hatinh24h 01
Ảnh: VGP/Thu Cúc

Ngày 6/8, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo thông tin chính thức về hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và giá trị xuyên thời đại”.Hội thảo hướng đến những tìm tòi mới, từ phát hiện văn bản, đến diễn dịch văn bản (bao gồm cả dịch thuật, lý giải và đọc mới những cách diễn dịch trước đây) về các tập thơ chữ Hán và kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hội thảo tập trung vào 2 chủ đề lớn, thảo luận ở 2 tiểu ban, trong đó Truyện Kiều được đặt riêng thành một tiểu ban và là trọng tâm của hội thảo.

Tiểu ban 1 thảo luận về Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du – nhìn từ trong và ngoài quốc gia, sẽ bao gồm những phát hiện các tư liệu mới của lịch sử, văn hiến Việt Nam, cũng như Trung Hoa và khu vực Đông Á liên quan đến thời đại, cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du. Tìm hiểu các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du theo hướng đọc sâu, kết nối với sinh hoạt văn chương dân tộc, với giao lưu văn hoá văn chương khu vực đương thời. Đánh giá di sản tổng thể của Nguyễn Du ở tính song ngữ, song văn hoá bằng những gợi ý của các nghiên cứu Đông Phương học quốc tế.

Tiểu ban 2 sẽ thảo luận về Truyện Kiều – những phương thức diễn dịch, chuyển hóa. Các nhà nghiên cứu sẽ thảo luận về Truyện Kiều dưới góc độ nhìn từ nguyên bản và quá trình diễn hóa cốt truyện gốc trong đặc thù vùng văn hóa Đông Á, cũng như trong lịch sử giao tiếp văn chương nhân loại. Đồng thời, đề cập đến các thông tin từ các nghiên cứu quốc tế về việc dịch, giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ dân tộc khác.

Ngoài việc khẳng định tôn vinh tài năng và những đóng góp to lớn của đại thì hào Nguyễn Du đối với nền văn học, văn hóa Việt Nam và nhân loại, hội thảo khoa học lần này còn là dịp mở rộng giao lưu, quảng bá các giá trị tinh hoa của văn học cổ điển Việt Nam, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, động viên nhiều nguồn lực tích cực tham gia vào việc bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập.

Ban tổ chức đã nhận được gần 100 tham luận, trong đó có 13 tham luận của các học giả nước ngoài đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Sau hội thảo, các tham luận sẽ được đưa vào một cuốn kỷ yếu xuất bản trong năm 2016, trở thành nguồn tư liệu tham khảo hữu ích.

Thu Cúc/ Chính Phủ