Sách giáo khoa cháy hàng vì sang năm học bộ sách mới, phụ huynh khốn đốn tìm mua - Ảnh: Internet |
Theo các công ty phát hành sách, hiện ở các nhà sách đang thiếu nhiều đầu sách giáo khoa tập trung, đặc biệt vào khối đầu cấp như lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Công ty Phát hành sách (FAHASA) đang thiếu khoảng 5.000 cuốn sách Toán và Tiếng Việt lớp 1, khoảng 8.000 cuốn sách các môn học của khối lớp 6 và lớp 10. Hiện các công ty phát hành sách lớn đã đặt in thêm sách tại Nhà xuất bản Giáo dục và sẽ sớm có sách giáo khoa bán trở lại trong vài ngày tới.
Tương tự như tình hình tại TP.HCM, Cần Thơ, Hà Tĩnh..., nhiều phụ huynh có con học lớp 1, lớp 6 và lớp 10 cũng đang phải vất vả tìm mua sách giáo khoa nhưng vẫn không có, tình trạng này đã kéo dài từ nửa tháng nay. Theo chia sẻ của Nhà xuất bản Giáo dục, hiện nay nhà xuất bản đã cung ứng cho các công ty thiết bị trường học tại các địa phương để khắc phục tình trạng nhưng việc khan hiếm sách giáo khoa vẫn đang còn khiến nhiều phụ huynh phải vất vả tìm kiếm.
Tính đến ngày 15.8, đã có hơn 39 triệu bản SGK đưa ra thị trường, riêng thị trường TPHCM đã phát hành hơn 11,5 triệu bản (tăng 1 triệu bản so với đầu năm học 2016-2017). Qua tìm hiểu, do tâm lý sợ hàng tồn kho, nếu không bán hết trong năm học này thì qua năm sau sẽ không thể bán tiếp vì theo dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ thay mới SGK trong năm học 2018-2019, nên một số nhà sách đã đặt số lượng SGK ít để bán cầm chừng, dẫn đến tình trạng khan hiếm SGK cục bộ ở một vài khu vực.
Chia sẻ với phóng viên, chị Quách Thị Hiệu có con năm nay sẽ vào Trường THCS Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Hôm trước tôi có ra nhà sách mua cho các con 2 bộ SGK, một bộ để ở lớp, 1 bộ để ở nhà, tuy nhiên nhà sách không đủ, có nhiều cuốn thì thừa nhưng một số cuốn sách như Giáo dục công dân, Sinh học và cả Ngữ văn thì thiếu. Đành phải mua tạm về rồi tìm mua bổ sung sau, nếu vẫn còn khan hiếm chắc phải đi mượn sách để photo cho con, để con theo dõi bài vở cho thuận tiện".
"Tôi mới mua xong 1 bộ sách giáo khoa vào lớp 6 cho con, tuy nhiên khi đưa sách đến trường thì cô giáo của con tôi lại báo là sách không học được vì sách cũ năm ngoái. Còn năm nay là sách mới, khi tôi ra nhà sách hỏi thì nhà sách bảo thiếu sách bộ mới, nếu thế thì chính nhà nước cũng phải quản lý thu hồi sách cũ lại chứ không thể để các nhà sách bán sách cũ tràn lan, phụ huynh không biết mua về thì giáo viên lại bảo không học được, thế thì chúng tôi mua làm gì? Như vậy sẽ làm lãng phí tiền của người dân mà lại khiến phụ huynh bực mình" - chị Hiệu bức xúc.
Cũng như chị Hiệu, anh Thành Minh có con học lớp 10 Trường THPT Hùng Vương, Hà Nội cho hay: "Mọi năm cứ đến thời điểm trước khi vào học chỉ cần 1 tuần, đi ra hiệu sách mua là được, mà năm nay dù mua trước cả nửa tháng cũng không thể nào tìm đủ sách cho con học. Hôm thiếu cuốn này, hôm thì thiếu cuốn khác, cứ mua theo kiểu lẻ tẻ chứ không đầy đủ theo bộ khiến các phụ huynh nhiều người không có thời gian đi tìm sách cho con, dẫn đến việc các con phải học nhờ của bạn. SGK không đắt nhưng để tình trạng khan hiếm thì các nhà xuất bản nên xem lại vấn đề này. Cụ thể ở lớp 10 của con tôi vẫn đang thiếu cuốn Ngữ văn, Sinh học, Hóa học... đi tìm mua khắp đều không có".
Trả lời phóng viên, đại diện nhà sách Tiền Phong trên đường Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội cho hay sở dĩ năm nay tình trạng khan sách xảy ra do số lượng học sinh lớp 10 tăng đột biến. Nhà sách đã lường trước được tình hình nhưng số lượng đăng ký vẫn không đáp ứng được. “Đối với SGK, các nhà sách khi đăng ký là không được trả lại nên phải có sự tính toán cẩn thận, không nhập quá nhiều, sợ không bán được hết thì sẽ phải lưu kho, mà năm sau lại không sử dụng được nên các nhà sách phải cân nhắc" - đại diện nhà sách cho biết.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc năm học 2019-2020 dự tính Bộ GD-ĐT sẽ thay toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chính vì thế các nhà xuất bản phải dự trù số lượng vừa đủ để cung ứng chứ không làm dư thừa như mọi năm sẽ dẫn tới tình trạng lỗ nếu như bán không hết hàng. Nếu như các phụ huynh mỗi người mua 2-3 bộ sách dự trù cho con ở trên lớp và ở nhà thì các nhà sách sẽ khó đáp ứng được nhu cầu cho các học sinh trên cả nước.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bán sách giáo khoa năm học 2018-2019 được giữ nguyên như các năm trước. Trong năm học này, 17 tỉnh, thành phố khu vực phía nam được phân phối 40 triệu bản sách giáo khoa, tính đến hết tháng 7 đã có gần 36 triệu bản sách giáo khoa đưa ra thị trường, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 1 triệu bản.
Tác giả: Dạ Thảo
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới