Tin Hà Tĩnh

Cuộc gọi từ Rào Trăng 3: 'Họ đang pha mì tôm thì hầm sập'

"Đội công nhân vừa giao ca, đang pha mì tôm thì hầm sập, đất đá đổ xuống”, anh Phan Đình Anh gọi về nhà thông báo.

Chiều 13/10, người dân thôn Xuân Tây (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã xôn xao, lo lắng về thông tin 3 người tử nạn trong vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên - Huế là người địa phương.

Từ khi nghe tin, người dân trong thôn đã đến gia đình những người bị nạn để động viên, chia sẻ nhưng vẫn mong đó chưa phải là sự thật. Chính quyền địa phương thông báo 3 nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng đều là người Hà Tĩnh, họ gồm: L.V.S. (34 tuổi), T.V.N. (36 tuổi) và L.V.H. (37 tuổi, cùng trú xã Hộ Độ).

Vợ bầu nhập viện khi chồng gặp nạn

Ông Phan Đình Hiền (57 tuổi, thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ) kể ông có cháu họ là Phan Đình Anh làm thủy điện Rào Trăng 3. Khoảng 8h ngày 13/10, Đình Anh gọi điện về cho gia đình thông tin khu vực núi gần thủy điện bị sạt lở vùi lấp nhiều người, anh may mắn thoát nạn. Riêng anh T.V.N. và một số người khác trong thôn thì bị đất đá vùi lấp, lực lượng chức năng đang tìm kiếm.

“Cháu nó gọi điện về cho gia đình chỉ khoảng 1 phút nói đội công nhân vừa giao ca, đang pha mì tôm thì hầm sập, đất đá đổ xuống. Có nhiều người đã tử vong”, ông Hiền nhớ lại.

Bà Lê Thị Long khóc nghẹn khi nghe tin con trai gặp nạn. Ảnh: H.N.

Anh L.V.S. là một trong những nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 và đã được lực lượng chức năng tìm thấy thi thể, đưa ra ngoài. Ngồi bên góc nhà, bà Lê Thị Long (62 tuổi, mẹ anh S.) khóc không thành tiếng, tay liên tục vỗ vào ngực trong đau đớn.

Người phụ nữ 62 tuổi kể khoảng 4 năm nay, anh S. đi làm thủy điện Rào Trăng 3 cùng chủ thầu quê xã Hộ Độ.

Tối 10/10, anh S. gọi điện về cho gia đình thông báo khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đang làm mưa to và gió rất lớn. Anh cùng nhiều công nhân đang mắc kẹt ở trên núi, không di chuyển được. Từ đó đến nay, gia đình mất hoàn toàn liên lạc với anh S.

“Cháu ruột tôi cùng làm với S. trong thủy điện Rào Trăng 3 gọi về bảo con tôi đã tử vong. Cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể”, người mẹ bật khóc.

Cách đó không xa là nhà anh L.V. H. - nạn nhân thứ 3 quê Hà Tĩnh được xác định đã tử vong và tìm được thi thể. Từ lúc nghe tin chồng tử nạn, chị Lê Thị Linh (28 tuổi, vợ anh H.) đang mang bầu tháng cuối đã bị sốc, phải nhập viện cấp cứu.

Theo người thân, vợ chồng anh H. có 3 con nhỏ (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ gần 3 tuổi). Do hoàn cảnh khó khăn, anh H. phải bỏ quê đi làm thủy điện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng nhiều người trong thôn.

Rất đông người tới chia sẻ, động viên các gia đình có người gặp nạn. Ảnh: H.N.

Vài năm trước, cặp vợ chồng tích cóp xây dựng căn nhà tạm để có chỗ che mưa che nắng. Nhưng vì thiếu tiền, họ chỉ trám xi măng, không có sơn phủ, bên trong không có vật dụng gì đáng giá.

