Các thầy cô khuyến cáo, các em nên phân bổ thời gian học hợp lý, khoa học, đặc biệt giữ gìn sức khỏe, tâm lý thoải mái để tự tin bước vào kỳ thi.
Củng cố lại kiến thức
Kỳ thi diễn ra vào cuối tháng 6 này, thời gian ôn luyện không còn nhiều trong khi khối lượng kiến thức cần tiếp thu khá lớn. Nguyễn Linh Anh - học sinh THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm cho biết, ngay từ đầu năm học, em đã tập trung cao độ cho việc học, chủ yếu học ôn kiến thức lớp 12.
Học sinh tập trung ôn luyện giai đoạn nước rút. Ảnh: Nguyễn Tâm |
Từ khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT Quốc gia 2019, em học ngày học đêm để biết cách làm các dạng đề khác nhau. Nhiều đề thi chưa hiểu, Linh Anh phải nhờ giáo viên hướng dẫn cách làm. Hiện tại, em không học thêm bất kỳ lớp nào, thay vào đó, chỉ ở nhà ôn lại kiến thức đã từng học trên lớp, làm thêm đề thi môn Anh (môn học yếu nhất của em).
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, kiến thức gồm lớp 11 và chủ yếu là lớp 12. Vì vậy, Phạm Mạnh Hùng - học sinh THPT Kim Liên (Đống Đa) cho biết, mấy tuần qua, em “cày” đề cả đêm lẫn ngày, mỗi ngày chỉ ngủ 4 - 5 giờ nên nhiều hôm cũng bị hoa mắt chóng mặt.
Thời gian này, các trường hầu như đã dừng việc ôn tập để học sinh hệ thống lại kiến thức môn học. Tuy nhiên, nhiều em lo lắng nên vẫn đăng ký các lớp học thêm ở ngoài.
Trịnh Cẩm Tú - học sinh trường THPT Thăng Long (Hai Bà Trưng) cho biết: “Sau khi trường dừng lịch học ôn, em đã phải tìm các lớp học thêm nhằm luyện thêm môn Tiếng Anh và Toán. Ngoài ra, những lúc ở nhà, em dành một phần thời gian để lên mạng tìm những đề thi mẫu để làm. Nếu câu nào không làm được, em ghi lại và cùng bạn bè giải hoặc nhờ thầy cô hướng dẫn”.
Bố trí thời gian hợp lý
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, các trường THPT tại Hà Nội đều bố trí giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt để ôn luyện cho học sinh trong giai đoạn “nước rút” này. Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tổ chức 3 lần thi thử cho học sinh lớp 12.
Ngoài ra, trường cũng bố trí giáo viên hướng dẫn học sinh cách học, cách ôn thi và những kỹ năng làm bài thi để có kết quả cao nhất. Trong đó, hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức cơ bản; mở rộng các kiến thức nâng cao thường gặp trong bài thi năm 2019; cách trả lời các câu hỏi ứng với những kiến thức phù hợp; các phương pháp làm bài thi trắc nghiệm Toán; làm các đề thi thử...
Giáo viên còn rèn cho học sinh tâm lý khi đi thi, phương pháp tự học, tự ôn thi. Còn thầy Phan Trắc Thúc Định - giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) cho biết, ngay từ khi có kế hoạch thi THPT Quốc gia 2019, trường đã lập kế hoạch ôn thi theo chủ trương và bám sát theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Học sinh được học song hành theo chương trình chung của Bộ và tăng cường thêm các tiết học. Việc học ôn của học sinh 12 được chia thành hai ca, phân loại học sinh khá, giỏi, trung bình để ôn tập và hướng dẫn các em sâu sát hơn. Thầy Định chia sẻ, nhiều em rất lo lắng, hoang mang khi tỷ lệ kết quả thi để xét tốt nghiệp là từ 50% (năm trước) tăng lên 70% (năm nay); 30% là điểm học bạ lớp 12.
Với môn Văn, thầy Định nhận định, đây là môn tự luận duy nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia nên việc rèn kỹ năng viết bài, làm bài cho học sinh rất quan trọng.
Tuy nhiên, đầu sách ôn luyện định hướng bám sát đúng theo ma trận đề mới của Bộ đưa ra chưa nhiều, vì vậy, phần lớn học sinh phải sưu tầm các kiến thức tài liệu trôi nổi trên mạng xã hội nên không tránh khỏi tính không nhất quán, khoa học.
Bởi vậy, thầy Định cũng như nhiều giáo viên khác rất mong Bộ đưa ra nhiều đề thi minh hoạ và bố trí giải đáp trực tuyến sau mỗi lần công bố để giúp giáo viên, học sinh có kế hoạch dạy và học hiệu quả.
Tác giả: Nguyễn Tâm
Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị