Người đương thời

Hà Tĩnh: Chàng Sinh viên năm thứ 2 bỏ đại học về làm trang trại

Đó là trường hợp Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1991, SV K34 ngành Đông Phương học, Khoa: Sử, Trường ĐHKH Huế) đã quyết định bỏ giảng đường ĐH để về quê lập trang trại trồng thanh long ruột đỏ và chăn nuôi gia súc. “ Thật ra đây là một quyết định vô cùng khó khăn. Ngoài xã hội, hầu hết HS học xong lớp 12, cổng trường ĐH vẫn là mơ ước. Quê cháu được mệnh danh “đất học” thì Đại học  là khát vọng của con em nông dân lao động.

Biết mình…

Khi cháu quyết định bỏ học, bạn bè trong lớp, cô Nguyễn Thị Hợi- GV chủ nhiệm K34 khuyên can, đặc biệt bố  hơi bị “ sốc”, cứ ngỡ là em bị kỷ luật rồi nói dối bố mẹ, khiến Người phải vào điều tra rồi sau mới gật đầu đồng ý”. Dũng cởi mở

hatinh24h 01

Nguyễn Tiến Dũng với trang trại thanh long

Bỏ học cuối năm thứ 2, khi đã đi được một nửa chặng đường, đã hoàn thành gần một nửa chứng chỉ và hiển nhiên tiêu tốn một khoản tiền bạc của gia đình, không lãng phí sao? “ Cháu biết là lãng phí, nhất là lãng phí thời gian. Trước đây học phổ thông cháu mơ ước làm giàu và nghĩ rằng con đường ĐH sẽ giúp mình điều này. Nhưng vào ĐH, năm đầu, học Đại cương, toàn những vấn đề xa lạ. Lên giảng đường, làm cái máy chép. Về phải học thuộc. Lại môn ngoại ngữ, cháu mất gốc từ hồi học phổ thông, nên vào ĐH, cháu ngộ ra  con đường học vấn không phải là năng lực, sở trường của mình. Cháu thấy mỗi ngày ngồi trên giảng đường là nóng ruột, khi cuộc sống bên ngoài sôi động, hấp dẫn, quyến rũ. Nhận ra con đường học thuật phải dành cho những trí tuệ siêu việt, nên cháu quyết định dừng lại nửa đường. Dừng lại khi chưa muộn.”. Dũng bộc bạch.

Dũng bỏ học không phải vì gia đình không đủ chu cấp, mà chính là Dũng lắng nghe, phát hiện được năng lực, sở trường của chính mình. “ Vả lại  4 năm ĐH, ăn cơm bụi, không kiểm soát được VSATTP, cháu lo nhất là cầm được cái bằng rồi đổ bệnh, vì 4 năm ăn uống mất vệ sinh. Nên kinh hãi lắm đành chia tay giảng đường”. Dũng bức xúc.

Nếm trải nhiều thất bại

Cuối năm thứ 1, Dũng đã cùng ba người bạn thuê quán trên đường Nguyễn Huệ, TP Huế mở Cà phê sinh viên Nhưng 6 tháng phải đóng cửa, vì không có lãi, sau đó, táo bạo hơn, buôn gỗ dưới cảng Chân Mây, Lăng Cô, Huế, mất cả chì lẫn chài. Nợ 300 triệu đồng. Không nản, mạo hiểm lao vào bán hàng đa cấp ở Huế, Vinh.  Mùa hè, rong ruổi Huế rồi Vinh. Chỉ 4 tháng  “ tan đàn sẻ nghé”, nợ thêm 100 triệu. “ Vốn liếng còn lại cái xe máy, cháu bán được 30 triệu đồng, rồi vào Bà Rịa- Vũng Tàu tìm hiểu giống thanh long ruột đỏ. Trở về, trồng thử nghiệm, thấy hợp với đất vườn nhà. Nhưng khi đó, có người rủ đi Quảng Ninh làm than thổ phí, nên máu me nổi lên lại vác ba lô đi. Ra Quảng Ninh vừa học, vừa làm, có thu nhập nhưng mạo hiểm, không thấy bền vững nên chỉ được 6 tháng bỏ về quê.  Cuối năm 2013, mới quyết định ở hẳn lại quê làm trang trại, không đi đâu nữa, sau khi ôm cục nợ 400 triệu đồng”. Dũng cởi mở.

