Giáo dục - Đào tạo

Cách làm sáng tạo trong sáp nhập trường ở Hương Sơn

Năm học 2014-2015, hơn 230 học sinh (HS) Trường THCS Long Trà (Sơn Long) đã về học chung với các HS Trường THCS Hồ Tùng Mậu (tại xã Sơn Bình), nâng tổng số HS của trường lên con số 639. Thầy Hồ Xuân Hiệu – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau sáp nhập, Trường THCS Hồ Tùng Mậu có quy mô lớn hơn trong khi cơ sở vật chất vẫn chưa được mở rộng nên còn khó khăn. Tuy nhiên, nhờ khai thác tối đa các phòng chức năng, phòng chuyên môn nên đến nay, trường vẫn học 1 ca tập trung vào buổi sáng.

Hương Sơn là huyện miền núi, có địa hình phức tạp, cách trở, tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo, cách làm sáng tạo, nên đến nay, công tác sáp nhập trường tại các xã: Sơn Long, Sơn Bình, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh và Sơn Lễ diễn ra một cách thuận lợi, chất lượng dạy và học của các trường sau sáp nhập được nâng cao.
Cách làm sáng tạo trong sáp nhập trường ở Hương Sơn

Trường Hồ Tùng Mậu tổ chức cuộc thi báo tường chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cũng theo thầy Hiệu, sau khi sáp nhập về trường mới, HS từ Trường THCS Long Trà phải vượt quãng đường trung bình khoảng 6 km, em xa nhất 8 km. Tuy nhiên, HS và phụ huynh vẫn rất phấn khởi, đồng thuận vì trường mới quy mô lớn hơn nên việc xây dựng phong trào, nền nếp được cải thiện. Hơn nữa, cơ sở vật chất tốt hơn nên chất lượng giảng dạy, học tập được nâng lên rõ rệt. Để động viên, khuyến khích HS ở xa yên tâm học tập, thời gian qua, huyện Hương Sơn đã trao 30 xe đạp, 100 suất gạo hàng tháng cho các em.

Khác với Sơn Long và Sơn Bình, 3 xã Sơn Lễ, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng lại tiến hành sáp nhập các trường THCS với tiểu học trong một xã. Thực tế tại 3 xã: Sơn Lễ, Sơn Lĩnh và Sơn Hồng, nếu sáp nhập trường giữa các xã với nhau thì HS đi lại rất xa, vất vả do địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt. Vì vậy, BCĐ huyện đã quyết định nhập trường tiểu học và THCS trong xã. Đây là mô hình mới ở Hương Sơn.

Theo chủ trương ban đầu, Trường THCS Sơn Lễ sẽ sáp nhập với Trường THCS Sơn Tiến. Mặc dù, 2 trường này cách nhau khoảng 4 km, nhưng đây là vùng núi, người dân sống rải rác, nếu sáp nhập có nhiều em phải đi học xa tới 10 km, rất vất vả. Sau khi nắm bắt được tình hình thực tế cũng như tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, HS nên BCĐ của huyện Hương Sơn đã quyết định nhập trường tiểu học và THCS Sơn Lễ. Sau sáp nhập, trường có 415 HS (tiểu học 214 em, THCS 201 em), 40 giáo viên với 18 lớp học.

Theo đánh giá của Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Lễ Nguyễn Quốc Tân, khi sáp nhập, HS đỡ vất vả cũng như có điều kiện học tập tốt hơn. Giáo viên THCS và tiểu học về một trường sẽ hỗ trợ nhau trong chuyên môn. Ví như trước đây, tiểu học thiếu giáo viên tiếng Anh thì nay nhập trường, giáo viên tiếng Anh của THCS sẽ sang dạy… và ngược lại, trước đây, THCS thiếu giáo viên nhạc họa thì nay sẽ có giáo viên nhạc họa của tiểu học giúp đỡ. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhà trường lại vất vả hơn trong việc bố trí giờ dạy, lên lịch khóa biểu và quản lý HS vì tiết, buổi và ngày học của HS 2 cấp khác nhau.

Không chỉ ở Sơn Lễ mà hiện nay, tại 2 xã Sơn Lĩnh và Sơn Hồng, việc sáp nhập trường tiểu học và THCS cũng diễn ra một cách thuận lợi và ổn định.

Việc sáp nhập trường giúp hệ thống trường lớp quy mô hơn, đội ngũ CBCNV hành chính giảm, có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất tập trung hơn, chất lượng giảng dạy được giữ vững. Minh chứng rõ nét nhất là trong kỳ thi HS giỏi khối 9 vừa qua, Trường THCS Hồ Tùng Mậu có 25/41 em dự thi đạt giải, xếp thứ 3 toàn huyện. Còn tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Lễ, dù chỉ mới sáp nhập hơn 3 tháng, nhưng kết quả thi khảo sát đầu năm cho thấy, chất lượng HS được nâng lên, đặc biệt, trong kỳ thi HS giỏi huyện vừa qua, nhà trường có 2 em đạt giải cao.

“Về trường mới, nhờ chất lượng dạy và học được giữ vững nên phụ huynh rất ủng hộ. Khi trường có chủ trương mở rộng khuôn viên, nhân dân đã tình nguyện hiến 3.500m2 đất để trường xây dựng thêm cơ sở vật chất”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Tùng Mậu – Hồ Xuân Hiệu phấn khởi.

Đánh giá về thành công trong công tác sáp nhập trường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đào Duy Sỹ khẳng định: “Để việc sáp nhập được ổn định, phải có sự chuẩn bị sớm, chu đáo và có lộ trình. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, bám dân để nghe tâm tư, ý kiến của bà con, từ đó, đưa ra phương án thích hợp nhất. Xã nào dễ làm trước, khó làm sau để có thời gian thẩm thấu”.

Phúc Quang – Bá Tân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP