Đó là “quả ngọt” , là sự đền đáp xứng đáng cho nghị lực, quyết tâm mà đôi vợ chồng trẻ Lê Phương (1988) và Trần Thị Tuyết (1990) đã bỏ ra trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Anh Phương (ở giữa) đang giới thiệu mô hình của mình.
Những năm qua, được sự quan tâm của tổ chức đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương, tại Can Lộc xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Trong số những mô hình kinh tế đó, phải kể đến mô hình của vợ chồng anh Lê Phương tại thôn Nhật Tân – Mỹ Lộc – Can Lộc.
Sau khi tốt nghiệp THPT, không như bao bạn trẻ, nuôi ý tưởng vào ngưỡng cửa trường đại học, chàng trai trẻ Lê Phương đã nung nấu trong minh một ước mơ – Có một trang trại để thỏa sức thử nghiệm ý tưởng làm giàu. Ngày qua ngày, ý tưởng đó ngày càng được bồi đắp thông qua những gương thanh niên điển hình tiên tiến, những ông chủ trẻ tiên phong trong phát triển kinh tế vườn đồi … mà anh được biết qua tham quan thực tiễn, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, và ước mơ trở thành ông chủ của một trong những mô hình “sinh ra từ làng” như thế ngày càng lớn trong anh. Tuy nhiên, với thực lực kinh tế gia đình lúc bấy giờ, anh hiểu ước mơ ấy muốn thành hiện thực cần phải có thêm thời gian và sự chịu khó của bản thân. Kết thúc 2 năm học trung cấp, anh lựa chọn phương án mở cửa hàng kinh doanh tôn thép vật liệu xây dựng để gây dựng vốn. Chẳng quản thời tiết nắng hay mưa, ngày hay đêm, anh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tích lũy vốn. Sau mấy năm cặm cụi với công việc, anh đã mua được đất, làm nhà và xây dựng gia đình.
Năm 2011, được biết thông tin bán đất rừng tại vùng Trại Tiểu thuộc địa phần của xã Mỹ Lộc, vợ chồng anh chị quyết định bán đất, bán nhà với số tiền 500 triệu để mua 5ha đất rừng lập nghiệp. Khi ấy, nhìn 5ha đất trống đồi trọc, sỏi đá, địa hình hiểm trở mà vợ chồng anh mua, nhiều người không khỏi lo lắng, hoài nghi về tương lai của nó. Song với vợ anh Phương – chị Tuyết đã rất tin tưởng chồng, từ bỏ 2 tấm bằng làm y sỹ và dược sỹ để về phụ giúp anh làm kinh tế, cùng nhau gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Có đất rồi, cái quan trọng là sử dụng đất ấy như thế nào để phát huy hiệu quả kinh tế từ đất là nỗi trăn trở của đôi vợ chồng trẻ. Đầu năm 2012, vợ chồng anh bắt tay vào công việc cải tạo đất. Được sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, người thân, anh đã vay mượn đầu tư thêm để thuê máy làm đất, xây dựng cơ sở vật chất. Ngày cùng làm với nhân công, đêm về tính toán, suy nghĩ các phương án quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi. Để chọn đúng đối tượng cây trồng, vật nuôi, vợ chồng anh đã nhờ cán bộ thuộc Trung tâm chuyển giao KHCN huyện về khảo sát thổ nhưỡng, cách làm đất, chọn loại giống, làm ụ, bón phân cho các cây trồng. Tham khảo nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn, nghiên cứu kỹ đặc điểm về điều kiện tự nhiên địa phương, tìm hiểu nhiều tài liệu, tham gia nhiều lớp tập huấn do Đoàn thanh niên và các ban ngành tổ chức, vợ chồng anh đã quyết định lựa chọn trồng cây ăn quả (cam, bưởi, chanh, hồng), cây lấy gỗ và chăn nuôi gia súc, gia cầm là hướng đi chính.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, áp dụng tiến bộ của KHKT cùng với bản lĩnh, ý chí, nghị lực và niềm say mê, từng bước, từng ngày, các đối tượng cây con tăng dần về số lượng và diện tích: từ 500 gốc lên 1.200 rồi lên 2.000 gốc. Trời chẳng phụ người, đến nay, vợ chồng anh đã sở hữu trang trại gồm 1.000 gốc cam, 700 gốc chanh, 100 gốc bưởi, gần 200 gốc hồng, kết hợp trồng 2 hec ta tràm và nuôi gà, vịt. Anh Phương cho biết thêm: hiện tại 1.000 gốc cây bao gồm chanh, cam và hồng đã cho thu hoạch từ 2 đến 4 năm; 1.000 gốc cây ăn quả còn lại sắp cho thu hoạch . Ngoài ra, việc tận dụng diện tích đất rừng thả gia cầm mỗi năm anh xuất bán được hơn 20.000 gà và 3.500 vịt thương phẩm. Tổng doanh thu từ mô hình năm 2015 là 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 19 lao động làm việc thời vụ theo mùa.
Để cây sinh trưởng, phát triển nhanh và năng suất cao, anh đã tận dụng nguồn nước tại hồ Trại Tiểu mạnh dạn đầu tư 250 triệu đồng lắp đặt đường ống kèm theo hệ thống tưới nước phun mưa tiết kiệm.
Không những làm vườn giỏi mà vợ chồng anh còn rất chịu khó làm nhiều nghề. Những lúc có thời gian, đôi vợ chồng trẻ lại cùng nhau đi thầu công trình xây dựng, cơ khí nhằm tăng thêm nguồn thu nhập để quay vòng vốn tiếp tục đầu tư vào phát triển trang trại của mình. Đặc biệt, đầu năm nay (2016), vợ chồng anh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để mở cửa hàng hoa quả sạch tại thành phố Hà Tĩnh . Đây vừa là cách để tiêu thụ các sản phẩm vừa là cách để giới thiệu sản phẩm sạch của mình đến người tiêu dùng.
Nhìn trang trại 5ha mênh mông bởi một màu xanh, những cây ăn quả đang ra hoa kết trái, những đàn gia cầm xuất bán thường xuyên, càng khâm phục hơn ý chí, nghị lực, vượt khó vươn lên làm giàu của đôi vợ chồng trẻ./.
Phan Thắm – Huyện đoàn Can Lộc