Di tích - Thắng cảnh

Hương Sơn: Đền (hay am) Bạch Vân thờ ai?

Năm 2008, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 72/2008/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá (xã Sơn Thịnh – Hương Sơn). Sau đó, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí dự tính hơn 20 tỷ đồng và đến nay, giai đoạn I của dự án với giá trị gói thầu 2,9 tỷ đồng cơ bản đã được hoàn thành.

Tuy vậy, nhiều người dân ở xã Sơn Thịnh và các xã lân cận xem bản lý lịch di tích (1) cũng như theo dõi các thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (2), (4), (6)… vẫn băn khoăn về lịch sử di tích và các vấn đề liên quan. Có đúng tên ngôi đền là Bạch Vân hay đây là đền Thịnh Xá và am Bạch Vân? Có đúng đền là do Tiến sĩ Đinh Nho Công lập nên vào năm 1670 hay đã có trước đó? Có đúng là đền lập nên để thờ một ông người Thanh Hóa tên là Trần Toản? v.v… Chúng tôi xin được cung cấp thêm một số cứ liệu mong được góp phần giải đáp những băn khoăn này.

Đền (hay am) Bạch Vân thờ ai?
Đền Bạch Vân

Trước hết là về tên gọi của ngôi đền. Trong mục I của bản “Lý lịch di tích” (1) đã viết rằng, “Bạch Vân là tên gọi theo sự tích Đinh Nho Công…” và đền “còn có tên gọi là đền Thịnh Xá bởi đền thuộc làng Thịnh Xá cũ cho nên trước đây, nhân dân thường gọi là đền Thịnh Xá”. Không chỉ người dân Thịnh Xá mà hầu hết người dân của 6 xã hữu ngạn sông Ngàn Phố vùng hạ Hương Sơn vẫn thường gọi như vậy.

Cho đến những năm 50 của thế kỷ XX, mỗi làng của tổng An Ấp (nay là cả 6 xã nói trên) đều có đền thờ các vị thần bảo trợ và phù hộ cho làng mình, đồng thời cũng là văn chỉ hay văn từ thờ Khổng Tử cùng các vị khoa bảng của làng. Các ngôi đền này thường được gọi là “nhà thánh”, trừ các làng có điều kiện lập riêng văn từ như: Bình Hòa, Gôi Mỹ… Trên mảnh đất An Ấp từ xưa, học hành, khoa cử đã rất được coi trọng.

Theo PGS Ngô Đức Thọ (8) thì ngay tại xã Sơn Thịnh ngày nay, năm 1485 đã có một người đậu đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Tử Trọng. Trước đây, các làng chưa có người đỗ đạt vẫn lập văn từ, nhà thánh để cầu mong cho sự học huống chi trong làng đã có người đỗ đại khoa như vùng đất Thịnh Xá. Có thể khẳng định rằng, đền Thịnh Xá hay “nhà thánh” của làng Thịnh Xá đã được lập có thể là hàng trăm năm trước khi ông Đinh Nho Công đỗ Tiến sĩ vào năm 1670.

Vậy thì tại sao lại có tên đền là Bạch Vân? Gia phả họ Tống ở làng Văn Giang (thuộc xã Sơn Thịnh ngày nay) được khởi chép từ thế kỷ XVI, có ghi lại câu chuyện vốn được lưu truyền rộng rãi trong vùng: Ông Trần Xuân Toàn học giỏi có tiếng, đậu cống sinh, là Giám sinh Quốc Tử Giám và là bạn đèn sách với ông Đinh Nho Công nhưng khi hai ông đi thi Hội, ông Công đậu Tiến sỹ, còn ông Toàn không đậu. Vốn biết mình sẽ mất trước ông Công nên ông Toàn đã dặn bạn rằng, sau khi ông qua đời, hễ thấy một đám mây trắng hạ xuống chỗ nào thì xây cho ông một cái am thờ. Cái am đó chính là am Bạch Vân ở sau đền làng Thịnh Xá ngày nay.

Ông Trần Xuân Toàn là hậu duệ của Nghĩa quận công Tống Tất Thắng, do trốn tránh sự truy lùng của nhà Mạc phải vượt núi Thiên Nhẫn từ Trung Cần (Nam Đàn – Nghệ An) sang làng Văn Giang làm con nuôi của họ Trần và đổi họ thành họ Trần (13). Tình nghĩa bằng hữu sâu đậm của Tiến sĩ Đinh Nho Công với cử nhân Trần Xuân Toàn không chỉ dừng lại ở việc dựng am cho bạn mà về sau, ông Đinh Nho Công còn nuôi một người cháu ruột của ông Toàn (gọi ông Toàn là bác) và người này là thủy tổ của chi họ Tống ở xã Sơn Hòa (Hương Sơn). Như vậy là trong khuôn viên của đền Thịnh Xá vào cuối thế kỷ XVII đã có thêm am Bạch Vân do Thiêm đô Ngự sử Đinh Nho Công lập nên để tưởng nhớ bạn học của mình là ông Cống sinh (cử nhân) Trần Xuân Toàn, người làng Văn Giang, nay cũng thuộc xã Sơn Thịnh, chứ không phải là “đền Bạch Vân do ông Công lập nên thờ ông Trần Toản người Thanh Hóa” như một số tài liệu đã viết (1), (2), (4), (6), (9).

Ông Trần Xuân Toàn còn được làng Văn Giang thờ là “tôn thần”. Hiện nhà thờ họ Tống ở làng Văn Giang còn lưu giữ được một đạo sắc của vua Khải Định ban cho làng Văn Giang năm 1924, trong đó ghi rõ (phiên âm): “Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Hương Sơn huyện, Văn Giang thôn phụng sự Trúc sơn Tĩnh am Tống tôn công tự Xuân Toàn tôn thần…”.

Tiến sĩ Đinh Nho Công và đền làng Thịnh Xá

Tài liệu (1) còn cho rằng, ông Đinh Nho Công về sau được tôn là Thành hoàng của làng Thịnh Xá và đưa vào thờ trong đền của làng mình. Suy đoán này xuất phát từ cứ liệu cho rằng, “Bài vị thờ trong đền ghi rõ”: “Đương cảnh Thành hoàng anh linh hiển ứng, Cồn Mai phúc thần Đại vương, lịch triều gia phong Thượng đẳng tôn thần”(1). Thế nhưng, khảo sát 2 ngai thờ trong thượng điện thì các dòng chữ Hán sơn son thếp vàng trên một ngai thờ đã bị bong tróc hầu hết và rất khó nhận biết, chỉ còn đọc được một vài chữ như hộ quốc, minh, hàm, hưu, chính trực. Ngai thờ còn lại còn có thể đọc được các dòng chữ Hán ghi trên đó như sau (phiên âm): Dòng chính giữa từ trên xuống dưới có một số chữ bị mờ, chỉ còn lại các chữ nhận biết và đọc được.

Đền (hay am) Bạch Vân thờ ai?
Một trong những hiện vật còn được giữ gìn trong đền

“… Tế thế Trợ thuận Khang dân”. Hai dòng dưới còn rất rõ nét, đọc được từ phải qua trái là “Thiệu bảo Tá tích Thuần túy Trung chính Thùy hưu Tích hỗ Huyền cảm Minh hỗ Duệ trí Hàm đức Linh thông Thông minh Chính trực Anh nghị Cồn Mai Đại vương Gia phong Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng”. Với những mỹ tự viết trên ngai thờ được các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn nối tiếp nhau phong tặng và gia phong cho vị thần được thờ trong đền Thịnh Xá như trên thì việc kết luận ông Đinh Nho Công được tôn là Thành hoàng của làng Thịnh Xá là chưa đủ căn cứ.

Hai vế đối đắp trên 2 cột hiên của nhà thượng điện được phiên âm thành:

“Sơn chí thời khí địa linh an sắc lĩnh thần tại

Phụng tử huynh lưu khí tỏa thanh đồng phủ siêu hạng”

Nghĩa là: Mảnh đất này linh thiêng, khí hậu trong lành an cư lạc nghiệp

Tình huynh đệ ghi ơn và được lưu truyền mãi mãi ngàn sau” (?)

Đọc đúng phiên âm của 2 vế đối này phải là:

“Sơn tòng Chấn – khởi địa linh – An Ấp hiển thần cao

Trạch tự Đoài – lưu khí sảng – Thanh Giản phù miễu lý”

Tạm dịch là:

Sơn quẻ Chấn, dấy đất thiêng, An Ấp rạng ơn thần

Trạch quẻ Đoài, tuôn khí sảng, Thanh Giản điềm may tỏ

Địa danh Thanh Giản trong vế đối này có thể là tên chữ của cái bàu chảy trước cửa đền, một đoạn nhánh sông cổ của con sông Ngàn Phố.

Còn bức hoành phi đại tự khắc 3 chữ Hán “Thần thính chi” có nghĩa là “được thần linh che chở” lại được (1) phiên âm thành “chí linh thần” và giải nghĩa là “thần rất thiêng”.

Trong hạ điện còn có một tấm bảng gỗ hình chữ nhật khá lớn khắc chi chít chữ Hán cỡ nhỏ. Chữ đã mờ lại treo trên cao nên chúng tôi chưa có điều kiện để đọc.

Ngoài ra, sau đợt trùng tu giai đoạn I vừa qua, có một tấm bia cỡ nhỏ bị bùn đất bám dính để lăn lóc ở chân móng tường nền nhà hạ điện. Khảo sát bước đầu cho thấy, các dòng chữ Hán được khắc phía trên cùng của tấm bia là Hương Ất khoa bi bát, có nghĩa là bia số tám Ất khoa kỳ thi Hương. Bia ghi lại họ tên của 13 vị hiệu sinh dự kỳ thi Hương nhưng không rõ vào năm nào. Danh hiệu “Hiệu sinh” có từ thời Lê nhưng đến thời nhà Nguyễn thì không còn. Như vậy thì tấm bia này được khắc từ thế kỷ XVIII trở về trước. Những nhân vật được khắc trên tấm bia này chỉ có một người họ Nguyễn, 12 vị còn lại đều mang họ Trần, trong đó có đến 9 vị mang họ Trần Xuân. Rất có thể đây là những học trò và có thể có những người là hậu duệ của ông Trần Xuân Toàn, người được thờ trong am Bạch Vân.

Qua các cứ liệu nêu trên có thể thấy rằng, cụm di tích đã được xếp hạng và đang được trùng tu, tôn tạo ở làng Thịnh Xá là đền, chùa Thịnh Xá và am Bạch Vân. Cũng như các ngôi đền của các làng xã xung quanh, đền Thịnh Xá còn là Văn từ của làng được lập để thờ Khổng Tử cùng các vị khoa bảng của làng. Sau khi đỗ Tiến sĩ vào năm 1670, ông Đinh Nho Công đã lập am Bạch Vân ở phía sau đền để tưởng nhớ bạn mình là ông Trần Xuân Toàn. Việc cho rằng, ông Đinh Nho Công được thờ trong đền Thịnh Xá là Thành hoàng của làng là chưa đủ căn cứ. Mong các nhà nghiên cứu nếu có thêm các cứ liệu khác tiếp tục đóng góp và bổ sung để lịch sử di tích đền Thịnh Xá, am Bạch Vân ngày càng được làm sáng tỏ hơn cho hậu thế.

Tống Trần Tùng – Phạm Quang Ái

Tài liệu đã dẫn

(1). Hồ sơ di tích Kiến trúc nghệ thuật đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh – Bản lý lịch di tích. Sở VHTT – Bảo tàng Hà Tĩnh. Hà Tĩnh 2007.

(2). Nguyễn Trí Sơn: Đền Bạch Vân, một di tích kiến trúc nghệ thuật, Báo Hà Tĩnh số 3735 ngày 27/6/1998.

(3). Quyết định số 72/2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ngày 22/8/2008 về việc xếp hạng di tích quốc gia Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá.

(4). Bách Khoa: Đón nhận bằng công nhận di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá. Văn hóa Hà Tĩnh, 12/2008.

(5). Anh Hoài: Lễ động thổ dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá

(17/2/2012). Hatinh24h, 2/2012.

(6). Anh Hoài: Đền cổ ngàn năm dấu Bạch Vân. Hà Tĩnh online, 3/2012.

(7). Lê Tắc: An Nam chí lược. NXB Thuận Hóa – Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, 2002.

(8). Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam, NXB Văn học, 1993.

(9). Bùi Thiết: Từ điển Hà Tĩnh. Sở VHTT Hà Tĩnh, 2000.

(10). Bùi Dương Lịch: Yên Hội thôn chí. Sở VHTT Hà Tĩnh – 2000.

(11). Tộc phả họ Đinh xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

(12). Tộc phả họ Tống Trần ở Văn Giang và Bình Hòa.

(13). La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 2, La Sơn phu tử. NXB Giáo dục, Hà Nội 1998.

(14). Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng trong lòng quê hương và dòng họ. NXB Thế giới, Hà Nội, 2010.

(15). Những tấm bia cổ của làng Thái Hòa – dấu tích Văn chỉ làng Việt xưa. huongson.gov.vn, Cổng thông tin điện tử huyện Hương Sơn, 3/1/2014.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP