Hương Khê

Hà Tĩnh: Quy hoạch bãi chôn lấp rác thải là cần thiết

Xây dựng dự án xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp thiết tại các địa phương vùng nông thôn. Tuy nhiên, gần đây nhiều người dân tại xã Hương Thủy và xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã tập trung lên một ngọn đồi (nơi quy hoạch bãi rác) để phản đối việc thi công dự án vì còn lo ngại bãi chôn lấp rác thải đang xây dựng tại địa phương sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Người dân vẫn còn lo ngại

Theo ghi nhận của PV vào ngày 15/2, tại khoảnh 4, tiểu khu 186 cách Quốc lộ 15A gần 4km, cách khu dân cư gần 1km (thuộc địa bàn xã Hương Thủy) giáp ranh với xã Hà Linh thì có hàng chục người dân đang tập trung tại hiện trường để ngăn cản việc thi công bãi chôn lấp rác thải.

Theo người dân nơi đây cho biết, thì lý do phản đối việc thi công này là do bãi chôn lấp rác này nằm trên đồi cao, lo ngại trong tương lai nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của những người sống xung quanh đây. Mà theo người dân nguyện vọng thì nếu làm bãi chôn lấp rác thì cần phải được đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về môi trường cũng như không ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

Bác Minh, người dân xóm 6, xã Hà Linh nói: “Quy hoạch bãi rác này đã từ lâu nhưng chúng tôi không được trưng cầu ý kiến, cũng không thể biết được việc xây dựng dự án này là để tập kết rác hay xử lý, hay chôn lấp nữa, dân chúng tôi vô cùng hoang mang và lo ngại về sức khỏe cũng như môi trường sống sẽ bị đe dọa”.

Ví trí xây dựng dự án chôn lấp rác thải

“Có hơn 200 hộ dân của xã Hà Linh và 33 hộ dân của xã Hương Thủy phản đối việc xây dựng này vì đây là khu vực đồi núi nên người dân đang quan ngại có thể phần lớn diện tích đất canh tác của thôn sẽ sản xuất được nữa. Đồng thời lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến mạch nước ngầm…” –  Anh Phan Hải Thắng, Bí thư xóm 6, xã Hà Linh chia sẻ.

Được biết, dự án nhà máy rác thải sinh hoạt trên nằm hoàn toàn trên địa phận xóm 13, xã Hương Thuỷ, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, được chia ra 2 giai đoạn.

Đây là dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, tiến hành cấp vốn với quy mô 6,3ha. Sau khi dự án đưa vào sử dụng sẽ giải quyết nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện.

Xây dựng bãi rác là cần thiết

Có thể nói, rác thải nông thôn đang là một báo động và những hệ lụy của nó đang xảy ra trước mắt, qua mức độ gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và vật nuôi; gia tăng các loại bệnh cấp và mãn tính có nguyên nhân từ môi trường bị ô nhiễm. Những bãi rác thiếu quy hoạch vẫn hiện hữu và ngày một nhiều nên việc quy hoạch một bãi rác với hệ thống xử lý hiện đại là rất cần thiết tại Hà Tĩnh nói chung và huyện Hương Khê nói riêng.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông cho biết: “Trước hết phải xác định vì người dân mới làm bãi rác, xây dựng bãi rác này để nhằm thay thế cho bãi rác cũ (vùng Trại Lợn, xã Gia Phố) bị quá tải và chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường. Dự án này được tỉnh phê duyệt sau sự cố môi trường biển ở Kỳ Anh và được xây dựng theo kỹ thuật mới, đúng yêu cầu các bộ tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường từ việc rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố Formosa”. Quá trình triển khai dự án này, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với các xã liên quan thực hiện các bước đảm bảo trình tự theo đúng quy định và đã được các sở, ngành liên quan ở tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Vị trí bãi rác thuộc địa bàn xã Hương Thủy (Khoảnh 4, Tiểu khu 186).

Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện.

Bãi rác cũ ( Trại Lợn, Gia Phố) nay đã xuống cấp

Về các yếu tố kỹ thuật, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó Ban xây dựng cơ bản (Ban A) huyện Hương Khê cho biết: “Giai đoạn 1, gồm các hạng mục như san nền, tuyến đường vào khu xử lý, khu chon lấp rác, khu xử lý nước rác, hệ thống cấp nước và cầu rửa xe và bể chứa nước”.

“Đặc biệt, tại khu chôn lấp rác gồm có 3 ô chôn lấp với diện tích gần 4 ngàn mét vuông, kết cấu các thành ô chôn lấp gồm màng địa kĩ thuật chống thấp dày 2mm, đáy ô chôn lấp tính từ trên xuống gồm lớp cát dày 0,2m, lớp đá dăm dày 0,3m, màng địa kỹ thuật chống thấm HDPE dày 2mm, lớp đất sét dày 0,5m và dưới cùng là lớp đất tự nhiên đầm chặt. Hệ thống thoát nước rỉ rác được bố trí dưới đáy ô chôn lấp, toàn bộ nước thải nước rỉ rác được dẫn về khu xử lý nước thải gồm 3 hồ: hồ lắng, hồ tùy tiện và hồ chứa. Nước thải và nước rỉ rác được xử lý đảm bảo theo quy chuẩn trước khi đổ ra môi trường,  mà theo tiêu chuẩn để đảm bảo từ bãi rác đến khu dân cư là 500m nhưng dự án chôn lấp rác ở thôn 13 xã Hương thủy đã cách khu dân cư là 1200m” – ông Tuấn nói thêm.

“Tuy nhiên để trấn an lòng dân và làm cho người dân hiểu rõ hơn vấn đề tôi sẽ tổ chức đối thoại với người dân 2 xã Hương Thủy và Hà Linh trong thời gian sớm nhất để tránh tình trạng người dân bị các phần tử xấu lôi kéo, kích động gây hiểu nhầm và có những hành động quá khích… làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn” – Chủ tịch huyện thông tin thêm.

Song song với sự phát triển KT-XH là sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu của con người, kéo theo lượng phát sinh rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nên việc quy hoạch một bãi rác mới và có hệ thống xử lý hiện đại là rất cần thiết và cấp bách.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cấp, các ngành cùng cơ quan chức năng vào cuộc đẩy mạnh công tác tư tưởng để cho người dân hiểu để yên tâm sinh hoạt và sản xuất…

Diệp Bình – Hải Yến/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP