Từ đầu mùa lũ đến giờ, xóm trưởng Nguyễn Trường được người dân ví như như cái máy khâu, chạy liên tục không nghỉ. Mỗi khi nước ngấp nghé ngoài cửa là vợ chồng ông phải lo chạy lũ trước, để đến khi nước ngập mới có thời gian chèo thuyền đi cảnh báo, giúp đỡ người neo đơn, thông báo tình hình mưa lũ cho cả xóm cũng như làm giao liên lên xã. Hôm nào cũng 2 giờ sáng mới bì bõm về nhà. Sống dưới miệng thủy điện Hố Hô, cứ có mưa to là các xóm trưởng í ới nhau lên xã xem có lệnh gì về xả lũ hay không để truyền đạt lại để người dân khỏi bị động. “Nước dâng cao: xóm trưởng, thông báo sơ tán: xóm trưởng, thống kê thiệt hại: xóm trưởng, phân phối cứu trợ cùng xóm trưởng mà chuyện được ít được nhiều, nhận trước nhận sau cũng đưa xóm trưởng… lên thớt. Cái ghế xóm trưởng không nóng hơn “Ai là triệu phú” thì còn chi nựa!”, ông Trường tếu táo. Trong lúc cùng chúng tôi rà soát lại danh sách các hộ dân trong xóm bị thiệt hại nặng để nhận quà cứu trợ, ông rà cây bút lừng khừng rồi gạch một cái tên ở cuối danh sách. Hỏi người này nhận nhiều đợt hỗ trợ rồi hay sao, ông đặt bút, xoa cái trán đã rụng gần hết tóc: “Nói thật, nó là con dâu tui. Bà con vùng lũ thì thiệt hại cả, nhưng đến người thân của mình thì phải xem trước ngó sau. Lắm lúc chịu thiệt, chịu muộn một tí cũng được chứ không lại sinh chuyện”.
Bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hương Thủy kể câu chuyện cười ra nước mắt. Rằng sau lũ, thấy xóm trưởng nào cũng hốc hác, chạy lên chạy về như anh giao liên thời chiến. Bữa đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về xã, vừa hát vừa tặng quà cứu trợ cho bà con. Ông Trường cũng thuộc diện có phiếu nhận quà, nằm ở cuối danh sách. Đi lo chuyện thôn xóm cả đêm đến sáng, mệt quá gục đầu lên ghế phòng họp ủy ban xã chợp mắt một tí chờ bà con nhận hết rồi tới mình cũng được. Ai ngờ, ở xã này lần đầu có chuyện vừa hát vừa tặng quà như hát lô tô, người ta đọc tên ông lẫn trong giọng hát của Mr Đàm nên không ai nghe được. Đến khi tỉnh dậy thì đoàn đã đi mất, ông lủi thủi về không! Hai hôm sau, quà cứu trợ của một đoàn khác lại tập kết về nhà văn hóa xóm. Bù qua sớt lại cho hợp lý nhưng gút danh sách thế nào mà cuối cùng lại có một người không có quà. Ông lại bấm bụng dành chai dầu ăn, gói bột ngọt và 200 nghìn đồng cho người hàng xóm…
Ông Nguyễn Trường (phải) dẫn phóng viên đi gặp từng hoàn cảnh khó khăn sau lũ. Ảnh: Công Khanh |
Trên đường đưa chúng tôi đi đến những hộ dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ, ông dặn: “Nhà báo cứ coi trên cái danh sách của xã cho rồi chỉ nhà nào tui đưa đến nhà đó. Kẻo người ta lại nghĩ tui chủ quan, muốn giúp nhà này, không quan tâm đến nhà khác. Để công bằng tương đối, anh em xóm trưởng của cả xã ni, cả huyện ni cũng phải đấu tranh, chịu nói này nói nọ nhiều lắm”. Xóm Tân Thành kết nối với UBND xã bằng con đường ngoằn ngoèo chạy qua con sông đục ngầu. Hôm thủy điện xả lũ, nước cuốn phăng phăng, nhìn xa làng xóm như đám lục bình khổng lồ giữa dòng nước xiết. Chị Cao Thị Liễu, người phụ nữ một thân nuôi 5 đứa con nhỏ có chồng chết do tai nạn, được coi là hộ nghèo nhất của xóm kể: Đêm mưa như trút, thủy điện xả nước ầm ầm, 5 mẹ con co ro bám lấy nhau lạy trời mau sáng. Mờ sương, bốn bề mênh mông nước thì ông Trường đã đứng từ xa ới vọng lại xem thử có sao không. Thật tình thì nhà chị ở nơi cao, nước chỉ cô lập chứ không tràn vào nhà, mà nhà cũng chẳng có gì đáng giá để cho nước cuốn cả. “Nếu công bằng thì nhà tôi không thuộc diện được cứu trợ, vì lũ không ngập. Nhưng bằng cách này hay cách khác, bác Trường cũng nói trước với bà con, san sẻ chai dầu, ký gạo. Chứ nước vây cả ngày chẳng có gì mà ăn”, chị Liễu tâm sự.
Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà bị lũ móc lòi móng toang hoác, bao nhiêu cây bưởi Phúc Trạch đến kỳ sung sức bị đánh bật gốc để ghi hình thì ông Trường kéo đi nhanh. Hỏi thì ông nói nhỏ: “Đây là nhà tui, dù gì cũng là nhà “cán bộ”. Mình đi đến nhà dân hay hơn anh ạ”. Vừa đi, ông vừa phân tích rằng, công tác cứu trợ phải thực sự ở cơ sở mới hiểu thấu. Dù có mất mát tài sản trị giá cả chục triệu, thậm chí là trăm triệu, nhưng kinh tế gia đình khá một tí thì dần dần họ cũng ổn định được. Chứ mất một con lợn, một con bò của người nghèo thì họ trở nên túng quẫn. Cho nên đừng máy móc cứu trợ dựa trên thống kê giá trị thiệt hại, mà phải hiểu gia cảnh của từng nhà…
Trong quá trình phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu của người dân để hỗ trợ các nhu cầu sau lũ, trao tặng các phương tiện tạo sinh kế, chúng tôi trở lại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), nơi các trưởng thôn của xã Quảng Hải đột nhiên phải ngồi “ghế nóng” sau vụ việc thu lại tiền cứu trợ để phân bổ cho đều. Trong cuộc họp các thôn để yêu cầu thu hồi số tiền đã chia đều để trả lại cho những người được cứu trợ, 6 trưởng thôn đã có cơ hội “trần tình” về những điều mà nếu là người dân vùng lũ thì ai cũng biết được động cơ, mục đích. Rằng lũ tràn vào nhà, cuốn phăng tài sản, may mắn lắm thì không chết người, còn khó thì ai cũng như nhau. Các đoàn cứu trợ thì ai cũng mong tình cảm của mình đến tận tay người thụ hưởng, nhưng họ đến rồi đi, không thể biết rõ sự tình sau lũ người dân phải “dựa nhau mà sống”. Nhiều người dân khi được hỏi đều cho rằng, cái ghế trưởng thôn, muốn “lộng quyền” cũng khó, với lại ở đâu cũng có ban tiếp nhận cứu trợ, chẳng ai tư lợi gì. Sau lũ là một chuỗi những ngày khó khăn, cần có sự cân đối hài hòa để cùng nhau vượt khó. Cái sai, cái chưa hợp lý là vào những lúc nước sôi lửa bỏng, cách tính toán thu lại để phân chia hợp lý chưa làm thông một số bà con. Nên cái quyền suy diễn tư túi, vụ lợi cũng khó lòng mà tránh được. Ông Hoàng Trung Lợi – Trưởng thôn Nam Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn tâm sự: “Cái sự cố ấy mà các trưởng thôn ở Quảng Hải không gặp thì rồi anh em tôi cũng có người gặp. Tình ngay lý gian, khổ rứa. Cho nên trong thôn giờ có cả một ban gồm Mặt trận, chi bộ, ban phòng chống bão lũ. Ban này sẽ có trách nhiệm đảm bảo việc phân bổ hàng cứu trợ hợp lý, công bằng, đúng đối tượng”.
Công Khanh