“3 người thân đã thuê xe vào Thừa Thiên - Huế để nhận dạng thi thể. Cái nhà xây chưa kịp ở, con cái nheo nhóc rồi không biết bám víu vào đâu nữa”, ông Lê Văn Thiện (58 tuổi, bố vợ anh H.) nói.

Trưởng thôn Xuân Tây Trần Vân Hải cho biết thôn có khoảng 9 người làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3.

Cuộc gọi chớp nhoáng từ Rào Trăng 3

Trong số 17 công nhân bị mất liên lạc khi thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sạt lở đất, anh Nguyễn Đình Giáp (29 tuổi, trú thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đã gọi về cho gia đình thông báo thoát nạn.

Cuộc gọi ngắn ngủi chỉ vài chục giây của con trai báo tin vẫn còn sống càng khiến bà Lê Thị Hoan (60 tuổi, mẹ anh Giáp) thêm lo lắng. Người mẹ đang mòn mỏi chờ cuộc gọi tiếp theo để biết tình hình của con. Bà cũng không biết con trai mình đã được cứu ra ngoài hay chưa.

“Nghe tin nơi cháu làm việc bị sạt lở, vợ chồng tôi gọi điện nhưng không liên lạc được. Đến trưa 13/10, con tôi gọi về, nhưng chỉ kịp nói 'mẹ yên tâm con đã thoát nạn rồi'. Nó bảo cùng 2 công nhân khác chạy được lên núi. Khi chưa kịp hỏi thêm gì thì máy đã không thể liên lạc được nữa”, bà Hoan kể.

Bà Lê Thị Loan vẫn mong ngóng con gọi về thông báo lần nữa. Ảnh: H.N.

Theo bà Hoan, ở thôn Liên Xuân có nhiều người dân cùng con trai bà làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3. Tuy nhiên, mới chỉ có con trai bà liên lạc được về nhà.

Ông Trương Bá Khanh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, cho biết xã có ít nhất 10 người đi lao động tại các thủy điện ở Thừa Thiên - Huế.

“Về thông tin có người tử vong, chính quyền có nắm từ nhiều kênh con em địa phương tại nơi xảy ra vụ việc. Còn thông tin chính thức về danh tính các nạn nhân thì cơ quan chức năng công bố”, vị lãnh đạo nói.

Còn tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) được xác định có 5 người đang làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3 và 4. Tuy nhiên, tối 13/10, những người này có liên lạc với gia đình thông báo đã an toàn.

Chị Lê Thị Hồng (48 tuổi, trú thôn Hiền An Bến Củi), cho biết chồng chị là Phan Đình Hùng đang thi công lắp ráp tại thủy điện Rào Trăng 3. Từ khi nghe tin vụ sạt lở đất ở khu vực thủy điện, chị cố liên hệ với chồng nhưng không được. Đến tối cùng ngày, chị nhận được thông báo, chồng mình cùng 39 người khác đã vượt rừng lên thủy điện Rào Trăng 4 an toàn.

Chiều 12/10, nhận tin về vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều công nhân ở công trình thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác của UBND tỉnh và Quân khu 4 lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.

Theo thông tin từ sở chỉ huy tiền phương, số công nhân mất tích tại khu vực công trình thủy điện Rào Trăng 3 là 17 người. Còn ông Nguyễn Đại Thành, đại diện của Công ty CP thủy điện Rào Trăng 3, thông tin có ít nhất 3 công nhân tử vong trong khu vực dự án.

Đến 16h, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Mưa lũ, sạt lở đất và nước suối chảy xiết khiến việc di chuyển gặp khó khăn. Đoàn công tác gồm 21 người sau đó quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường.

Trong đêm, trời mưa to nên khối lượng lớn đất, đá từ quả đồi sạt lở xuống lán tạm mà đoàn công tác đang nghỉ. Đến trưa 13/10, Ban chỉ huy tiền phương đã liên lạc được với 8 chiến sĩ. Trong số 13 người đang mất liên lạc có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.

Tác giả: Hoàng Dương - Hoàng An

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP