Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Xây dựng trường chậm tiến độ, giáo viên phải “gồng mình” giữ trò

Bị đình chỉ kéo dài.

Sau gần 20 tháng triển khai xây dựng, đến nay Trường Mầm non xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mới đổ xong tầng 2. Việc thi công chậm tiến độ đã gây ra nhiều hệ lụy cho đội ngũ giáo viên và các bậc phụ huynh.

Theo đó, công trình Trường Mầm non xã Xuân Yên được thiết kế 2 tầng 6 phòng,  do bà Mai Thùy Linh (TP. Hồ Chí Minh) là tài trợ chính với số tiền 5,3 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây dựng Trần Phú (có địa chỉ tại xóm 9, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là đơn vị thi công, được khởi công xây dựng từ tháng 7/2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Trường Mầm non Xuân Yên được khởi công xây dựng từ tháng 7/2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Do bị gián đoạn dài ngày, lại phơi mình giữa trời mưa nắng, nên nhiều chỗ đã bị rêu phong, nhiều vật tư như hệ thống dây điện có nguy cơ bị thất thoát. Đặc biệt là môi trường đầu tư bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Một người dân ở gần trường cho biết, công trình này triển khai xây dựng được khoảng 5 tháng thì phải dừng lại vì lý do chưa hoàn thiện về mặt hồ sơ. Mãi đến tháng 8/2016 mới tiếp tục xây dựng lại. Đáng lẽ bàn giao vào hè 2016, nhưng bước sang 2017 rồi vẫn chưa thể hoàn thành.

Về nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ này, chủ tịch UBND xã Xuân Yên, ông Trần Anh Khoa chia sẻ: “Nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư, kiểm tra nguồn vốn và một số hồ sơ chưa đảm bảo”.

“Đây là công trình xã hội hóa, hơn nữa là đơn vị hưởng lợi nên chúng tôi không thể ép họ (chủ đầu tư và đơn vị thi công) được, mặc dù việc chậm trễ trong công tác thi công có ảnh hưởng nhất định đến môi trường giáo dục của địa phương”, vị chủ tịch nói thêm.

PV đặt vấn đề là trong quá trình đó, địa phương có đôn đốc gì không? ông Khoa cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với huyện và đơn vị thi công nhiều lần rồi, có nhiều cuộc họp và nhiều văn bản đã được xác lập. Lần này họ cam kết hết quý I/2017 sẽ hoàn thành nhưng khả năng sẽ chậm”.

Lý giải về việc chậm tiến độ, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Trần Phú, ông Trần Văn Thuyết chia sẻ: “Đầu tiên, khi triển khai dự án, tiến độ xây dựng rất nhanh. Sau đó phía huyện Nghi Xuân yêu cầu chứng minh tài chính, đủ thứ v.v., rồi đình chỉ kéo dài mãi cho đến ngày 24/7/2016 mới giải quyết xong vướng mắc giữa nhà tài trợ với huyện và địa phương”.

“Từ tháng 8/2016, bắt đầu tiến hành xây dựng tiếp thì gặp mưa gió triền miên mất mấy tháng trời. Hiện tại đã xây xong tầng 2 và đổ mái. Sau rằm tháng Giêng sẽ tiếp tục làm. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2017 sẽ bàn giao.

Trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Công trình này được đầu tư, hỗ trợ hoàn toàn, họ làm huyện bực lắm nhưng gần xong rồi thì phải để cho họ làm chứ biết làm sao được. Muốn đình chỉ lắm rồi nhưng giờ cũng phải gia hạn cho họ làm tiếp. Theo cam kết mới đây của họ với xã và huyện thì 28/2 sẽ xong”.

Nói về nguyên nhân của việc chậm tiến độ, ông Hùng chia sẻ: “Chuyện đó giờ không thể nói qua điện thoại được, trước mắt là động viên để họ làm cho xong để cho con em học, chứ không mổ xẻ sâu nữa. Mong muốn của nhính quyền cũng như người dân là có ngôi trường đảm bảo để cho con em học, chứ giờ nói ra cũng không giải quyết được gì cả”, ông Hùng nói thêm.

Phải “gồng mình” chăm trẻ.

Trường Mầm non Xuân Yên có tổng số 29 giáo viên, trong đó 7 giáo viên hợp đồng và 8 nhóm lớp. Cụ thể: 2 lớp 5 tuổi (73 cháu); 3 lớp 4 tuổi (102 cháu); 2 lớp 3 tuổi (76 cháu) và  1 lớp nhà trẻ (44 cháu). Vì điều kiện đang xây trường nên có 1 lớp 4 tuổi phải học tạm tại phòng âm nhạc.

Một giáo viên của trường cho biết: “Hiện tại phòng học đang thiếu nên các cháu phải học, ăn, ngủ tại chỗ. Nhà trường không giám huy động thêm, phụ huynh thì muốn đưa các cháu đến trường nhưng thấy không đảm bảo nên thôi”.

Hiện tại phòng học đang thiếu nên các cháu phải học, ăn, ngủ tại chỗ.

“Nan giải nhất là công tác vệ sinh. Hiện tại, 4 phòng học không có vệ sinh khép kín nên các cô phải mua thêm bô, xô để cho các cháu đi vào, xong rồi xách ra nhà vệ sinh phía sau để đổ. Vất vả cho cả cô lẫn trò”.

Dãy phòng học này không có vệ sinh khép kín nên các cô phải mua thêm bô, xô để cho các cháu đi vào, xong rồi xách ra nhà vệ sinh  phía sau để đổ.

Chị Mai Thị H, 28 tuổi, cho biết: “Là một công chức làm việc trên địa bàn huyện, tôi rất muốn cho cháu đến lớp. Nhưng vì cơ sở vật chất của nhà trường không đảm bảo nên đành phải thuê người đến trông”.

Nói về khó khăn, bà Bùi Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với chúng tôi, một viên gạch đưa về cũng rất đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên,việc xây dựng kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ năm học. Phòng học chật, không có đủ lớp cho các cháu. Tỷ lệ huy động của nhà trường không đạt yêu cầu”.

“Nếu có phòng học, nhà trường sẽ có cơ sở đề xuất xin thêm giáo viên để huy động trẻ 2 tuổi nhằm đảm bảo chỉ tiêu của tỉnh, của huyện là ưu tiên huy động 35% trẻ cho nhà trẻ. Còn hiện tại, nhà trường chỉ có thể dành cho mẫu giáo thôi”.

Vị hiệu trưởng cho hay, diện tích xây dựng nằm trên vị trí phòng học cũ ngày xưa đập đi, cho nên khuôn viên nhà trường bị thu hẹp lại. Vì thế, vấn đề an toàn cho trẻ được đặt lên hàng đầu, các cô buộc phải “gồng mình” để trông trò.

Mong rằng nhà tài trợ, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để cô trò sớm ổn định, khuôn viên và các hoạt động của nhà trường được thận lợi hơn.

Trần Hoàn – Hải Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP