Trong nước

Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở, quyết định vấn đề nhân sự

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề tăng lương cơ sở; bổ nhiệm, phê chuẩn bổ nhiệm các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Chiều 17/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, Kỳ họp thứ 4 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/10, diễn ra trong 21 ngày, dự kiến bế mạc vào 15/11. Đây là nét đổi mới kỳ này, bởi mặc dù là kỳ họp cuối năm nhiều việc nhưng chương trình rút ngắn nhiều so với thông lệ (thường là 30 ngày).

“Theo nguyện vọng cá nhân và sự phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại Kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thể”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Tại họp báo, các phóng viên đã đặt câu hỏi về lý do đề xuất phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhân sự thay thế dự kiến? Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như nhiệm kỳ khoá XIV, ông Nguyễn Văn Thể đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ GTVT triển khai những nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao.

Đến nay, theo nguyện vọng cá nhân và sự phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại Kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thể. Theo ông Cường, việc ông Thể có nguyện vọng cá nhân cũng là bình thường, các cơ quan sẽ thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng Ảnh: Như Ý


Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng

Trả lời câu hỏi về vấn đề cải cách tiền lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về điều chỉnh mức lương cơ sở, Chính phủ đang trình Quốc hội tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh này thực hiện từ 1/7/2023, đồng thời điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 1/2023. Việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố, theo đó phải tính mức sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong đề xuất, tính toán các điều kiện cần thiết. "Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan sẽ phải xem xét, đề xuất việc thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, thách thức cũng rất lớn đó là nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch và bắt đầu bước vào hồi phục kinh tế", ông Mai lý giải.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã xác định lộ trình để cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trước tác động nặng nề bởi đại dịch nên cán bộ, công chức, viên chức cũng phải chia sẻ, chưa tăng lương mà dành nguồn lực cho phòng, chống dịch. Bây giờ kinh tế có sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế khả quan, nên sẽ tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình tiếp theo.

Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào thu ngân sách, nguồn lực quốc gia, và phải cân đối kỹ giữa đầu tư cho phát triển với đầu tư cho tiêu dùng, con người. "Tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức cũng là đầu tư cho phát triển, nhưng nếu không thúc đẩy phát triển những lĩnh vực khác nữa sẽ rất khó. Vấn đề này sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét rất kỹ lưỡng", Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm.


Tác giả: THÀNH NAM

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP