Theo tìm hiểu, dự án có tổng mức đầu tư gần 814 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích đất 107.961,14 m2 ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Bất động sản Hano Vid (trụ sở tại 430 Cầu Am, quận Hà Đông, Hà Nội).
Mặc dù dự án có quy mô như vậy, nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh tình trạng mất an toàn tại công trình này. Để tìm hiểu tình hình, chiều 27/2, chúng tôi có mặt tại công trình và nhận thấy thông tin phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại Trường cấp 3 Hương Sơn, đơn vị thi công đang cho máy móc đập phá, giải phóng mặt bằng nhưng không hề có biển cảnh báo công trường đang thi công và giăng dây an toàn…
Dù công trình đang được phá dỡ, nhưng bên thi công không có biện pháp cảnh báo an toàn lao động tại công trường (Ảnh chụp ngày 27/2) |
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân, nhà ở gần công trình đang thi công cho biết: "Chúng tôi thường đi trên con đường dân sinh cạnh bên công trình đang phá dỡ Trường cấp 3 Hương Sơn, mỗi lần đi qua tôi phải dừng xe quan sát từ xa, khi cần của máy xúc hạ xuống mới dám đi qua. Ngoài nỗi lo cho chúng tôi, còn nỗi lo cho mấy đứa trẻ nhỏ và học sinh nữa.
Vì không biết công trình này do đơn vị nào thi công để gặp nói chuyện, nhờ họ đặt biển cảnh báo, hoặc buộc dây có rào chắn cho yên tâm mỗi khi đi ngang qua, nên chúng tôi chỉ biết căn dặn con cái ở nhà mà thôi".
Tại hiện trường, chị Lan - một người thu gom phế liệu cho hay, thấy công trình đang đập phá nhà, có sắt thép dư thừa nên chúng tôi vào nhặt kiếm thêm thu nhập vì không có biển báo, biển cảnh báo hay bảo vệ.
Hiện trường công trường đang tháo dỡ nhà để san lấp mặt bằng thi công dự án (Ảnh chụp ngày 27/2) |
Để rộng đường dư luận, CTV báo đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Linh, trú tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - đại diện cho đơn vị thi công giải phóng mặt bằng. Ông Linh cho biết, cá nhân ông có ký hợp đồng với Công ty CP Bất động sản Hano Vid đóng tại Hà Nội để thu mua phế liệu với vữa đá chứ không phải tháo dỡ công trình.
Còn ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thì khẳng định, việc giải phóng mặt bằng này do chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị khác phá dỡ, không thông qua huyện. "Riêng việc mất an toàn tại công trình, chúng tôi sẽ đốc thúc họ xử lý", ông Nguyễn Quang Thọ nhấn mạnh.
Không có biển cảnh báo nên người dân tự ý váo công trường |
Cùng thời điểm này, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Long - Giám đốc dự án này cho hay: Trước đây chúng tôi có nhờ UBND huyện Hương Sơn tổ chức đấu thầu việc phá dỡ công trình, nhưng huyện không nhận. Qua kênh của UBND huyện, có giới thiệu người quen là ông Nguyễn Xuân Linh. Sau khi được giới thiệu, chúng tôi đã ký hợp đồng với ông Linh từ máy móc đến phá dỡ và vận chuyển vữa đá đi đổ thải.
"Việc ông Nguyễn Xuân Linh chối bỏ trách nhiệm là hoàn toàn sai, việc đảm bảo an toàn lao động là có trong hợp đồng. Thông tin báo chí cung cấp chúng tôi sẽ cho người kiểm tra, nếu đúng sự thật thì lập biên bản, nếu không chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng với bên phá dỡ", ông Lê Minh Long khẳng định.
Trong khi các bên liên quan đang làm rõ bên nào có trách nhiệm đảm bảo và cảnh báo an toàn cho công trình khi phá dỡ, thì hàng ngày, hàng trăm người dân thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, trong đó có nhiều trẻ nhỏ, học sinh vẫn đi qua công trình sát đường. Điều đặc biệt, công trình đang phá dỡ này nằm ngay gần UBND huyện Hương Sơn...!
Tác giả: Nguyễn Đạt
Nguồn tin: laodongthudo.vn