Văn hoá Dân gian

UNESCO xem xét công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa

Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) đã khai mạc ngày 24/11 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp.

Đoàn Chủ tịch Kỳ họp thứ 9 Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Tham dự kỳ kọp có 974 đại biểu đến từ 129 quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu. Trong thành phần đoàn, bên cạnh các chuyên gia về công tác bảo tồn di sản, có đại diện lãnh đạo và nghệ nhân của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ, ông José Manuel Rodriguez Cuadros nhấn mạnh Công ước 2003 là một công cụ tạo khuôn khổ bảo tồn sự đa dạng của văn hóa trước bối cảnh quá trình toàn cầu hóa tăng nhanh.

Việc hiểu được di sản văn hóa phi vật thể của nhiều cộng đồng khác nhau giúp thúc đẩy quá trình đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn trọng các cách sống khác nhau.

Yếu tố cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể không phải ở các hình thức thể hiện mà là ở các kho tàng kiến thức và kỹ năng được truyền từ đời này sang đời khác.

Cho đến nay, 161 quốc gia trên toàn thế giới đã tham gia công ước này, cho thấy nhận thức của các quốc gia về tầm quan trọng cần phải bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng như các cam kết về các biện pháp sẽ triển khai.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe các báo cáo định kỳ về tình trạng bảo tồn của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và báo cáo của Ban Thư ký Ủy ban Liên chính phủ về các hoạt động giữa hai kỳ họp.

Theo chương trình nghị sự kéo dài đến ngày 28/11, các đại biểu sẽ lần lượt xem xét các hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu và xin nhận hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn.

Theo thông báo của Ban Thư ký hội nghị, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã nhận được 46 hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tám hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, bốn hồ sơ đề nghị đưa vào Danh sách Thực tiễn bảo vệ tốt nhất và hai hồ sơ đề nghị nhận tài trợ từ Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản của UNESCO.

Hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những hồ sơ được các chuyên gia thẩm định đánh giá cao sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp lần này.

Bên lề phiên họp, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã trao đổi với phóng viên TTXVN về quá trình nghiên cứu, sưu tầm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Theo ông Bền, quá trình này đã có từ rất sớm. Trước Cách mạng Tháng Tám, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Tất Thứ đã từng viết về hát Giặm Nghệ Tĩnh, hát Ví phường Vải của huyện Nam Đàn. Sau năm 1954, việc sưu tầm, nghiên cứu càng được đẩy mạnh, nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được công bố.

Về quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO, ông Bền cho biết dân ca Ví, Giặm là sản phẩm văn hóa phi vật thể có giá trị rất đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Chính vì vậy, chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trương từ rất sớm xây dựng bộ hồ sơ quốc gia để trình UNESCO vinh danh.

Công tác này đã được tiến hành từ giữa năm 2012 với nhiều sản phẩm khác nhau như ảnh, băng hình, báo cáo khoa học… Hồ sơ đã được nộp cho UNESCO theo đúng thời hạn vào tháng 3/2013.

Một hội thảo khoa học quốc tế về “Dân ca trong xã hội đương đại, vấn đề kế thừa, bảo tồn và phát huy” đã được tổ chức vào tháng Năm vừa qua tại thành phố Vinh với sự tham gia của nhiều học giả trong nước và quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Chí Bền cũng nêu bật những yếu tố thuận lợi góp phần thúc đẩy việc hoàn thành hồ sơ với chất lượng tốt. Trước tiên là việc người dân Nghệ An và Hà Tĩnh rất yêu thích và say mê dân ca Ví, Giặm. Họ hát, họ sáng tạo với tất cả tình yêu di sản này.

Trên thực tế, dân ca Ví, Giặm xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, ban xây dựng hồ sơ cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Bền cũng khẳng định xét theo quy định của UNESCO, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP