Thác Bản Giốc, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng. ẢNH CAOBANG.GOV.VN |
Sau cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), đây là công viên địa chất (CVĐC) thứ hai của Việt Nam được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu.
CVĐC non nước Cao Bằng nằm ở địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội 300 km,với diện tích hơn 3.000 km2, bao gồm 6 huyện Hà Quảng,Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An.
Theo Bộ Ngoại giao, cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 CVĐC toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia.
Đây là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một CVĐC toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
TS Trần Tân Văn, Viện trưởng viện Khoa học, địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết trong hồ sơ gửi đến UNESCO, Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh, CVĐC non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi mà người ta có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây, với các các hóa thạch paleo-env là bằng chứng cho sự kiện tuyệt chủng sinh quyển.
Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất.
“Thực tế mỗi CVĐC toàn cầu của UNESCO đều phải có những nét độc đáo riêng có thì mới có cơ hội được công nhận và mới có thể đóng góp đáng kể vào hoạt động chung của Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO”, ông Trần Tân Văn nhấn mạnh.
"Riêng với trường hợp Non nước Cao Bằng thì UNESCO còn yêu cầu chặt chẽ hơn, vì CVĐC này nằm khá gần CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang, chỉ cách chừng 200 km), và nhìn sơ qua lại cũng là một vùng đá vôi, nên UNESCO yêu cầu chúng ta phải chứng minh được sự khác biệt đáng kể giữa hai khu vực. Và chúng ta có vẻ như đã làm được”, ông Văn cho biết.
Non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 9 dân tộc ít người, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng.
Về giá trị đa dạng sinh học, Non nước Cao Bằng có độ che phủ rừng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi, có loài vượn Cao Vít ở Trùng Khánh nổi tiếng thế giới cùng các hệ sinh thái rừng rêu, rừng lùn...
Địa hình đá vôi ở Non nước Cao Bằng điển hình cho những giai đoạn cuối của chu trình tiến hóa karst, với những tháp karst rời rạc, nổi cao trên nền các thung lũng karst phẳng, rộng, mở, với những hang động chủ yếu đi ngang, vô cùng nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng và đặc biệt, với những hệ thống hồ-sông-hang ngầm khi đầy khi vơi (hệ thống Thang Hen)....
Tác giả: Vũ Hân
Nguồn tin: Báo Thanh niên