Trong nước

Ban hành văn bản kiểu 'nay đưa, mai rút' - Cần có chế tài xử lý nghiêm

Theo một số chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng hoặc trái luật.

Sau hơn 5 năm thực hiện Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (2015) đã góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nhưng theo thống kê của Bộ Tư pháp, số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trái pháp luật vẫn còn xảy ra.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp áp dụng đã phải thu hồi hoặc bị bãi bỏ gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Đã đến lúc chúng ta cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng hoặc trái luật.

Lực lượng chức năng tại Hà Nội kiểm tra giấy đi đường của người dân

Ngày 7/8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành công văn số 2562 về việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngoài việc người đi đường sử dụng mẫu giấy đi đường của UBND thành phố, còn đặt ra yêu cầu phải xuất trình kèm theo các loại giấy tờ gồm: căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công công việc của cơ quan đơn vị. Vậy là trong sáng làm việc ngày 10/8, ngày làm việc đầu tiên trong tuần tại các chốt trực phòng chống covid-19 bất đắc dĩ trở thành tụ điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh bởi sự ùn ứ của cả đoàn người và xe cộ đông đúc.

Vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân và dư luận xã hội, trưa cùng ngày, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội ký ban hành văn bản số 577 với nội dung chỉ yêu cầu người dân có giấy đi đường, kèm theo chứng minh thư nhân dân, điều chỉnh công văn số 2562.

Trước đó, ngày 24/7, Bộ Y tế cũng ban hành công văn số 5944 đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 sản phẩm xúc miệng, xịt khuẩn phòng và hỗ trợ điều trị nâng cao sức khỏe bệnh nhân COVID-19 như một hình thức chỉ định thầu.Nhưng chỉ sau một ngày, Bộ Y tế phải ban hành công văn thu hồi văn bản này.

Theo Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính Phủ, việc các cơ quan quản lý ban hành văn bản sai, khó hiểu, thậm chí trái pháp luật xảy ra nhiều và đã đến lúc, chúng ta cần xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân soạn thảo trái luật.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh cho rằng, ở đây, rõ ràng những nhà quản lý đưa ra biện pháp này, biện pháp kia không phù hợp với pháp luật và gây khó khăn cho người dân. Trên thực tế, gây thiệt hại cho xã hội và cho cả người dân, qua đó ảnh hưởng đến uy tín bộ máy nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đang nói nhiều về tính liêm chính, phục vụ. Do vậy, rõ ràng việc xử lý những sai phạm này là điều cần thiết.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính Phủ

Mấy năm trước, Bộ Giao thông- Vận tải ban hành Thông tư số 58 quy định phải đổi giấy phép lái xe loại giấy sang vật liệu mới bằng vật liệt PET theo lộ trình với mức giá khác cao, đặc biệt, quy định nếu sau 6 tháng người không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe. Cùng với đó, một số thông tư của các Bộ, ngành khác bị Bộ Tư pháp tuýt còi.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một loại sai phạm của các cơ quan công quyền trong quá trình thi hành nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo ông Sơn, vấn đề cơ bản và quan trọng ở đây là mình phải tìm ra được nguyên nhân và xử lý nghiêm nội dung sai, lẫn người ban hành văn bản có nội dung sai theo đúng yêu cầu. Bởi, theo đúng bản chất, đây là sai phạm liên quan tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, thậm chí đây có thể coi là hành vi tham nhũng, mà ở đây là tham nhũng về thể chế.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định hướng dẫn quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm theo Luật Công chức. Thế nhưng, thực tế có rất ít trường hợp bị xử lý nên vi phạm trong ban hành văn bản vẫn xảy ra. Vì vậy chúng ta phải có quy định chế tài cụ thể rõ ràng ngay trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ mức cảnh cáo đến xử lý hình sự và buộc bồi thường thiệt hại đối với cá nhân, cơ quan ban hành văn bản sai trái.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, vi phạm này là vi phạm trong quá trình tham gia xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và mới chỉ áp dụng các chế tài chung chung thôi thì các lỗi có thể xảy ra liên tục.

“Chúng ta cũng nhìn thấy trong thực tế người ta có áp dụng các quy phạm pháp luật. Đối với cán bộ, công chức thông thường nhất là cắt thi đua, cắt thưởng, thỉnh thoảng có trường hợp buộc thôi việc. Còn những trách nhiệm khác như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là những trách nhiệm ở mức độ cao hơn thì chưa có quy định nào áp dụng”- luật sư Trần Hữu Huỳnh nói.

Những văn bản quy phạm pháp luật có sai xót có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, hoặc làm cho bộ máy điều hành nhà nước trở lên lúng túng. Vì vậy, ngoài trách nhiệm xử lý kỷ luật theo Luật Công chức, chúng ta cần có chế tài xử lý hình sự và buộc cá nhân, cơ quan ban hành văn bản sai phải bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy mới đảm bảo thực sự Nhà nước kiến tạo, phát triển./.

Tác giả: Sỹ Lý

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP