Giáo dục

Tặng phong bì: Nặng nghĩa vụ, nhẹ tri ân!

Việc tặng quà bằng phong bì cho giáo viên dịp 20/11 đang được "phổ thông hóa". Nhanh, gọn, tiện như lý lẽ của nhiều thì việc tặng phong bì cho nhà giáo khó tránh tâm lý nặng nghĩa vụ, nhẹ tri ân.

Áp lực tặng phong bì

Nhà có hai con cách nhau đến 10 tuổi, chị Trần Ngọc Nương, ở Q.3, TPHCM có những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau trong việc tặng quà cho thầy cô giáo của hai con.

Đối với cô con gái đầu nay đã ra trường đi làm, lúc cháu đi học thường tặng quà cho giáo viên (GV). Mọi việc rất nhẹ nhàng, khi là bình hoa, khi thỏi son, hộp phấn hoặc các món quà quê như mật ong, cam, bưởi... Đó là những món quà thông thường nên chị cũng không băn khoăn việc cô có thích, có dùng đến hay không.

Cả người tặng quà lẫn người nhận quà sẽ chỉ hạnh phúc khi món quà xuất phát từ tấm lòng (Ảnh minh họa: Cô trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM trong dịp 20/11)

Nhưng đến cậu em, giờ đang học tiểu học thì không biết từ lúc chị cũng đã bị nhiễm "văn hóa phong bao". Mọi ngày lễ, quà tặng cho giáo viên đã được chị đổi thành phong bì, quà tặng kèm chỉ là "vật ngụy trang".

"Ai cũng nói tặng phong bì cho tiện, gọn nhưng xét về mặt tình cảm, ý nghĩa tôi thấy tặng quà và phong bì không giống nhau. Hành động tặng phong bì mang nặng tính nghĩa vụ, như là việc phải làm chứ không phải ở tâm thế hạnh phúc, phấn khởi vì sự quan tâm, hay được tặng quà cho người khác", người mẹ phân tích.

Nói đến việc tặng phong bì nhanh, tiện hơn so với tặng quà, chị Dương Thanh Trang, ở Thủ Đức cũng không đồng tình. Tặng quà mang giá trị tri ân, cảm ơn, quan tâm nhiều hơn còn phong bì mang ý nghĩa trách nhiệm và cả sự mua chuộc. Nó cũng không tiện hơn vì quà tặng thì không thể đong đếm, có khi món quà vài chục cũng có ý nghĩa, người tặng quà không phải nặng nề cân đối như tặng phong bì.

Khi đó, theo chị Trang việc tặng quà đã trở thành lo toan, gánh nặng từ phía người tặng và chắc chắc cả phía người nhận thì không thể nói ý nghĩa, tri ân gì ở đây.

Người tặng, người nhận có hạnh phúc không?

Trong tọa đàm về người thầy mới đây, cô Lê Mỹ Trang, giáo viên dạy Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Q.12 thẳng thắn nói, rất nhiều phụ huynh đến ngày 20/11 là tặng phong bì cho thầy cô với mong muốn con mình được "đảm bảo" ở trường học về sự quan tâm, về điểm số.

"Đây có phải là hành động tri ân không? Dù rằng giáo viên lương thấp, như tôi phải làm thêm nhiều việc để nuôi sống mình nhưng việc tri ân như vậy, thầy cô có thật sự hạnh phúc với điều này hay không?" - Cô đặt câu hỏi đau nhói.

Việc quà tặng được quy đổi thành phong bì dù muốn hay không thì đều làm cả hai phía cho và nhận dễ nảy sinh những suy nghĩ thiếu tích cực, thiện chí về nhau.

Mọi người "vote" cho cuộc bình chọn "Giáo viên bộ môn nào để lại nhiều ấn tượng" cho bạn nhất được được thực hiện Đường sách TPHCM

Phía phụ huynh tặng phong bì cho thầy cô, ai dám nói mình không có ý muốn gửi gắm để cô không "đì" con mình hay quan tâm, ưu ái con hơn. Suy nghĩ "giáo viên nào mà chả thích tiền" có trong rất nhiều người. Phía giáo viên, làm sao tránh được suy nghĩ, phụ huynh đã "nhắn nhủ" mong muốn của mình vào những đồng tiền. Và ai có thể nhẹ nhõm, thanh thản khi "quà biếu" của cha mẹ học sinh là những tờ polymer.

Chị Nguyễn Nhung - một phụ huynh ở TPHCM phản đối lịch liệt tặng phong bì cho nhà giáo - cho rằng việc tặng phong bì cho giáo viên "tiếp tay" cho việc biến văn hóa phong bì thành phổ biến, đảo lộn những giá trị tốt đẹp và gieo vào đầu óc con trẻ suy nghĩ thực dụng, coi nhẹ đạo lý trong cuộc sống. Cả hai bên đều không thoải mái, vậy tại sao lại không mạnh dạn bỏ điều này.

"Thay vì ngồi tính toán đi thầy cô nào, đi bao nhiêu, phụ huynh nên ngồi xuống cùng con thảo luận, chia sẻ xem mình sẽ tri ân thầy cô bằng món quà nào với dự trù kinh phí ra sao. Hãy cùng con viết thiệp chúc mừng thầy cô giáo, dạy cho con cách tặng quà, nó vừa mang ý nghĩa tri ân thật sự trong dịp 20/11 và cũng gieo cho con những hạt mầm của tình yêu và sự biết ơn", người mẹ nói.

Đồng tiền quan trọng nhưng trong cuộc sống, có nhiều thứ đáng giá và ý nghĩa, mang lại hạnh phúc, cảm xúc thật sự hơn chiếc phong bì. Tặng cái gì mà trước hết người tặng cần phải thấy nhẹ lòng, không phải đặt lo toan và toan tính gửi vào món quà.

"Văn hóa phong bì" là một thứ văn hóa không bao giờ nên khuyến khích trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào, nhất là trong môi trường giáo dục.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP