Theo Quyết định số 465/QĐ- TTCP ban hành quy chế tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ phân công Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ của người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định giám sát hoạt động của đoàn thanh tra và cho ý kiến về quyết định thanh tra; kế hoạch tiến hành thanh tra, dự thảo kết luận, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến cuộc thanh tra...
Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm chung, trách nhiệm người đứng đầu về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những trường hợp đặc biệt, các Vụ, Cục, đơn vị báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ trình Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua (Ảnh: Phạm Thắng). |
Xử lý vi phạm đối với cuộc thanh tra bị chậm
Quy chế vừa ban hành nêu rõ, cuộc thanh tra chậm là cuộc thanh tra chậm về thời gian ban hành kết luận thanh tra, được tính từ khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến khi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra hoặc đến khi ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra không phải báo cáo Thủ tướng theo thời gian quy định của Luật Thanh tra.
Tùy theo mức độ và số lượng cuộc thanh tra chậm, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, thủ trưởng đơn vị chủ trì, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ được phân công sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm như sau:
Đối với trưởng đoàn thanh tra, nếu có một cuộc thanh tra chậm quá 3 tháng, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp đưa vào báo cáo để nhắc nhở, phê bình tại cuộc họp giao ban lãnh đạo Cục, Vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ.
Nếu có 2 cuộc thanh tra chậm quá 3 tháng, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra không phân công, bố trí tham gia cuộc thanh tra mới trong thời gian ít nhất 1 năm để tập trung hoàn thành các cuộc thanh tra bị chậm. Đồng thời xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức; không xem xét khen thưởng, nâng ngạch, nâng lương trước hạn.
Trường hợp có từ 3 cuộc thanh tra trở lên chậm quá 3 tháng thì đề xuất Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về việc đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, điều động công chức và các nội dung khác liên quan đến công tác cán bộ theo quy định.
Đối với thành viên đoàn thanh tra, nếu không hoàn thành nhiệm vụ được phân công dẫn đến có một cuộc thanh tra chậm quá 3 tháng sẽ bị nhắc nhở, phê bình tại cuộc họp; có 2 cuộc thanh tra chậm quá 3 tháng thì thủ trưởng đơn vị chủ trì không phân công, bố trí tham gia cuộc thanh tra mới trong thời gian ít nhất một năm để tập trung hoàn thành nhiệm vụ được phân công tại cuộc thanh tra chậm; đồng thời, xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và không xem xét khen thưởng, nâng ngạch, nâng lương trước hạn.
Đối với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ được phân công chỉ đạo cuộc thanh tra, trường hợp có 3 cuộc thanh tra chậm quá 3 tháng thì Vụ Kế hoạch - Tổng hợp hoặc Vụ Tổ chức cán bộ đưa vào báo cáo tại cuộc họp giao ban lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hoặc cuộc họp Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ để có giải pháp chỉ đạo, điều hành.
Trường hợp có 4 cuộc thanh tra chậm quá 3 tháng thì đưa vào báo cáo tại cuộc họp giao ban lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hoặc cuộc họp Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ; Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xem xét việc nhận xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và thi đua, khen thưởng.
Trường hợp có từ 5 cuộc thanh tra trở lên chậm quá 3 tháng, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, điều chỉnh phân công nhiệm vụ cho phù hợp.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách Nhà nước mới đây (Ảnh: TTCP). |
Xử lý vi phạm đối với cuộc thanh tra không đảm bảo chất lượng
Quy chế mới nhất của Thanh tra Chính phủ quy định, cuộc thanh tra không đảm bảo chất lượng là cuộc thanh tra không đảm bảo về nội dung thanh tra, có thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra.
Tùy theo tính chất, mức độ không bảo đảm chất lượng, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, thủ trưởng đơn vị chủ trì, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ được phân công sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Trường hợp Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật", quy chế nhấn mạnh.
Ngoài ra, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo có phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra thì Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trả lời đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết cơ quan này có 15 cuộc thanh tra ban hành chậm kết luận của nhiều năm trước. Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp từ tháng 7/2022 đến nay và trong vòng 4 tháng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ban hành được 13 kết luận thanh tra; còn 2 cuộc thanh tra sẽ quyết tâm sẽ hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2022. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong khẳng định cho đến nay chưa phát hiện thấy tiêu cực trong các cuộc thanh tra chậm trễ đó. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân Trí