Tin Hà Tĩnh

“Tuýt còi” BOT nhiệt điện Vũng Áng 2 Kỳ I: Bộ KH-ĐT dứt khoát từ chối

Cho rằng chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 không đủ năng lực, chưa hoàn thiện được các thủ tục theo quy định, mới đây Bộ KH&ĐT đã yêu cầu dừng thực hiện dự án có số vốn tỷ “đô” này.

Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ đồng ý triển khai theo hình thức BOT từ tháng 3/2009, với 3 cổ đông gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) 25%, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy Asia Limited (Hong Kong) 30%, số còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

p/Bộ KH&ĐTcho rằng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn các ngân hàng cam kết cho VAPCO không đảm bảo để thực hiện dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2. (Ảnh: Phối cảnh Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2).

Năng lực tài chính không đảm bảo

Các cổ đông nói trên cũng đã đi đến thống nhất thành lập Công ty CP nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) để làm cơ sở pháp nhân triển khai dự án.

Tuy nhiên, đến 9/2011, Lilama đã chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho REE để thực hiện dự án. Một năm sau, REE cũng tiếp tục mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông khác, nâng tỷ lệ sở hữu tại VAPCO lên 51,55%.

Mới đây, vào tháng 4/2018, thương vụ One Energy Asia Limited mua lại toàn bộ cổ phần của REE khiến nhiều doanh nghiệp khá bất ngờ.

Với động thái thâu tóm 100% cổ phần tại VAPCO thì nhà đầu tư nước ngoài One Energy Asia Limited sẽ phải đảm nhận toàn phần việc triển khai dự án nhiệt điện Vũng Áng 2. Và, chủ trương thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 cũng sẽ được triển khai theo hình thức BOT.

Thế nhưng, mới đây, Bộ KH&ĐT cũng có động thái dứt khoát đó là từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 cho công ty One Energy Asia Limited.
Lý do mà Bộ KH&ĐT đưa ra đó là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn các ngân hàng cam kết cho VAPCO không đảm bảo để thực hiện dự án.

Theo đó, tổng số vốn cần để thực hiện dự án này lên tới gần 2,2 tỷ USD nhưng báo cáo tài chính năm 2017, chủ đầu tư One Energy Asia Limited mới chỉ có 26,37 triệu USD.

Điều này nghĩa là để thực hiện dự án, One Energy Asia Limited cần phải huy động vốn vay lên tới trên 1,63 tỷ USD, bằng 74,6% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo số liệu từ hồ sơ từ cơ quan quản lý cung cấp, hệ thống các ngân hàng cũng mới chỉ cam kết cho dự án vay khoảng 900 triệu USD.

Một điểm đáng lưu ý nữa là tại Quyết định 0538 ngày 28/1/2011 do Bộ trưởng Công Thương lúc bấy giờ ký ban hành lại không xác định được cụ thể tổng mức đầu tư dự án và thời gian thực hiện.

Nhiều bất thường

Ngoài việc xác định nguồn vốn đầu tư không đảm bảo để thực hiện dự án, Bộ KH&ĐT cũng như các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập đối với dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 tại tỉnh Hà Tĩnh.

Cụ thể, khi trình hồ sơ xin điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đã nâng tổng diện tích sử dụng đất lên 94,6ha. Trong khi đó Quyết định số 0538/QĐ-BCT ngày 28/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ phê duyệt thực hiện 86ha. Theo cơ quan chức năng, độ vênh về diện tích sử dụng đất tại dự án này có nhiều điểm bất thường chưa được làm rõ.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng chưa tiến hành hoàn thiện thủ tục lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định vì thời gian phê duyệt báo cáo ĐTM đã quá hạn so với quy định.

Đặc biệt, chiếu theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 (thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015) thì dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 không còn nằm trong danh mục quy định cấp/điều chỉnh Giấy CNĐKĐT các dự án đầu tư theo hình thức BOT.

Còn theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc “tuýt còi” đối với dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 là động thái hoàn toàn có cơ sở. Các chuyện gia cho rằng, nếu triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất dự án 1.320MW ở Vũng Áng thì nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, nếu đồng ý cho One Energy Asia Limited làm chủ đầu tư theo hình thức BOT thì cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ được quyền khai thác từ 15-20 năm sau đó mới chuyển giao. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu dự án BOT nhiệt than này không được thẩm định, quản lý tốt thì nguy cơ Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ trở thành bãi thải khổng lồ sau này cho nhà đầu tư.

Kỳ II: Lãnh đạo Hà Tĩnh nói gì?

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

  Từ khóa: Bộ KH-ĐT , Vũng Áng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP