Ít có kỳ họp nào mà Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình làm việc nhiều lần như Kỳ họp thứ 7, để bổ sung, xem xét và quyết định một số vấn đề cấp bách khi thấy đã chín, đã rõ và nhận được sự đồng thuận cao, cả về công tác lập pháp cũng như quyết định các vấn đề quan trọng. Cũng chính vì vậy, thời gian kỳ họp tăng lên 27,5 ngày làm việc, thay vì 26 ngày như dự kiến ban đầu.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Trước tiên, cần khẳng định Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quốc hội thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Lần đầu tiên, Chính phủ đề xuất và Quốc hội đồng ý điều chỉnh thời điểm có hiệu lực sớm hơn đối với 3 luật liên quan bất động sản (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5) để luật sớm đi vào cuộc sống, vì như các ý kiến đều nhận định rằng doanh nghiệp, người dân đang mong chờ.
Cụ thể, ngay khi kỳ họp đang diễn ra, Chính phủ có báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cũng như xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp.
Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua dự thảo luật, Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 (riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).
Điều đó được kỳ vọng góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới vào thực tiễn, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành 3 luật và phát huy những ưu việt của chính sách, quy định tiến bộ trong các luật nêu trên; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở…
Hàng loạt vấn đề đã được đại biểu Quốc hội thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm tại Kỳ họp thứ 7 |
Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Một quyết sách nữa nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước là về thực hiện cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Đây cũng là nội dung Chính phủ đề xuất và được Quốc hội đồng ý, đưa vào chương trình nghị sự để xem xét, quyết định kịp thời ngay khi kỳ họp đang diễn ra.
Thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội quyết nghị thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025).
Với khu vực công, Quốc hội nhấn mạnh thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương; đồng thời giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Điểm đáng chú ý và được đánh giá là “tâm trạng xã hội hài lòng” như lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chính là điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Cùng thời điểm, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024) cũng được điều chỉnh tăng 15%. Tương tự, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội cũng tăng cao so với trước đây, lần lượt tăng 35,7% và 38,9%.
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thêm 6 tháng, tức tới hết năm 2024, dù theo đánh giá tác động, điều này dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng.
Bởi, như chuyên gia từng nhận định, trước mắt ngân sách hụt thu nhưng số tiền đó không mất đi đâu mà ở trong dân, phục vụ cho đời sống, kinh doanh sản xuất. Giảm 2% thuế VAT, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng. Chính sách trên chính là nhằm khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 |
Ngoài ra, Quốc hội đồng ý điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Mục tiêu cuối cùng của quyết sách không gì khác ngoài đẩy nhanh tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình để người dân sớm được thụ hưởng chính sách ý nghĩa, nhân văn của Đảng và Nhà nước…
Như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định khi phát biểu bế mạc kỳ họp, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung, trong đó có những vấn đề gấp, khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV