Pháp luật

Tại sao người ở Tịnh thất Bồng Lai quỳ lạy bị can Lê Tùng Vân?

Bị can Cao Thị Cúc khai việc quỳ lạy bị can Lê Tùng Vân vì tôn sùng ông này là người có "đức hạnh ngang với Phật" nên các ngày lễ Tết, ngày rằm, mọi người đều quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính!

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Long An đã ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố nhóm bị can tại Tịnh thất Bồng Lai.

Theo đó, bị can Lê Tùng Vân (90 tuổi) cùng 5 đồng phạm bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo điều 331 Bộ luật hình sự).

Bị can Lê Tùng Vân trước khi bị khởi tố (Ảnh: X.H.).


Trong vụ án này, bị can Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ khu đất Tịnh thất Bồng Lai), là một trong những "trợ thủ" đắc lực giúp bị can Lê Tùng Vân thực hiện hành vi trái pháp luật.

Bị can Cúc khai tới các dịp lễ Tết, ngày rằm, những người tại Tịnh thất Bồng Lai quỳ lạy bị can Lê Tùng Vân. Lý giải việc làm này, bị can Cúc cho biết vì tôn sùng bị can Lê Tùng Vân là người có đức hạnh ngang với Phật nên mọi người đều quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính...

Kết luận điều tra xác định, bị can Cúc là người thực hiện những chỉ đạo của bị can Lê Tùng Vân. Theo đó, bị can Cúc có hành vi mạo danh, mạo xưng, gây mất an ninh trật tự địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh uy tín của Phật giáo, gây bức xúc trong giới tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo và dư luận xã hội.

Bị can Cao Thị Cúc (Ảnh: X.H.).


Theo kết luận điều tra, từ năm 2019, bị can Lê Tùng Vân chỉ đạo bị can Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên cùng đồng phạm khác tạo ra các tài khoản mạng xã hội, trong đó có hai kênh YouTube "5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ" và "Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official".

Những tài khoản này đăng tải các video clip chứa nội dung vi phạm pháp luật nhằm mục đích để cộng đồng mạng trong và ngoài nước xem, chia sẻ, bình luận, tạo sức lan truyền nhanh chóng gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa (Long An), tổ chức Phật giáo, danh dự, nhân phẩm của Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TPHCM).

Diễn biến vụ việc

Ngày 3/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa (Long An) ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự.

Ngày 4/1, nhận tin báo về việc nhóm người nhận tiền từ thiện, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra bắt quả tang và tổ chức khám xét tại nhà bà Cao Thị Cúc (SN 1960, chủ Tịnh thất Bồng Lai); đồng thời làm việc một số người để làm rõ hành vi sai phạm.

Ngày 5/1, cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với 4 người ở Tịnh thất Bồng Lai, gồm: Lê Tùng Vân (SN 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991) và Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995) để điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tháng 2 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Hòa có quyết định chuyển vụ án Tịnh Thất Bồng Lai đến Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 12/5, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An khởi tố bị can đối với bà Cao Thị Cúc để điều tra cùng tội danh với nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai.

Ngày 27/5, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1999) để điều tra cùng tội danh với nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai.

Tác giả: Xuân Hinh - Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP