Người đương thời

Hà Tĩnh: Sâu nặng mối tình Lào – Việt

Đó là câu chuyện tình đẹp như mơ của bà Phạm Thị Hanh, người con gái Việt Nam nết na ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và ông Nguyễn Hữu Trung, quê ở bản Mang Cháng, huyện Mường May, tỉnh Khăm Muộn, Lào…

Đám cưới thời chiến


Cho đến bây giờ, bà Hanh vẫn nhớ như in ngày hạnh phúc nhất của đời mình. Đó là vào một buổi chiều mùa thu năm 1961, ở Đồn biên phòng 571 (xưa là Đồn biên phòng 99) giữa rừng sâu, sát biên giới Việt Nam-Lào, bao quanh chỉ có cây cổ thụ, tiếng chim rừng lảnh lót, đã diễn ra đám cưới thời chiến của ông bà. Đám cưới chỉ có nước chè xanh, vài ba cái kẹo lạc, trầu cau do mọi người góp giúp. Vậy nhưng ai cũng cảm động bởi đó là đám cưới đầu tiên ở xã Phú Gia của một người Việt với người Lào. Đám cưới ấy được các anh bộ đội biên phòng đứng ra tổ chức.


Ngày đó, Hanh 18 tuổi, đẹp như một bông hoa rừng và là con gái út trong một gia đình gia giáo. Ông Nguyễn Hữu Trung quê ở bản Mang Cháng (huyện Mường May, tỉnh Khăm Muộn, Lào), theo bố mẹ sang lập nghiệp tại huyện Hương Khê. Bố mẹ mất sớm, nhưng ông Trung vẫn ở lại Việt Nam sinh sống. Nhờ thông thuộc các con đường trên biên giới nên ngay từ năm 14 tuổi, ông Trung đã tham gia dẫn đường cho bộ đội biên phòng đoàn 957 và 959 mỗi khi đi tuần tra. Năm 1954 ông Trung được giao giữ chức Trung đội trưởng dân quân tự vệ.


Ông Trung nhớ lại: Những năm đó nơi đây nhiều người vượt biên trái phép. Có trường hợp như gia đình nhà Phan Tường vượt biên tới 6 người. Khi biết tin, ông đã cùng bộ đội lần theo manh mối, xuyên qua các con đường tiểu mạch để xử lý vụ việc. Đúng thời điểm đó mưa to gió lớn, không có cái ăn, những người vượt biên dạt vào một khu chợ. Khi được bộ đội biên phòng khuyên giải, họ đã trở về nhà.


Mải mê với công việc nên 39 tuổi ông Trung vẫn chưa lập gia đình. Thấy vậy, các anh bộ đội Đồn 571 đã “mai mối” ông Trung với bà Hanh. Nhớ lại chuyện ngày xưa, bà Hanh tâm sự: “Ngày đó vẫn có quan niệm gái Phú Lâm thì lấy chồng Phú Lâm. Ông Trung là người Lào, bố mẹ mất sớm, lại suốt ngày đi biên giới sợ không lo được việc gia đình nên ban đầu bố mẹ tôi không đồng ý”. Nhưng rồi được bộ đội đến nhà vun đắp cho, hai ông bà lấy được nhau và nay đã có với nhau 7 người con.


Mải miết giúp đời


Bà Hanh tâm sự, bà thương ông Trung không chỉ vì ông nghèo mà còn vì ông là người sống có tình có nghĩa với dân làng. Vào những năm 1971-1972, để chuẩn bị giải phóng miền Nam, bộ đội Đoàn 559 nghỉ chân tại thôn Phú Lâm. Ngày đó làng Phú Lâm chỉ có 30 hộ sống thưa thớt, ông Trung là Bí thư chi bộ thôn. Ông và thanh niên trong làng đi chặt tre về dựng lán cho bộ đội ở. Thấy bộ đội vất vả, ông bàn với dân làng mang đồ ăn đến cho bộ đội. Để bảo đảm an toàn cho bộ đội ta, hằng đêm ông cùng thanh niên trong làng thức trắng đêm canh gác.


Hòa bình lập lại, ông lại tình nguyện đưa bộ đội biên phòng đi cắm mốc biên giới Việt Nam- Lào. Ông Trung nhớ lại: “Núi rừng trùng điệp, phải len lỏi qua các con đường tiểu mạch để làm công việc này. Mỗi chuyến băng rừng thường phải mất nhiều ngày trời, phải mang theo cả xi măng, gạch đá trên vai”. Mỗi lần ông Trung đi, bà Hanh ở nhà vò võ một mình nuôi con. Dẫu vất vả, thiếu thốn nhưng biết công việc của chồng làm là vì đất nước nên bà yên lòng để ông lên đường.


Bà Hanh nhớ lại: Bà Lê Thị Vinh, một người vô gia cư, chết trong rừng. Ông Trung vào rừng đưa xác bà về chôn cất. Anh Ngô Văn Hào, một người lang thang, chết giữa rừng và bị thú rừng cắn đứt một bàn tay. Nghe người gọi trong đêm, ông vào tận rừng sâu đem xác nạn nhân về chôn cất…Những việc làm của ông Trung khiến cả làng, cả xã ai cũng đều nể phục.


Bao năm qua, ngôi nhà của ông bà vẫn trống trải không đủ ngăn gió, ngăn mưa. Khó khăn là vậy nhưng ông bà vẫn mải miết giúp người. Đứng trước vườn thuốc nam cạnh sân nhà, ông Trung cho biết: “Nếu không có vườn thuốc này thì không ít người đã phải bỏ mạng rồi đấy”. Các loại cây thuốc được ông bà dày công lên tận rừng đem về trồng để chữa bệnh cho đồng bào, như: Sưng thận, suyễn, lên sởi, rắn cắn, ong đốt…. Nhiều bệnh nhân đã được đã được ông Trung cứu sống khi đang ở tình thế “mảnh chỉ treo chuông”.


Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

QĐND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP