Nữ sinh trở về từ cõi chết

Nguyễn Thanh Quý (SN 1985, ở tổ 16, thị trấn Cẩm Xuyên) là chủ một kiốt hàng tạp hóa. Nhìn Quý tươi cười, rạng rỡ lấy hàng cho khách, không ai nghĩ cách đây vài năm, cô đã bị bệnh viện trả về vì ung thư giai đoạn cuối. Quý nhớ lại: “Em từ nhỏ khỏe mạnh bình thường. Năm 2007, đang học đại học khoa kinh tế thì bị hạ canxi huyết. Năm 2009, tay chân co quắp, cổ không cử động được. Qua thăm khám tại Hà Nội, kết luận bị u tủy D2, phải mổ”. Mổ được 2 tháng, Quý phải xạ trị 26 mũi, bệnh viện trả về. Gia đình xin ở lại, nhưng bác sĩ kê cho thuốc morphine và dặn: “Y học đã bất lực, gia đình cố gắng kéo dài được chừng nào hay chừng đấy”. Lúc này, Quý đã bị liệt hoàn toàn từ ngực trở xuống, nằm bất động, vệ sinh không tự chủ. Cha mẹ phải chăm sóc, lau rửa để chống hoại tử.

Sau 2 năm, Quý ngày càng suy kiệt. Năm 2011, bố Quý đã chuẩn bị rạp để phòng khi con chết. Tình cờ, lương y Nguyễn Trọng Minh – Chủ tịch Hội Đông y huyện Cẩm Xuyên – đi qua, trông thấy nên vào hỏi thăm. Gia đình cho biết, Quý bị ung thư giai đoạn cuối, không còn hy vọng gì.

“Lúc đó, Quý cơ thể teo tóp, xanh xao, bụng chướng to, nhiễm trùng bàng quang nghiêm trọng. Xem hồ sơ bệnh án, tôi thấy 3 bệnh án kết luận khác nhau, nơi thì u tủy, nơi thì u máu, nơi thì u tủy D2, như vậy có thể có sự nhầm lẫn”, ông Minh nhớ lại quyết tâm bắt tay cứu chữa. “Các phương thuốc tập trung vào 3 mục tiêu: Kìm hãm khối u phát triển; thông kinh hoạt huyết, đẩy máu đi nuôi dưỡng các chi; tăng cường khả năng chỉ huy vận động của não”.

Hoàn cảnh nhà Quý nghèo, một tuần uống ba thang thuốc thì ông Minh chỉ lấy tiền một thang. “Thực ra, chủ yếu là các vị thuốc nam, tôi bảo gia đình tự kiếm cho đỡ chi phí, nhưng vì bối rối nên họ nhờ thầy cắt giúp”, ông Minh nói. Thỉnh thoảng, ông lại ghé thăm, xem bệnh tiến triển như thế nào để điều chỉnh vị thuốc. “Uống thuốc nhiều quá, em khiếp luôn. Nhưng sau một thời gian, tự nhiên thấy ngón chân cử động, rồi co chân lên được. Em mừng quá, từ đó, không cần ép em cũng tự uống thuốc”.

6 tháng, uống hết 240 thang thuốc, bệnh đỡ dần, cộng thêm tập luyện, Quý có thể tự ngồi dậy, rồi đi được. Nhìn con ở độ tuổi 26 bước đi tập tễnh, cha mẹ em rơi nước mắt. Bây giờ thì Quý chỉ hơi khập khiễng một tý, tươi trẻ và tăng cân. “Khi em ra Hà Nội khám lại, bác sĩ trước đây điều trị cho em cứ thốt lên: “Lạ quá” vì nghĩ em đã “xanh cỏ” lâu rồi. Bác sĩ lại tưởng em còn đau lắm, lần nào cũng cho thuốc giảm đau”, Quý kể.

Clip về lương y Minh:


Nam dược trị Nam nhân Trường hợp của Quý không phải là lần duy nhất lương y Nguyễn Trọng Minh “chống” lại kết luận của bệnh viện. Cách đây vài năm, chị Hoàng Thị Tuyết (ở xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) tự nhiên dưới da nổi lên những vệt bầm đen. Đi viện, nơi thì kết luận chị bị sa tĩnh mạch, nơi cho là bị chàm. Nghe tiếng thầy Minh, chị điện thoại tư vấn, thầy bảo chụp ảnh chỗ bị bệnh gửi qua email.

“Xem ảnh, tôi khẳng định không phải là các chứng bệnh như bệnh án, mà chỉ là chứng thấp nhiệt”. Qua 10 thang thuốc, da chị Tuyết đã trắng trẻo trở lại. Một thời gian sau, con chị Tuyết là cháu Võ Thị Nhung bị nổi lên ngoằn nghèo dưới da, bệnh viện ở TPHCM kết luận “giun đũa chó”. Chị chụp ảnh gửi ra cho thầy Minh, rồi cho con dùng vài thang thuốc, bệnh khỏi. Một trường hợp khác là chị Hiên (xã Cẩm Phúc, Cẩm Xuyên) bị u bazolin, chỉ định phẫu thuật. Nhưng sau uống thuốc thầy Minh liên tục 3 tháng, khối u biến mất, chỉ để lại một vệt nhỏ. “Loại u này nếu mổ thì một thời gian sau nó mọc lại. Nếu Hiên không uống thuốc thì phải mổ đi mổ lại vài lần”, ông Minh cho hay.

Là truyền nhân của một gia đình 4 đời làm thuốc đông y, ông Minh hiểu sâu sắc tác dụng thần kỳ của những vị thuốc từ cây cỏ quanh nhà. Trong tủ thuốc của ông, có nhiều vị do ông tự đi sưu tầm quanh vùng và bào chế. Lúc tôi đến nhà, gặp anh Hồ Quốc Giáp (xã Cẩm Thành) đến cắt thuốc. “Tôi bị cảm cúm, đã uống hai liều thuốc Tây, bệnh không đỡ mà người còn mệt thêm, nên đến thầy Minh lấy thuốc. Những lần trước, chỉ cần một thang là khỏi”, anh Giáp nói.

Theo ông Minh: “Đông y có những tác dụng đặc hiệu đối với một số bệnh ung bướu, nhằm kìm hãm sự phát triển khối u, tăng cường sinh lực”. Tuy nhiên, vị lương y không khỏi thở dài trước thói quen lạm dụng Tây y vô tội vạ hiện nay. “Dân ta bây giờ hễ đau đầu sổ mũi là chạy ra hiệu thuốc Tây, trong khi xung quanh nhà có rất nhiều vị thuốc, vừa an toàn vừa công hiệu. Ngày xưa, lương y Tuệ Tĩnh đã nói: “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc nam chữa bệnh cho người Việt Nam) là vậy”, ông Minh nói. “Nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của đông y. Vừa rồi, có bệnh nhân trong Nam bị hoại tử, chụp ảnh gửi ra nhờ chữa trị, tôi khuyên nên đến ngay bệnh viện để đoạn chi”, ông Minh thẳng thắn.

 Quang Hiển