Giáo dục

Sách giáo khoa không thiết kế để học sinh viết vào sách?

Giải thích về việc “SGK chỉ sử dụng được một lần”, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: “SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách".

Cuốn sách Toán lớp 1 yêu cầu học sinh điền số thích hợp vào ô trống

Nhắc nhở học sinh không viết vào sách thông qua sách giáo viên

Trao đổi với báo chí ngày 21/9, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.

Do đó, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Do đặc thù của một số môn học, VD: đối với sách Toán dành cho học sinh Tiểu học, đặc biệt là sách Toán 1, học sinh bắt đầu được làm quen với các số tự nhiên, các phép Toán cộng trừ và các hình khối cơ bản. Với lứa tuổi này, học sinh chưa có kỹ năng viết, vẽ thành thạo.

Ông Bách cho hay, để có thể hiểu và khắc sâu kiến thức Toán, cần đa dạng hóa các dạng bài tập và cách diễn đạt đề bài bắt buộc phải thiết kế các dạng “điền trống”, “ghép cặp”, “khoanh kết quả đúng”,… để học sinh có thể dễ dàng thực hiện được trên vở ghi.

Theo ông Bách, các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990-2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.

Cụ thể, các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào sách giáo khoa thông qua sách giáo viên qua chú thích dưới các bài tập trắc nghiệm trong SGK. Ví dụ: Trong SGK Ngữ văn 7, trang 15 (hoặc Ngữ văn 9, 11), lần đầu tiên xuất hiện “lệnh” Điền / Viết vào chỗ trống, tác giả đã lưu ý chú thích cuối trang là “Học sinh chép lại và làm vào vở bài tập”.

Lãnh đạo NXB GD cho rằng, việc giới thiệu các dạng bài tập trắc nghiệm như đã nêu còn do yêu cầu về phương pháp dạy học. Điều đó góp phần cụ thể hoá chủ trương: Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học phải gắn liền với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, không chỉ đổi mới mục đích, nội dung, phương pháp đánh giá mà còn phải đổi mới cả phương tiện và công cụ đánh giá.

Trong văn bản Chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT đã ghi rõ: “kết hợp các biện pháp đánh giá bằng bài tự luận, bài trắc nghiệm và bằng quan sát của giáo viên nhằm đảm bảo độ chính xác, tin cậy của hoạt động đánh giá”.

Giáo viên phải có trách nhiệm

Để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy. Tại văn bản số 7590/GDTH, ngày 27/8/2004 của Bộ giáo dục đào tạo về việc hướng dẫn giảng dạy các môn học ở lớp 3 cho các vùng, miền đã ghi rõ:

“GV căn cứ văn bản PPCT môn Tiếng Việt để thực hiện các bài dạy trong SGK Tiếng Việt 3, hướng dẫn HS sử dụng SGK một cách có hiệu quả (tận dụng cả kênh chữ và kênh hình) nhằm đạt được những yêu cầu cơ bản về kiến thức và kĩ năng của môn học. Cần nhắc nhở HS có ý thức giữ gìn (không được viết, vẽ...) để sử dụng SGK được lâu bền.”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn HS không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài.

"Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn HS làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu NXB giáo dục VN kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc HS ghi vào SGK, gây lãng phí" - Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.

35% học sinh sử dụng lại sách cũ?

Tổng Giám đốc NXB GD khẳng định: “Nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXBGDVN không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, NXBGDVN đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại SGK cũ. Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh sử dụng lại.

Lãnh đạo NXB dẫn chứng, năm 2018 cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, thì trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản.

Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXBGDVN phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP