Di tích - Thắng cảnh

Đức Thọ: Day dứt từ ngôi đền Thành hoàng bị phá hủy

Mấy chục năm đã trôi qua, người dân làng Văn Lâm, Đức Lâm, Đức Thọ (Hà Tĩnh) không bao giờ nguôi quên về ngôi đền thờ Thành hoàng linh thiêng, đẹp đẽ đã bị phá hủy cùng những lễ hội Xuân mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đền tên: Kim Nghê Tọa lạc trên rú Lành, thuộc địa bàn thôn Hà Cát, Đức Lạng, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Đền tên: Kim Nghê
Tọa lạc trên rú Lành, thuộc địa bàn thôn Hà Cát, Đức Lạng, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Đền thiêng

Làng Văn Lâm, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ ngày xưa là một xóm nhỏ thuộc xứ Kẻ Ngù (tên chữ là Cổ Ngu), tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (sau đổi là phủ Đức Thọ). Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng làng Văn Lâm ngày xưa là một vùng đất cày sâu cuốc bẫm, dưa muối, nhút cà nhưng cũng là một làng có nền văn hoá dân gian phong phú. Làng có ngôi chùa Hoa Lâm Ngự đã xây dựng từ hơn 300 năm được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2009 và ngôi đền thờ Thành Hoàng làng.Ngôi đền xây dựng từ rất lâu, vào năm Bính Tý (1936) được trùng tu.

Khuôn viên rộng hơn một mẫu, kiến trúc gồm 6 toà nhà lớn (Thượng điện – Trung điện – Hạ điện; Tả vu – Hữu vu; Tam quan) trang nghiêm, nhiều đồ tế khí quý. Trong đền có treo các sắc phong của nhiều triều vua ban. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 Tết và Rằm tháng 6 (15 – 6 ÂL) làng mở hội tại đền để làm lễ cầu phúc, rước sắc vua ban và rước Thành hoàng làng đi về các thôn liên xã rồi sau đó lại rước về đền. Trai tráng trong làng phải đi đông đủ, ai không đi rước phải nạp tiền phạt.

Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động vui chơi mang đậm bản sắc văn hoá của làng quê Việt Nam như: cờ thẻ, đánh đu, múa sắc bùa, hát ví, vè, dặm,… Cuối buổi lễ họp làng do tiên chỉ văn thân, chức sắc điều hành công bố sổ sách nghĩa thương, kiểm điểm việc thực hiện hương ước, đề đạt việc làm công ích, cũng như các mặt xã hội trong làng.    Những năm sau Cách mạng tháng Tám, đền là nơi người dân học “Bình dân học vụ”, nơi tập luyện của dân quân, du kích và nơi họp của chi bộ Đảng.

Vào tháng 4/1953, chi bộ Đảng đang họp trong đền thì có 2  máy bay của thực dân Pháp đến ném bom. Các đồng chí đảng viên vẫn an toàn nhưng đền bị hư hỏng nặng.  Đến tháng 8/1953, máy bay Pháp dội liên tiếp 2 quả bom tấn xuống toà nhà Trung điện làm cả 6 toà nhà đổ sập và hư hỏng hoàn toàn.  Mất đi ngôi đền quanh năm trầm mặc khói hương – mất đi nơi thờ Thành hoàng làng linh thiêng với lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa quê hương người dân làng Văn đau lắm, xót lắm. Sự mất mát – nỗi đau đó không gì bù đắp nổi.

Nỗi đau hiện tại

Những năm tiếp theo, người dân làng Văn còn phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến tranh. Năm xưa, khi 2 quả bom dội xuống phá ngôi đền, chất chì, chất asen và các chất độc khác trong bom đã lắng xuống lòng đất, ngấm vào các mạch nước ngầm.
Hố bom – nơi 2 quả bom ném xuống phá hủy di tích  Người dân ở xung quanh đền (xóm Đền) khoan giếng lấy nước để ăn và sinh hoạt đã mắc phải các căn bệnh nan y. Trong thời gian ngắn đã có hơn 10 người ở xóm Đền bị mắc bệnh ung thư (ung thư xoang, ung thư da, ung thư dạ dày,…).Xóm Đền ngày xưa rất vui, những đêm trăng sáng trẻ con trong xóm râm ran tiếng hát, các cụ già, người lớn ngồi trò chuyện với nhau bên ấm nước chè xanh và điếu thuốc lào. Những năm gần đây xóm Đền rất buồn – buồn đến não lòng. Qua bài viết này, tôi rất mong các nhà khoa học giúp đỡ người dân xóm Đền quê tôi cách loại bỏ chất độc của bom ngấm vào nguồn nước để họ có được cuộc sống khoẻ mạnh và yên tâm khi dùng nguồn nước nhà mình.  Tôi cũng muốn nhắn gửi tới các người con của làng Văn xa quê và các nhà hảo tâm hãy chung tay gây dựng lại ngôi đền thờ Thành hoàng làng, khôi phục lại nét văn hoá tín ngưỡng đẹp đẽ của làng Văn ngày xưa.

Phan Duy Nghĩa/Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP