài sản, lương thực, thực phẩm của dân đến nơi an toàn, chứ chủ quan, bị động như trước đây thì dân mất hết, lại đói nghèo như trước”.

Cầu nối của tình đoàn kết

“Nếu xét về bề nổi, ở Hương Khê có một số chủ tịch Mặt trận cơ sở hơn ông Cầm nhưng xét về mọi mặt thì ông Cầm toàn diện hơn, đặc biệt, ông đóng vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ giữa lương với giáo, tạo nên khối đoàn kết thống nhất, giúp địa phương phát triển đi lên”, đó là nhận xét của ông Nguyễn Văn Luận, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê.

Nếu như trước đây đời sống khó khăn dẫn đến việc cộng đồng dân cư mất đoàn kết và nhiều người rời làng đi nơi khác để kiếm kế sinh nhai thì nay Phương Điền đã đổi khác. Nhờ ông Cầm Mặt trận làm “cầu nối” nên tinh thần đoàn kết, thống nhất ở Phương Điền đã được tạo dựng và phát huy, mọi người cùng nhau thi đua tạo dựng cuộc sống. Đời sống của người dân đã được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

Là người “cầm cân nẩy mực” của các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, hơn ai hết ông Cầm hiểu được nỗi thống khổ của người dân vùng “rốn lũ”. Ông đã tích cực vận động nhân dân chăm lo phát triển sản xuất, tìm hướng đi mới phù hợp với địa hình của địa phương.

“Phương Điền là vùng trũng, thấp, dân thì thuần nông, lúa chỉ sản xuất được một vụ, nên cần đẩy mạnh chăn nuôi. Trong khi các địa phương khác tập trung đẩy mạnh nuôi lợn thì Phương Điền chỉ có thể nuôi trâu, bò vì khi lũ về thì trâu, bò dễ đưa lên vùng cao trú ẩn được chứ lợn thì rất khó. Xác định hướng đi như vậy là đúng đắn nên những năm gần đây, chúng tôi vận động nhân dân lấy việc phát triển chăn nuôi trâu, bò là chủ lực. Xã có chính sách hỗ trợ mỗi hộ gia đình có 3  còn bò nái nặng từ 200kg trở lên thì được hỗ trợ một con 5 triệu đồng, 3 con thì được 15 triệu. Đến nay toàn xã đã có 154 mô hình trong đó có 76 mô hình chăn nuôi bò từ 10-30 con trở lên, thu nhập từ 200-300 triệu trở lên. Song song với đó là đẩy mạnh phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Vì vậy nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững nhờ hướng đi này”, ông Cầm chia sẻ.

Nhờ cách làm hay, sáng tạo, kiên trì trong việc vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây, hiến ngày công nên trong năm 5 qua, người dân đã hiến hơn gần 540 nghìn m2 đất, làm được 17km đường giao thông nông thôn. Phương Điền có địa bàn rộng nhưng đường làng ngõ xóm thì chật hẹp, lầy lội, để vận động nhân dân hiến đất làm đường thì ông Cầm phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tìm mọi cách để vận động, có những hộ gia đình “vướng” đến 2 năm mới đồng ý.

Một trong những việc làm của ông Cầm Mặt trận được chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao đó là làm tốt công tác giám sát, phản biện. Điều đó được thể hiện trong hiệu quả hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tất cả các công trình dù lớn hay nhỏ ở địa phương cũng được giám sát chặt chẽ, chi tiết, nghiêm minh.

Làm công tác Mặt trận thì có hàng chục đầu việc thế nhưng dù với bất kỳ công việc gì, ông Trần Xuân Cầm cũng đều hoàn thành tốt, gương mẫu trong mọi phong trào. Theo ông, người làm công tác Mặt trận phải kiên trì, nhẫn nại, tâm huyết, biết lắng nghe ý kiến nhân dân, giải quyết thấu tình đạt lý mọi công việc, phải “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” đồng thời phải nắm được các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật. Làm được việc đó, ngoài năng lực thì đòi hỏi sự tâm huyết, hết lòng vì công việc”.

Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ xã Phương Điền đã vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ Quỹ “Ngày vì người nghèo” được 650 triệu đồng, hỗ trợ 121 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Mặt trận và các tổ chức thành viên ở Phương Điền đã xóa được 6 nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo, góp phần thực hiện thành công tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới của xã.

Hạnh Nguyên/ ĐĐK

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP