Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (2/2/1916-18/12/1985). Được coi là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới,” ông đã để lại cho thi đàn văn học Việt Nam một gia tài nghệ thuật to lớn mà nhà thơ Huy Cận khi viết về Xuân Diệu đã từng thốt lên rằng: “Hơn năm mươi tác phẩm, nửa thế kỷ sáng tạo, cả một cuộc đời phong phú, sống sôi nổi, chân thành, thủy chung rất mực với đời.”
Để có được một Xuân Diệu phong phú, sôi nổi, chân thành và thủy chung rất mực với đời ấy, có lẽ bởi con người Xuân Diệu là sự pha trộn những tính cách tuyệt vời của con người nơi quê cha – Hà Tĩnh và quê mẹ – Bình Định, “Cha đàng ngoài – mẹ ở đàng trong/Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.”
Can Lộc, quê cha Xuân Diệu, từ xưa đến nay luôn được biết đến như một dấu son đỏ thắm trong lịch sử văn hiến của vùng địa linh nhân kiệt Hà Tĩnh. Nơi đây đã nuôi dưỡng biết bao hiền tài cho đất nước từ lãnh đạo cho đến thi nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa như: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Thám hoa Phan Kính…
Niềm tự hào này cũng đã được Xuân Diệu nhắc đến trong thơ của mình “Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát.
Chính bởi sự nghèo khó ấy nên con người nơi đây luôn cần cù, chịu khó vươn lên trong học hành, thi cử. Hình ảnh những ông đồ Nghệ với chiếc chõng tre và con cá gỗ đã trở thành “thương hiệu” của những cô cậu học trò bao đời nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân làng Trảo Nha (thị trấn Nghèn) đã chung sức chung lòng, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; vượt qua nhiều hy sinh gian khổ, đem sức người, sức của và cả máu xương để chống chọi với thiên tai, kháng chiến kiến quốc.
Ngã ba thị trấn Nghèn còn là nơi nhân dân Hà Tĩnh đứng lên biểu tình, đấu tranh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Thị trấn Nghèn cũng nổi tiếng là đất học với nền giáo dục phát triển sớm, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám, phong trào diệt dốt, xóa mù chữ, bình dân học vụ phát triển rộng khắp.
Từ năm 1960 đến nay, giáo dục được đầu tư nhiều, phát triển mạnh, toàn diện, cân đối về quy mô và chất lượng ở các ngành học, cấp học và bậc học. Bốn trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục luôn xếp tốp đầu toàn huyện Can Lộc.
Về thăm Trảo Nha hôm nay, nổi bật giữa Ngã ba trung tâm của thị trấn Nghèn là Nhà văn hóa khang trang của huyện Can Lộc mang tên nhà thơ Xuân Diệu – địa chỉ sinh hoạt, học tập và giao lưu văn hóa của nhân dân trong huyện.
Từ Ngã ba Nghèn, rẽ theo hướng Tây chừng 1km là đến Khu lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu. Nổi bật giữa cánh đồng lúa Xuân là nhà thờ dòng họ Ngô Trảo Nha và nhà thờ Xuân Diệu.
Năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là sự ghi nhận của tỉnh Hà Tĩnh đối với người con ưu tú của quê hương và còn là địa chỉ để những người yêu thơ, nhất là thơ tình lãng mạn giao lưu, học hỏi và khơi nguồn cảm hứng.
Ông Võ Hồng Hải, Bí thư Huyện ủy Can Lộc (Hà Tĩnh), cho biết Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu, huyện Can Lộc phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất kế hoạch tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ với chuỗi chương trình bao gồm hội thảo khoa học, lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật, đồng thời phát hành ấn phẩm tuyên truyền về nhà thơ Xuân Diệu.
Huyện Can Lộc và con cháu dòng họ Ngô Trảo Nha cũng đã tiến hành tôn tạo, trùng tu Khu lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu để đón du khách, bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tưởng nhớ thi nhân./.