Di tích - Thắng cảnh

Ảnh hưởng của yếu tố thời đại đến sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du

Về mặt lý luận văn  học cho thấy, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ với nhau. Cuộc đời là nền tảng cho sự nghiệp sáng tác. Lịch sử khoa học không những nghiên cứu ngôn ngữ trong từng giai đoạn mà còn cung cấp cho người đọc những đóng góp quan trọng của một tác gia trong thời đại về phương diện cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. Theo dòng lịch sử tác phẩm văn chương luôn chịu sự thử thách chọn lọc khắc nghiệt của thời gian và nhiều tác phẩm rơi vào quên lãng. Dường như ngược với quy luật ấy, có những tác giả và tác phẩm lại không ngừng được bàn luận qua các thời kì lịch sử. Cuộc đời và tác phẩm của họ mang nhiều tâm tư sâu sắc, quy tụ được nhiều vấn đề xã hội, có thể dự báo một điều gì cho hậu thế. Đại thi hào Nguyễn Du và các tác phẩm của người là một minh chứng điển hình cho việc phản ảnh bức tranh chân thực của xã hội và dự cảm cho mai sau.

 hatinh24h hatinh24h 01

Khu di tích Nguyễn Du tại làng Tiên Điền

Thời đại theo nghĩa rộng, thời đại là một khái niệm chính trị – kinh tế  – xã hội khái quát tiến trình phát triển của lịch sử loài người, là thời gian rất dài để chỉ sự phân kỳ lịch sử xã hội và để phân biệt những nấc thang phát triển của hình thái kinh tế xã hội mà theo đó nấc thang cao hơn, tiến bộ hơn sẽ phủ định nấc thang cũ, lạc hậu để mở đường cho sự phát triển một thời đại mới. Theo nghĩa hẹp thì thời đại được hiểu là khái niệm về thời gian để chỉ xu thế và nội dung phát triển trên các phương diện kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ…Thời đại chính là cơ sở, là nền tảng bồi đắp nên những tâm hồn lớn, những nhà văn, nhà thơ lớn. Mặc khác, nhà văn, nhà thơ phải biết đời sống xã hội của thời đại, phải sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, phải sống và thấu hiểu nhân tình thế thái, hiểu những thăng trầm lịch sử, những cuộc bể dâu…để đồng cảm và biến nó thành nguồn cảm hứng trong những đứa con tinh thần của mình.

Khu vực Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh đang được sửa chữa

Đại thi hào Nguyễn Du sinh ra trong thời đại có nhiều biến động dữ dội (cuối thế kỉ XVIII — đầu thế kỉ XIX). Xã hội phong kiến Việt Nam đã đi đến hồi kết của sự khủng hoảng. Nền kinh tế hàng hóa phát triển cho thấy sức mạnh của đồng tiền, cũng như tư tưởng phóng khoáng của tầng lớp thị dân, đồng tiền và quyền lực chi phối các giá trị của cuộc sống, trở thành mục tiêu để vua quan trành giành quyền lợi, chém giết lẫn nhau, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên miên, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn “Một phen thay đổi sơn hà”. Sau đó, phong trào Tây Sơn thất bại, chế độ phong kiến triều Nguyễn được thiết lập. Đại thi hào đã sống qua ba thời đại: Lê – Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, trãi qua những cuộc binh biến tàn khốc của các tập đoàn phong kiến và các cuộc khởi nghĩa đòi quyền sống của tầng lớp nông dân. Ông đã chứng kiến tận mắt cảnh bãi bể hóa nương dâu, cảnh sống xa hoa, đồi trụy cũng như sự thống trị dã man, tàn ác của giai cấp phong kiến, cảnh đau khổ vì nghèo đói, cảnh đày đọa và những áp bức bất công của đại đa số quần chúng Nhân dân…

“…Thướng thiên há địa giai bất khả,

Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi ?

Thành quách do thị, nhân dân phi,

Trần ai cổn cổn ô nhân y.

Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa,

Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quỳ.

Bất lộ trảo nha dữ giác độc,

Giảo tước nhân nhục cam như di…!”

                 (Phản chiêu hồn)

Dịch nghĩa:

“Dù đất thấp trời cao chẳng ổn,

Yên, Dĩnh đành lạc lõng như nhau.

Thành đây, dân cũ còn đâu,

Bụi đời mù mịt dơ màu áo xưa.

Ra xe đưa, vào ngồi chễm chệ,

Bàn bạc xem ra vẻ hiền thần.

Vuốt nanh, nọc độc chứa ngầm,

Thịt người cắn xé như đường nuốt ngon!”

Chính những thay đổi kinh thiên động địa của lịch sử cũng khiến cuộc đời Nguyễn Du cũng chao đảo, khi nương nhờ anh trai cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản, khi nương nhờ anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn. Mười năm lưu lạc ăn nhờ ở đậu quê vợ là những năm tháng cô đơn cùng cực của Nguyễn Du, đói không cơm ăn, rét không có áo mặc. Ông gọi quãng thời gian này là “Mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần). Thường ngày ông làm thơ than thở cho cảnh ngộ của mình, chưa làm nên danh vọng gì đã rơi vào cảnh cùng khổ. Đau đớn trước thời cuộc, lại hổ thẹn vì bản thân chưa làm được gì lại chịu cảnh nương nhờ ở đậu nên mới 30 tuổi mà tóc người đã bạc trắng:

” …Mười năm trọn quê người nấn ná
  Nương quê người tóc đã điểm sương”

                                       (U cư)

Minh họa truyện Kiều (internet)

Rời quê vợ, ông trở về quê hương Tiên Điền. Phủ tể tướng huy hoàng năm xưa nay nhà cửa tan hoang, anh em lưu tán khắp nơi, ông đã phải thốt lên: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (trở về Hồng Lĩnh gia đình không còn anh em lưu lạc khắp nơi). Cuộc sống phiêu bạt, khốn khó trăm bề đã đem lại cho ông vốn sống thực tế phong phú, cùng với tài năng chưa được phát huy, ông bắt đầu suy ngẫm nhiều về xã hội, về thân phận con người. Những năm tháng lênh đênh với thời cuộc, với cuộc sống gian nan của chính mình cũng như chứng kiến cuộc sống của Nhân dân, nhất là chứng kiến những nhiễu nhương của thời cuộc khiến ông không khỏi giật mình thảng thốt: “Trãi qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đó chính là tiền đề, là vốn sống quan trọng để ông phát huy tài năng thiên bẩm của mình sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị. Đặc biệt, những năm tháng lăn lộn cùng Nhân dân, ông còn có dịp học hỏi, thu nhặt được nhiều vốn ngôn ngữ dân gian, đây là tri thức quý báu để tạo nên cốt cách riêng của đại thi hào, ông đã thổi hồn thơ lục bát của dân tộc đạt đến trình độ tuyệt đại, tuyệt mỹ qua tác phẩm truyện Kiều. Đúng như lời Mộng Liên Đường Chủ Nhân nhận xét về Truyện Kiều “… Xem chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẩn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh gảy xong mà oán hận vẩn còn chưa hả, thì dẩu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thắm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn Trường Tân Thanh cũng phải.”

Giáo sư Nguyễn Lộc đã từng nhận định: “Có thể tìm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du từ Thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, Văn chiêu hồn. Nguyễn Du trở thành vĩ đại chính vì Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa. Mặc dù xuất thân từ giai tầng quý tộc, nhưng Nguyễn Du lăn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng, đã lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng…Thơ Nguyễn Du dù viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều đạt đến trình độ điêu luyện… Nguyễn Du vẫn chỉ là một nhà thơ dừng lại trước ngưỡng cửa của chủ nghĩa hiện thực”.  Nói đến thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du ta không thể không nhắc đến Truyện Kiều. Chính bản thân ông và các yêu tố quê hương, gia đình và thời đại đã mang lại cho dân tộc Việt Nam một đại thi hào dù sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt nhưng phải trãi một đời nhiều long đong, lưu lạc để rồi từ đó chắt chiu mật ngọt, hiến dâng cho đời những tác phẩm chan chứa tình đời, tình người nhưng cũng rất điêu luyện về nghệ thuật. Đọc tác phẩm của ông, ta như thấy được một thi nhân thâm thuý, trãi đời, ở đó, lòng nhân ái, sự nóng bỏng khát khao cuộc sống bình yên cho dân tộc, cho Nhân dân mà trước hết là cho thân phận những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc như giọt máu đào nhỏ ra từ ngòi bút tài hoa./.

THIỆN NGUYÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP