Ông Lê Văn Cung chỉ về khoảnh đất rừng của hộ gia đình mình nay đã được Ban quản lý RPH Sông Tiêm giao quyền cho hộ khác canh tác - Ảnh: Quang Cường |
Bỗng dưng bị mất trắng 7,3ha đất rừng
Báo điện tử Một Thế Giới nhận được phản ánh của ông Lê Xuân Cung (52 tuổi, ở xóm Bình Giang, xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) về việc gia đình ông bỗng dưng bị mất trắng 7,3ha đất rừng được chính quyền giao để sản xuất từ 24 năm trước.
Ông Cung là người được bố vợ (ông Nguyễn Văn Quang, ở cùng xóm) ủy quyền xử lý trong vụ tranh chấp đất rừng này.
Theo phản ánh, ngày 9.11.1995, UBND huyện Hương Khê có quyết định số 378/QĐ/UB giao khoán cho ông Nguyễn Văn Quang (bố vợ ông Cung) 21,27ha đất rừng tại lô số 5, khoảnh 1, tiểu khu 212 (thuộc địa bàn xã Hương Bình) để bảo vệ, sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, ông Quang phát hiện ông Phan Đức Thuần (ở cùng xã) vào trồng cây trên đất rừng của mình được huyện giao. Những năm tiếp đó đã xảy ra tranh chấp đất giữa ông Quang và ông Thuần.
Lúc này ông Quang mới biết ông Thuần được Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) Sông Tiêm giao khoán 7,3ha đất lâm nghiệp chồng lên đất của mình được huyện giao quyền sử dụng hơn 10 năm trước.
Từ đó đến nay, ông Quang và ông Cung (con rể được ông Quang ủy quyền) nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê), yêu cầu phân định ranh giới, trả lại đất mà gia đình họ có quyền sử dụng hợp pháp. Tuy nhiên, vụ việc không được cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm.
“Đất rừng của gia đình tôi được nhà nước giao có quyết định rõ ràng, hợp pháp. Vậy mà hộ gia đình ông Thuần lại được cơ quan khác giao đất chồng lên đất chúng tôi. Việc này hết sức vô lý, nếu như chính quyền và các cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm và trả lại đất cho gia đình tôi thì chẳng khác gì chúng tôi tự nhiên bị mất trắng 7,3ha đất rừng”, ông Cung nói.
Ông Cung cũng lo ngại nếu sự việc kéo dài sẽ xảy ra xung đột tiêu cực giữa gia đình ông và gia đình ông Thuần, vì hiện tại cây trồng trên đất tranh chấp đang đến kỳ thu hoạch.
Quyết định của UBND huyện Hương Khê giao hơn 21ha đất rừng cho ông Nguyễn Văn Quang |
Giao đất nhưng không khảo sát thực địa?
Theo ông Cung, mãi đến năm 2017 thì chính quyền xã, huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm mới chính thức vào cuộc sau khi nhận đơn khiếu nại của ông.
Ngày 23.11.2018, đã có một cuộc làm việc giữa đại diện xã Hương Bình, Phòng TN-MT huyện Hương Khê, Hạt kiểm lâm Hương Khê, Ban quản lý RPH Sông Tiêm và đại diện các hộ gia đình liên quan.
Biên bản làm việc đã nêu rõ, năm 1995, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quang được UBND huyện Hương Khê giao sử dụng lô số 5, khoảnh 1, tiểu khu 212 (diện tích 21,27ha).
Cũng tại biên bản này thể hiện năm 2005, hộ gia đình ông Phan Đức Thuần được Ban quản lý RPH Sông Tiêm giao khoán sử dụng lô số 1, khoảnh 3, tiểu khu 212 (diện tích 7,3ha).
Buổi làm việc đã có kết luận rằng, 7,3ha đất rừng mà Ban quản lý RPH Sông Tiêm giao cho hộ ông Thuần là đúng quy định, nằm trong ranh giới được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Ban quản lý RPH Sông Tiêm từ năm 2003. Đối chiếu hồ sơ giao đất của hộ gia đình ông Quang thì phần diện tích đất ông Thuần nằm trong ranh giới, diện tích được UBND huyện Hương Khê giao cho hộ gia đình ông Quang.
Đại diện Ban quản lý RPH Sông Tiêm đã không ký xác nhận vào biên bản làm việc có nội dung này.
Ông Cung mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm, phân định quyền sử dụng lô đất trên để ổn định sản xuất và tránh xung đột tiêu cực - Ảnh: Quang Cường |
Ông Lê Đăng Lợi, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho hay, vụ việc tranh chấp đất rừng này đã diễn ra vài năm nay.
“Trước đây ông Quang được huyện giao rừng để bảo vệ, sản xuất lâm nghiệp. Đến năm 2005 rừng này được tỉnh giao về cho Ban quản lý RPH Sông Tiêm. Như vậy, trong quá trình giao đất rừng, có thể người ta không khảo sát thực địa nên xảy ra việc giao đất chồng lên đất đã giao”, ông Lợi nói.
Ông Lợi cũng cho biết, xã đã mời các đơn vị liên quan làm việc để đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc này. Mục tiêu trước mắt là giải quyết tài sản (cây trồng) trên đất trước mùa mưa bão để tránh thiệt hại. Trong việc giải quyết thì Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị chủ trì, xã chỉ phối hợp, vì địa giới hành hính thì thuộc địa bàn xã nhưng đất thì được tỉnh giao cho ban quản lý rừng phòng hộ.
Về phía chủ rừng giao đất cho hộ ông Thuần, ông Hoàng Xuân Tài, Phó trưởng ban quản lý RPH Hương Khê cho rằng trước đây Ban không biết việc ông Quang được huyện giao đất.
“Theo quy định, đất huyện giao thì thuộc xã và huyện quản lý. Còn đất hộ ông Thuần là của tỉnh giao cho Ban, sau đó ban giao lại cho hộ ông Thuần là đúng quy định. Thời điểm Ban giao cho ông Thuần thì trên đất đó chưa có ai canh tác, sử dụng cả”.
Ông Tài khẳng định đất ông Thuần nằm trong ranh giới của Ban quản lý RPH Sông Tiêm, còn đất ông Quang thì phải đề nghị xác định lại thực địa là ở chỗ nào.
Ông Tài cũng bày tỏ quan điểm xử lý cây trồng trên đất trước để tránh thiệt hại cho người trồng trong mùa mưa bão sắp đến.
“Ban sẽ đề nghị xã và huyện về phối hợp kiểm tra, xác định lại địa giới đất của ông Quang, lập biên bản xác nhận.
Sau khi xác định được đất ông Quang thì khi đó các bên mới bàn để đề xuất tỉnh thu hồi đất của Ban ở đó, hay là đề xuất huyện thu hồi đất của ông Quang”, ông Tài nói.
Trong lúc này, 2 hộ dân được giao rừng đang xảy ra tranh chấp mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm, phân định quyền sử dụng lô đất trên để họ ổn định sản xuất và tránh xung đột tiêu cực.
Tác giả: Quang Cường
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới