Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng hoa cho thầy Lưu Văn Hóa |
Chương trình có sự hiện của hơn 200 thầy cô giáo tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt trong đó có 183 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ nhà giáo đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước được Bộ GD-ĐT vinh danh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 2018.
Tại chương trình “thay lời tri ân”, chia sẻ của những tấm gương nhà giáo mẫu mực, xuất sắc, hết lòng vì học trò dù cuộc sống, công tác còn muôn vàn khó khăn đã tạo xúc động mạnh mẽ. Trong số đó, câu chuyện của những thầy cô công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc.
Thầy Lưu Văn Hóa dạy học ở xã Trà Vân - một xã vùng trung của Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm huyện Nam Trà My 12km, đèo dốc khó đi. Trường tiểu học Trà Vân có 7 điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ Nóc Ông Ruộng thuộc ở thôn 3 cách điểm trường chính khoảng 16 km. Năm học 2018-2019 điểm trường này có 3 lớp, gồm 2 cô giáo và 1 thầy giáo dạy học ở điểm trường.
Thầy Lưu Văn Hóa sinh năm 1966, quê ở Thăng Bình - Quảng Nam, đã có hơn 20 năm dạy học ở các trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My, đến nay cũng chưa có vợ, nhưng được các đồng nghiệp quý mến gọi với cái tên thân thương: thầy Cả. 20 năm dạy học ở địa bàn khó khăn, chưa từng nhận món quà ngày 20-11, nhưng thầy không kêu, ca, than vãn, tất cả yêu thương thầy dành cho những đứa học trò còn nhiều thiệt thòi nơi ấy.
Tham gia giao lưu chia sẻ trong chương trình, thầy Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học An Lương (Yên Bái) kể lại những kỷ niệm vận động học trò trở lại lớp sau cơn lũ. Trường PTDTBT Tiểu học An Lương cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khoảng 24km, nếu đường sá thuận lợi thì đi khoảng 1 tiếng là đến trường. Khi bị lũ phải đi phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, trong đó chỉ có khoảng gần 10km có thể đi xe máy, còn lại là đi bộ. “Sau lũ, mọi thứ thiếu thốn, địa bàn bị cô lập, đói ăn đói mặc, làm thế nào để có cái ăn khi học sinh đến trường là một thách thức lớn. Lúc này, tôi quyết định vận động các thầy giáo trong trường đi bộ gùi lương thực về cho các em học sinh”, thầy kể lại.
Hình ảnh các thầy mỗi người gùi những bao lương thực hơn 30kg đi khoảng 30km trèo đèo, vượt lũ, băng rừng, đu dây leo vực thực sự rất nguy hiểm, vất vả không thể kể hết, nhưng vì học trò, vì công việc dạy chữ, các thầy vẫn làm. Sau 4 ngày, các thầy đã gùi được hơn 2 tấn lương thực, đủ dùng cho các em học sinh hết tháng 9. Trong khi các thầy đi gùi lương thực thì các cô giáo ở trường trồng rau. Chỉ sau gần 1 tháng đã có rau xanh phục vụ cho các em học sinh đến khai trường.
Thầy Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (Yên Bái) kể lại những kỷ niệm vận động học trò trở lại lớp sau cơn lũ |
Thầy Mai Văn Vân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đã có 36 năm cống hiến cho ngành giáo vùng sông nước Cù Lao Dung. Thầy kể, khi đến xã An Thạnh 2 thì chưa có trường cấp 2, chưa có học sinh và cũng chưa có giáo viên. Để có học sinh, thầy đến các ấp vận động các em ra lớp. Sau nhiều ngày lặn lội, có 34 học sinh theo thầy vào lớp 6.
Chưa có phòng học, thầy và trò phải đi xin cây, lá về dựng tạm một phòng học trên mảnh đất hoang. Để có bàn ghế, thầy đi xin cây tạp trong vườn của người dân về xẻ ra đóng bàn ghế. Riêng mình, thầy lấy cây cau xẻ ra đóng một liếp giường để làm chỗ ngả lưng vào ban đêm, phòng nghỉ của thầy cũng chính là phòng học của trò.
Thiết bị dạy học không có, sách giáo khoa cũng không, thầy lại sang tận Thị trấn Long Phú, huyện Long Phú để xin. Từ Cù Lao Dung sang Long Phú mỗi ngày chỉ có một chuyến đò chạy theo con nước lớn, tầm từ quá nửa đêm đến 4 giờ sáng. Nên gần nửa đêm, trong khi mọi người chìm vào giấc ngủ, thầy lại mò mẫm ra bờ sông ngồi chờ đò để đi xin sách. Trường lúc đó chỉ có 34 học sinh và một giáo viên là thầy nhưng vẫn phải dạy đủ các môn. Thầy lại đi tìm một giáo viên ở nơi khác đến dạy hợp đồng các môn khoa học xã hội, còn thầy chịu trách nhiệm các môn khoa học tự nhiên. Cứ thế, mỗi năm vận động được một lớp, xin cây lá dựng thêm một phòng học. Đến năm 1983, trường được UBND xã cấp cho một khu đất diện tích khoảng 1.000m2 và phụ huynh hỗ trợ vật liệu, dựng được 5 phòng học khang trang. “Khi nằm xuống chỉ mong một lần đi qua trường”- thầy tâm sự khi đã dành gần trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục vùng Cù Lao Dung.
Phát biểu trong chương trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: năm 2017, cũng trong không gian của chương trình thay lời tri ân, Bộ trưởng đã vô cùng xúc động khi được gặp gỡ các thầy cô giáo vùng cao, vùng khó khăn lặn lội đưa trẻ đến trường. Đó là thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và câu chuyện cổ tích về cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể; là các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (Gia Lai) nửa đêm vận động học trò đến lớp. Sau chương trình, Bộ trưởng đã đến thăm thầy và trò Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba để trực tiếp chia sẻ, động viên các thầy cô và học sinh.
Theo Bộ trưởng, năm 2018 là năm thứ 5 ngành giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế, nhưng ngành giáo dục đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống cơ sở GD-ĐT phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao qua kết quả đánh giá PISA và số lượng học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước. Lần đầu tiên chúng ta có 2 đại học nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn...“Đóng góp vào thành tích chung là sự quyết tâm, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng sự nghiệp GD-ĐT. Hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Trong đó, các thầy cô vùng khó khăn, giữa thiếu thốn đủ bề vẫn miệt mài gieo chữ, vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ, cắt tóc, cắt móng tay, vá quần áo, lao động để cải thiện bữa ăn cho trò; những thầy cô trường bán trú thức khuya, dậy sớm tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho học sinh tại trường. Không ít thầy cô gia đình vừa vượt qua lũ dữ, khó khăn bộn bề vẫn góp ngày lương để học trò được đến trường; cung đường đến trường hiểm trở, có đoạn không thể đi được phải đu dây vẫn gùi lương thực để học sinh có thực phẩm đúng ngày khai trường... Rất nhiều những thầy cô giáo, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao đang đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, giản dị mà cao quý như vậy.
“Đảng và Chính phủ luôn xác định đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt quyết định thành công sự nghiệp GD-ĐT. Con đường đổi mới chỉ ở những bước đầu, phía trước còn rất nhiều gian khó. Mong các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành tiếp tục thấm nhuần tinh thần đổi mới, kiên định, vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nước nhà”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhắn nhủ.
Tác giả: Phan Thảo
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng