Kinh tế

Nữ tỷ phú Vietjet nói gì về đối thủ mới Bamboo Airways?

CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo tự tin vào vị thế của doanh nghiệp mình khi được hỏi về đối thủ mới Bamboo Airways. Bà nhận định đó là tín hiệu tốt của thị trường.

Tham quan triển lãm chuyên đề công nghệ năng lượng cho phát triển bền vững bên lề Diễn đàn kinh tế Việt Nam ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ gặp nữ tỷ phú USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air.

Đưa tay lên chào, Thủ tướng hóm hỉnh: “Chúc mừng chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways”. Đáp lại Thủ tướng, CEO Vietjet Air mỉm cười.

Gặp Zing.vn bên lề diễn đàn, bà Phương Thảo từ chối hầu hết câu hỏi của phóng viên, nhưng lại tỏ ra vui vẻ khi được hỏi về đối thủ mới cất cánh Bamboo Airways.

Sáng 16/1, hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đã cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ Sài Gòn đi Hà Nội. Phân khúc mà Bamboo Airways nhắm đến là ở tầm trung cấp.

Nói về "tân binh" trên thị trường hàng không, bà Thảo nhận định đó là tín hiệu tốt của thị trường.

“Môi trường kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng tốt, hoạt động hàng không cũng vậy, có sự tăng trưởng rất cao. Việc tham gia của các hãng khác là tín hiệu tích cực”, bà nói.

Theo bà, việc có đối thủ mới gia nhập là bình thường của thị trường, có thêm cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Việt Hùng.

Nữ tỷ phú hàng không cũng đưa ra ví dụ ở Thái Lan có đến 40 hãng bay, trong khi Việt Nam mới chỉ có rất ít hãng.

Khi được hỏi về việc bà có lo ngại đối thủ sẽ giành mất thị phần của VietJet hay không, bà Thảo trả lời ngắn gọn và tự tin về vị thế của doanh nghiệp mình. Bà nói rằng doanh nghiệp của bà đã nắm 50% thị phần của Việt Nam. "Vị thế của Vietjet rất khó thay thế, rất khó bị đẩy lùi”, bà Thảo nhấn mạnh. “Những gì mà Vietjet Air làm trong 6 năm bằng cả ngành hàng không làm trong 63 năm”.

Ngay tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, CEO Vietjet phàn nàn về việc doanh nghiệp của bà bị đối xử không công bằng.

“Hai hãng hàng không cùng bị sự cố đáp xuống sân bay Cam Ranh như nhau, cách nhau 4-5 tháng, nhưng chúng ta thấy giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước bị phản ứng khác nhau. Tất nhiên ta thấy có thể khác nhau về kỳ vọng, hoặc là sự ứng xử quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi muốn có cái nhìn tin tưởng hơn và công bằng hơn”, bà Thảo nói.

CEO Vietjet mong muốn doanh nghiệp bà được đối xử công bằng, bình đẳng, đặc biệt là việc đưa tin, tuyên truyền một cách khách quan, không để hình ảnh của doanh nghiệp tư nhân xấu xí, ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội.

Vietjet Air là hãng hàng không tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, đang khai thác 60 tàu bay, vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách/năm, với 105 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế.

Thành lập năm 2007, Vietjet Air có chuyến bay đầu tiên vào năm 2011 và ghi nhận tăng trưởng doanh thu trung bình năm khoảng 46% trong 3 năm gần nhất. Sau 7 năm hoạt động, hãng hàng không này đã thâu tóm 45% thị phần nội địa.

Trong cuộc họp thường niên hồi tháng 4/2018, đáp lại sự lo lắng của cổ đông về áp lực cạnh tranh trong tương lai lần, bà Phương Thảo cho biết: "Không dễ dàng để vận hành một doanh nghiệp hàng không ở Việt Nam... Cứ thử và bạn sẽ thấy nó khó ra sao".

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP