Người đương thời

Lương y Nguyễn Sỹ Nghị: “Thần y” chữa bệnh xương khớp

Lương y Nguyễn Sỹ Nghị, sinh năm 1947, trú tại thôn 4, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), là một thầy thuốc ưu tú. Ông được người dân tôn vinh như “thần y” trong việc chữa bệnh xương – khớp.

Với thâm niên trên 50 năm bốc thuốc, ông đã đem lại niềm vui cho rất nhiều người, nhiều gia đình trên khắp đất nước Việt Nam.

Một đời vì người bệnh

Là một lương y, có nhiều đóng góp cho nền Y học cổ truyền dân tộc, nhưng ông được nhân dân gọi bằng cái tên hết sức gần gũi, trìu mến: Ông Nghị.

Mặc dù tuổi già, sức yếu, trong người có bệnh nhưng ông vẫn rất tỉnh táo, minh mẫn. Đối với những ca khó, phức tạp, ông tư vấn cho con. Khi con đi vắng, ông vẫn trực tiếp khám, bốc thuốc và chữa bệnh cho khách.

Ông Nghị được tiếp xúc với nghề thuốc từ khi còn nhỏ, tuy nhiên lúc đó chỉ là những va chạm của cuộc sống hàng ngày chứ chưa có ý nghĩ ông sẽ nối nghiệp gia truyền.

Hè năm lớp 6, một bước ngoặt trong cuộc đời khi người cha quyết định truyền nghề lại cho ông. Đây là khoảng thời gian gợi cho ông những khái niệm đầu đời về cái nghề bốc thuốc.

Học xong cấp 3 (THPT ngày nay – PV), ông tham gia học lớp y tá của Đông y trẻ tuổi ở Hà Tĩnh. Năm 1967, ông được cấp giấy chứng nhận là Hội viên Hội Đông y và được cấp giấy phép hành nghề.

Hàng ngày, ông chữa bệnh cho năm bảy chục khách, ngày nào đông thì hàng trăm khách. Có những khách ở xa, đi theo đoàn 40 – 50 người, ông phải khám, bốc thuốc, dặn dò… làm quần quật từ sáng đến chiều để cho họ còn kịp về. Những lúc đó, ông không còn thời gian để nghỉ ngơi, uống nước.

Thông thường, cứ khoảng 5h sáng là khách đã đến chờ ở sân. Trước đây, khi ông còn khỏe, họ đến khám cả đêm. Với ông, khách đến khi nào thì khám khi đó, làm tất cả các ngày trong tuần, không kể giờ giấc sớm khuya.

Nói về nguồn gốc của bài thuốc gia truyền, ông Nghị chia sẻ: “Tính đến nay, đại gia đình tôi đã có 6 đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Theo lời của người sinh ra tôi thì nghề thuốc gia truyền này đã có trên 200 năm. Mỗi đời chỉ truyền lại duy nhất cho một người, những người còn lại làm nghề khác”.

Huy chương vì Sức khỏe Nhân dân do Bộ Y tế tặng ngày 16 tháng 01 năm 2003.

Kể về cơ duyên gắn với nghề thuốc của mình, lương y Nghị tâm sự: “Tôi được cha truyền nghề khi mới 13, 14 tuổi. Hôm đó, ông gọi tôi vào phòng và bảo sẽ truyền nghề lại, đồng thời yêu cầu tôi bớt rong chơi để tập trung học nghề”.

Cũng theo ông Nghị, bước đầu học nghề cũng không dễ dàng gì. Tuổi nhỏ ham chơi, chưa ý thức được nhiều, hàng ngày phải phụ giúp cha cắt thuốc chữa bệnh, giam chân trong gian nhà nhỏ, trong khi bạn bè tung tăng bay nhảy nên cũng rất buồn. Nhưng dần rồi cũng quen khi thấy những bệnh nhân được khỏi bệnh, thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt người thân của họ nên yêu nghề từ lúc nào không hay.

Trong quá trình hành nghề bốc thuốc, ông tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức của tỉnh và huyện như BCH Hội Y học Cổ truyền từ năm 1995 – 2005. Làm BCH Hội Chữ Thập đỏ huyện Can Lộc 18 năm.

Với những cống hiến của mình, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bộ Y tế tặng thưởng Huy chương vì Sức khỏe Nhân dân, BCH Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú…

Hiện nay, do tuổi già, sức yếu, lại bị tai biến nên ông Nghị đã truyền nghề lại cho con trai trưởng là Nguyễn Sỹ Luận, 43 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Y Thanh Hóa. Anh Luận đã làm phụ cùng ông từ năm 2000 đến nay.

Đối với những ca khó, phức tạp, ông Nghị vẫn tư vấn cho con. Khi con đi vắng, ông vẫn trực tiếp khám, bốc thuốc và chữa bệnh cho khách.

Thang thuốc rẻ, tác dụng lớn

Thế mạnh của ông Nghị là chữa bệnh về xương – khớp như gãy xương, bong gân, sái tay chân, trầy lưng, vôi hóa đốt sống… Nguyên liệu chủ yếu là Nam dược, lá cây và một số loại rễ cây như Tử thảo, Thiên niên kiện, Ngưu tất, Trinh nữ thảo…

Những người làm công đang miệt mài với công việc gói thuốc.

Tác dụng của thuốc là mau liền xương, chống viêm, thoái hóa. Nguồn nguyên liệu để điều chế thuốc chủ yếu được lấy tại các địa phương Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ… nên có giá rất rẻ, chỉ 5000đồng/thang.

Là Nam dược nhưng công dụng lại hết sức hiệu quả. Trẻ con bị sái xương chỉ cần 3 – 4 gói, người lớn chỉ 10 thang là khỏi. Nếu đau cột sống hoặc thoái hóa phải dùng từ 30 – 40 thang, uống từ 2 – 3 tháng là được.

Khi được hỏi trong hơn 50 năm hành nghề, ông đã chữa trị cho bao nhiêu bệnh nhân, ông Nghị chia sẻ: “Làm sao mà nhớ được. Cứ tạm tính là mỗi năm tôi làm 10 tháng, mỗi tháng 20 ngày, mỗi ngày khoảng năm chục bệnh nhân. Nói chung là nhiều vô kể”.

Rồi ông kể về những ca bệnh khó, phức tạp, tưởng chừng tàn tật suốt đời. Đó ông Nguyễn Văn Hồng, sinh 1960, trú tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Năm 1987 ông Hồng đi bộ đội ở chiến trường Campuchia và bị thương vào đầu. Là Thương binh loại I, lại bị liệt hoàn toàn từ vùng thắt lưng trở xuống nên cuộc sống hết sức khó khăn.

Vì bệnh nhân không đi lại được nên tranh thủ khi đêm về, ông vượt gần 10km đến tận nhà để khám. Ròng rã suốt 4 tháng trời, uống hết cả trăm thang thuốc thì đi lại được.

Đó là Vũ Thị Thanh Huyền, sinh 1976, trú tại xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khi đó Huyền đang là sinh viên năm cuối, trong một lần trèo cây bị ngã, chèn tủy, liệt cột sống, mất cảm giác hai chân. Gia đình đưa đến điều trị 10 ngày tại nhà ông rồi về nhà uống thuốc để tiện chăm sóc.

Sau 5 tháng điều trị và dùng hơn 100 thang thuốc, cô đã khỏe mạnh, đi lại bình thường, trở về trường tiếp tục học tập. Nay Huyền đang làm tại Phòng Lưu trữ hồ sơ ở tỉnh Bình Phước.

Chồng thuốc cao ngất ngưởng chuẩn bị “lên đường” đến với khách hàng trên mọi miền đất nước.

Ngoài việc bốc thuốc chữa bệnh tại chỗ, lương y Nguyễn Sỹ Nghị còn chữa bệnh cho những người ở xa. Họ gọi điện, miêu tả căn bệnh rồi gửi tiền qua đường bưu điện, sau đó thuốc sẽ được gửi đến tận nhà. Giá vẫn 5000đ/thang, chỉ tùy theo gần hoặc xa mà phải trả thêm phí vận chuyển.

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Sỹ Luận chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi có 5 người làm công mà vẫn không kịp. Dù rất bận rộn nhưng chúng tôi vẫn sắp xếp thời gian để ra bưu điện gửi thuốc cho khách”.

Cha truyền con nối

Gia đình ông Nghị có 5 người con, anh Luận là con thứ hai nhưng là trai trưởng nên được cha chọn làm người nối nghiệp. Những chị em còn lại, người thì làm ngành thuế, người làm nghề dạy học, người kinh doanh tự do.

Anh Nguyễn Sỹ Luận, được lương y Nguyễn Sỹ Nghị truyền nghề, đang khám cho bệnh nhân.

Nói về công việc của mình, anh Nguyễn Sỹ Luận cho biết: “Tôi được tiếp xúc với công việc bốc thuốc khi còn rất nhỏ. Năm lên 11, 12 tuổi đã được cha tôi hướng dẫn cho cách nhận diện mặt thuốc, bào chế thuốc, phối kết hợp các vị thuốc để tạo nên bài thuốc gia truyền. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y Thanh Hóa, tôi về bốc thuốc cùng cha từ năm 2000 cho đến nay”.

PV đặt vấn đề là từ khi thay ông chữa trị, có ca nào nặng và nguy kịch không, anh Luận chia sẻ: “Những trường hợp nặng, nguy kịch, chúng tôi yêu cầu chuyển lên viện ngay để kiểm tra xử lý chứ không giữ lại. Vì ở bệnh viện có công nghệ hiện đại, độ chính xác cao, yên tâm hơn. Sau khi được xử lý rồi thì về đây bốc thuốc cho họ uống để mau liền xương thôi”.

“Làm tư nhân rất phức tạp, nếu bị gãy mà mình xử lý không bảo đảm sẽ để lại di chứng, thành tật hoặc què, lớn lên thi vào các trường thuộc lực lượng vũ trang người ta không nhận thì làm sao. Gia đình tôi chú trọng việc bốc thuốc cứu người, không mang mục đích kinh doanh nên cuộc sống của con người là trên hết”, anh Luận nói thêm.

Đặng Sơn – Dương Cầm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP