Đã 27 năm đứng trên bục giảng, nhưng cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận vẫn luôn cháy bỏng đam mê với công tác giảng dạy như lúc mới vào nghề. Cô Thuận cho biết, năm 1991 sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang ngành Hóa - Địa, được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Thạnh Nhựt 2, huyện Gò Công Tây. Dù là giáo viên hệ Cao đẳng nhưng khi dạy tiểu học, cô đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đến năm 1996, cô được chuyển công tác về giảng dạy môn Địa lý rồi đến môn Hóa học ở Trường THCS Thạnh Nhựt. Được dạy đúng ngành được đào tạo nên rất thuận lợi cho người nữ giáo viên này phát huy kỹ năng, kiến thức của mình để truyền đạt cho học sinh.
Đối với môn Hóa học, cô đã áp dụng giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; quan tâm đến các học sinh chậm trí. Cô đã sử dụng bản đồ tư duy, ứng dụng công nghệ thông tin, đồ dùng dạy học để minh họa cho những bài giảng, tạo ra những tiết học sinh động, thực tế, giúp học sinh tiếp thu bài học dễ dàng. Đồng thời, cô chịu khó nghiên cứu để làm ra các đồ dùng dạy học, các đề tài sáng kiến kinh nghiệm phục vụ công tác giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận trong tiết giảng dạy. |
Ngoài ra, cô mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh theo phương châm “Thầy chủ đạo, trò chủ động”. Đối với học sinh, cô Thuận luôn tạo điều kiện cho các em phát huy tính sáng tạo, tự học để phát triển trí tuệ; đồng thời, tổ chức cho các em học tập theo nhóm để có cơ hội trao đổi, hỗ trợ nhau nắm vững kiến thức và vận dụng giải bài tập tốt hơn.
Em Đỗ Thị Tường Vy, học sinh lớp Chín 7, Trường Trung học cơ sở Thạnh Nhựt chia sẻ: “Cô Thuận dạy rất tận tình với học sinh. Cô luôn cho chúng em những phương pháp, cách học tốt nhất. Đối với những học sinh kém thì cô đưa ra những cách học đơn giản, dạy cho các bạn dễ hiểu.Còn đối với học sinh giỏi thì cô vun đắp kiến thức cho tụi em”.
Hiện nay, ngoài việc là giáo viên chủ nhiệm lớp Chín 7, cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận còn phụ trách dạy môn hóa bốn lớp 9 và hai lớp 8 và là cộng tác viên thanh tra môn Hóa học của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây.
Năm học nào, các học sinh do cô giảng dạy cũng đạt hơn 80% từ điểm trung bình trở lên. Môn Hóa học của Trường THCS Thạnh Nhựt đạt thứ hạng cao so với các trường THCS ở huyện Gò Công Tây.
Trong gần 10 năm qua, cô có đến 5 sáng kiến kinh nghiệm và 9 đồ dùng dạy học tự làm đạt giải cấp huyện; trong đó có 3 đồ dùng dạy học đạt cấp tỉnh.
Ngoài việc dạy giỏi, cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận còn tích cực với các hoạt động phong trào của nhà trường, là một “cây văn nghệ” của trường. Cô Thuận đã được bình chọn là cá nhân điển trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành giáo dục huyện Gò Công Tây.
Đề cập đến những nỗ lực của người nữ giáo viên này, cô Cao Phi Phương Giao, Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Thạnh Nhựt tâm sự, “Về việc giảng dạy của cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận thì cô rất tận tụy đối với học sinh. Đối với đồng nghiệp, cô rất hòa nhã,đoàn kết, thân thiện, giúp đỡ đồng nghiệp hết mình. Trong giảng dạy, học sinh nào cũng yêu mến cô Ngọc Thuận”.
Về kinh nghiệm để dạy tốt môn Hóa học “Trước khi lên lớp, người giáo viên phải chuẩn bị giáo án rất kỹ, sao cho nội dung phải phù hợp với trình độ của học sinh. Đối với học sinh yếu kém, dành nhiều thời gian phụ đạo thêm để các em nắm vững kiến thức và học tập tốt hơn”. - Cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận chia sẻ.
Với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, phấu đấu không ngừng, cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận đã đạt nhiều thành tích trong công tác giáo dục. Trong đó có danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 12 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo; UBND tỉnh và Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Tiền Giang.
Đặc biệt, năm 2012, cô vinh dự vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận cho biết thêm, "gia đình cô có đến 5 người anh, chị em ruột là giáo viên, bản thân rất đam mê nghề dạy học. Được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh chính là niềm vui, hạnh phúc của đời mình”.
Tác giả: Đồng Khởi
Nguồn tin: Báo Công luận