Trả hết nợ. Nhận giải thưởng Lương Đình Của

Trở về quê, gần 100 gốc thanh long ruột đỏ, không chăm sóc vẫn cho thu nhập, nên Dũng nhanh chóng đầu tư trồng thêm 800 gốc và giữa năm 2014 trồng thêm 700 gốc. Vì phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, nên thanh long ruột đỏ phát triển tốt cho thu hoạch. Bố mẹ Dũng cho biết, cuối năm 2014, mùa quả đầu thu hoạch được 1 tấn cho thu nhập 30 triệu đồng. Tháng 7 /2015 được 3 tấn, thu nhập được 100 triệu đồng. Hiện nay 2 hecta vườn đồi đã phủ hết thanh long.  Dũng còn phát triển gia cầm, gia súc. Đàn gà hàng trăm con ; đàn bò và dê hàng chục con cho thu nhập khá, đủ để Dũng trang trải hế khoản nợ nần trước đây.

Hương Sơn là huyện miền núi nổi tiếng với đặc sản cam bu với nghề nuôi hươu. Nhưng Dũng không đầu tư vào hươu với cam bù. “ Cam bù giá cao nhưng cây ăn xổi ở thì. Từ khi trồng đến khi thu hoạch mất 4 năm. Nuôi hươu, đầu tư chuồng trại với con giống cũng mắc, mà sản phẩm đầu ra rớt giá, không có lãi, trong khi đó, bò và dê lúc nào cũng bán được không lo thị trường tiêu thụ. Giống thanh long ruột đỏ, dễ trồng, cỏ không phải cuốc, thuốc không phải phun, đầu tư ít mà năng suất và lãi lại cao”. Dũng cho biết.

Cũng theo Dũng hiện nay thị trường tiêu thụ thanh long không chỉ tại chỗ mà một số nơi ở Hà Nội đã đặt hàng cho Dũng, nhưng số lượng chưa đủ để cung ứng. Dũng đã cấp giống, tư vấn kỹ thuật cho các bạn đoàn viên thanh niên ở quê trồng thanh long nhưng chưa ai phát triển thành trang trại. Dũng mong ước tại quê hương có nhiều bạn trẻ đầu tư làm trang trại thanh long như Dũng mới có thể đáp ứng được thị trường tiêu thụ hiện nay.

Chị H. (bán hàng hoa quả tại Phố Châu) cho biết: “ Thanh long của Dũng mẫu mã đẹp. Ruột đỏ, thơm ngọt. Nên khách hàng ưa chuộng mua vào các dịp lễ tết. Thanh long của Dũng là hàng sạch, mua tại vườn, kiểm tra được, giá cả lại phải chăng, nên rất nhiều khách hàng lựa chọn vì an tâm”.

Chỉ hai năm bỏ đại học về quê, Dũng làm được điều phi thường. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải- Phó Bí thư huyện Đoàn Hương Sơn cho biết: “ Điều đặc biệt ở Dũng là đam mê. Suốt ngày ở trang trại, không thanh long thì cũng chăm lo đàn gia súc. Lòng đam mê là cội nguồn lý giải thành công của Dũng”.

Từ thành công của Dũng, huyện đoàn huyện Hương Sơn đã khuyến khích, nhân rộng điển hình, lấy tấm gương của Dũng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương bằng trí tuệ mồ hôi lao động của mình để cho thanh niên nhất là thanh niên trường học noi gương. Tháng 7 năm 2015, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao cho Nguyễn Tiến Dũng giải thưởng Lương Đình Của- Giải thưởng danh giá dành cho thanh niên nông thôn có những thành tích xuất sắc

TS Trần Đình Châu (thứ 3 từ phải sang) cùng các Đ/c lãnh đạo huyện đoàn Hương Sơn

chụp ảnh với Nguyễn Tiến Dũng (thứ 4 từ trái sang) tại trang trại thanh long ruột đỏ.

Trang trại của Dũng ở Nam Nhe, Sơn Tây cách xa trung tâm thị trấn Phố Châu, nhưng nhiều cán bộ về công tác nghe tin đã tìm đến trang trại. Gần đây, TS Trần Đình Châu; Vụ trưởng; Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực Bộ GD&ĐT cùng các Đ/c lãnh đạo huyện đoàn Hương Sơn đến thăm trang trại của Dũng . “Thành công của Dũng gợi mở hiều vấn đề về hướng nghiệp, dạy nghề, về con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên hiện nay…”.  TS Trần Đình Châu nói.

Còn Dũng mỉm cười và chỉ vào mảnh đất ngay dưới chân mình: “ Năng lưc, sở trường của cháu là ở đây! Đây mới chính là trường ĐH của cháu!”

Lê Văn Vỵ/ Hương Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP