Nhặt được “vàng” nhờ những chuyến rong ruổi
Kết thúc khóa học 5 năm, ngành Hội họa, trường Đại học Nghệ thuật Huế, họa sĩ trẻ Đậu Quang Thành quyết định vào TP.HCM nhưng không hiểu sao ra đến bến xe, anh lại đón xe vào TP Nha Trang. Trong khi đó, anh chưa biết vào đây, không quen biết, không quan hệ, sẽ làm gì và sống sao..
Vốn không thích ngồi một chỗ, cũng không thích bị bó buộc, họa sĩ Thành thường đi phượt cùng bạn bè, khám phá, thăm thú nơi này nơi kia. Càng đi nhiều, anh càng mê hồn với những hòn đá nằm lăn lóc trên các sông, suối. “Tôi có cảm giác chúng có tác dụng gì đó, chứ không thể “vô dụng” như vậy. Nghĩ vậy, tôi đã nhặt chúng về vẽ thử. Càng vẽ, tôi càng mê mẩn, thích thú” – anh Thành nói.
Họa sĩ Đậu Quang Thành đang thực hiện một tác phẩm tranh 3D trên đá cuội.
Chia sẻ về khó khăn khi biến đá thành tác phẩm tranh 3D, anh Thành cho biết: “Chi phí ban đầu không nhiều. Chủ yếu tôi đi nhặt là chính. Trừ số lượng đặt hàng lớn, mình phải tính đến chuyện mua. Có điều, không phải hòn đá nào cũng có thể vẽ 3D lên đó được vì nhiều hòn không phẳng phiu. Vì vậy, khâu chọn đá khá quan trọng. Đá sau khi đem về phải ngâm nước, cọ rửa, chà đánh rong rêu, mảng bám rồi phơi khô. Bước tiếp theo là hình dung cấu trúc, định hình con vật, phong cảnh… sẽ phác họa lên đó. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công, đặc biệt là kiên nhẫn”.
Tranh 3D theo quan niệm của họa sĩ Thành phải làm sao cho hình vẽ giống như sự vật đang hiện hữu chứ không đơn giản là bức tranh vẽ đơn thuần. “Có thể nói, thể loại tranh này tập cho tôi tính kiên nhẫn và sáng tạo không ngừng, còn chỉ đến với nó bằng đam mê, tư duy thôi thì chưa đủ” – anh Thành cho hay.
Sẽ hiện thực bản đồ Việt Nam bằng tranh 3D trên đá cuội
Kiệt tác nghệ thuật tranh 3D trên đá cuội của họa sĩ Đậu Quang Thành.
Họa sĩ Thành cho biết, thị trường tranh 3D trên đá cuội hiện nay sôi động nhất vẫn là TP.HCM và Hà Nội, còn tại Nha Trang, tranh 3D trên đá chưa nhiều người biết. Tuy nhiên, du khách Nga cũng bắt đầu chú ý và mua làm kỷ niệm. “So với các loại tranh khác, tranh này có “thế yếu” là hơi nặng nên đôi khi du khách cũng ngại, khó mua được số lượng nhiều. Dĩ nhiên, tôi đã cố gắng thực hiện trên các viên đá vừa phải, có thể cầm tay được và bán với giá cũng phải chăng” – anh Thành tâm sự.
Anh Thành quan niệm rất khác về tâm hồn người họa sĩ, cũng như thể loại tranh vẽ mình đang theo đuổi. Nhiều người bảo vẽ tranh phải chờ đến cảm xúc, cảm hứng. Anh lại không nghĩ như vậy. “Nếu chờ có hứng mới vẽ thì bao giờ vẽ ra tranh. Tôi kiên nhẫn, say sưa vẽ bất kể giờ nào mà không cần đến hứng” – anh Thành trần lòng.
Năm 2008, khi mới đặt chân vào Trường Đại học Nghệ thuật Huế, thấy các anh chị đi trước kiếm tiền khá dễ bằng nghề vẽ, một đêm ký họa chân dung họ kiếm vài trăm nghìn, Đậu Quang Thành cũng lên kế hoạch cho mình. Hết nhờ các anh chị trong xóm trọ mình ở làm mẫu, anh lang thang ra các tuyến đường phố nhờ mấy bác xích lô, xe thồ làm mẫu cho mình vẽ. Sau đó, anh quyết định thử sức mình bằng cách ký chân dung ở phố đêm Huế bên cầu Trường Tiền.
Đến giờ, anh vẫn còn giữ một tập tranh “tồi” thất bại khi vẽ cho khách làm kỷ niệm. Tuy nhiên, anh không buồn. “Nếu không trải qua, tôi sẽ khó thay đổi tư duy vẽ tranh như bây giờ. Tôi không chê thể loại tranh nào, gần như thể loại nào tôi cũng vẽ. Đến giờ này, có thể nói tôi luôn thoải mái, thấy vui, không bon chen, tạo được phong cách, đường đi riêng là niềm hạnh phúc tôi nhận lại từ nghề” – anh Thành mãn nguyện.
Nói về dự định gì trong thời gian tới, anh Thành cho biết: “Tôi đang lên ý tưởng thực hiện một bức tranh về bản đồ Việt Nam dài chừng 1 – 2m, gắn kết các viên đá cuội vẽ 3D lại với nhau. Cấu trúc tấm bản đồ này cũng khá đặc biệt. Mỗi viên đá sẽ khắc họa từng địa danh, văn hóa, phong tục, con người… của mỗi địa phương lên đó. Sau khi hoàn thành, tôi có thể giữ nó làm “kỷ vật” trong nghiệp vẽ của mình, hoặc tôi sẽ trưng bày, hoặc hiến tặng cho một nơi nào đó có nhu cầu. Dù chi phí bỏ ra lớn và tốn nhiều công sức nhưng tôi hy vọng sẽ hiện thực ước mơ”.
Dạy vẽ miễn phí và thích làm từ thiện Chủ nhật nào cũng vậy, họa sĩ Đậu Quang Thành đứng lớp dạy vẽ miễn phí (tại số 25 Đặng Tất, TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho bất kể ai thích vẽ hoặc có nhu cầu rèn luyện vẽ để thi cử: “Tôi muốn tạo không gian giao lưu, xả stress cho mọi người sau một tuần làm việc vất vả “cho vui” vậy thôi”. Ngoài ra, với tài lẻ là ảo thuật, chàng họa sĩ trẻ này cũng thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện do các tổ chức từ thiện tổ chức.
Bài và ảnh: Nguyên Kim